Hôm nay 16.2, chùa Hương (Hà Nội) chính thức mở cửa trở lại: Cần đảm bảo an toàn cho du khách

VHO- Một ngày trước khi chính thức mở cửa trở lại, hôm qua 15.2, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng dẫn đầu đã kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và thí điểm vận hành đón khách về tham quan, lễ Phật tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức). Trong đó, các phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch được đặc biệt chú trọng.

Hôm nay 16.2, chùa Hương (Hà Nội) chính thức mở cửa trở lại: Cần đảm bảo an toàn cho du khách - Anh 1

 Đoàn kiểm tra tại khu vực chùa Thiên Trù

Cùng tham gia đoàn kiểm tra có Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Cao Thái; lãnh đạo các Sở, ngành chức năng của TP Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức, xã Hương Sơn, BQL Khu Di tích và BTC lễ hội chùa Hương...

Sn sàng các phương án khi lưng du khách tăng cao

Thông tin chùa Hương mở cửa trở lại mang đến không khí háo hức với đông đảo người dân và du khách. Những con đò bên bờ suối Yến thoát cảnh nằm bờ, sẵn sàng đón khách, môi trường quang đãng, dãy ki ốt hàng quán dọc đường hành hương như được hồi sinh...

Mặc dù đến hôm nay 16.2, di tích chùa Hương mới chính thức mở cửa nhưng không khí đón chờ, háo hức dường như đã có từ nhiều ngày trước. Bắt đầu từ 5h sáng ngày 11.2, BTC đã triển khai mở cửa phục vụ khách tham quan, lễ Phật. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt cho biết: “Từ ngày 11 đến 15.2 là giai đoạn địa phương chạy thử các phương án để rà soát, khắc phục các bất cập. Chùa Hương chính thức đón khách từ 16.2 theo quyết định của thành phố. Đây là bước đi chủ động của huyện nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng các công tác để đảm bảo vận hành đón khách diễn ra bài bản, an toàn trong bối cảnh dịch bệnh”.

BQL di tích cho biết, từ ngày 11-14.2, di tích đón 12.800 lượt khách qua thu vé. Số lượng khách không quá đông, đồng thời du khách về di tích tham quan, chiêm bái cơ bản đều chấp hành tốt các yêu cầu về phòng, chống dịch. Theo Bí thư Nguyễn Ngọc Việt, chùa Hương là điểm di tích đặc biệt, có thời gian hội kéo dài, thu hút đông đảo du khách hành hương. Vì vậy, công tác chuẩn bị mở cửa cần chu đáo, kỹ lưỡng và đảm bảo tốt nhất các biện pháp an toàn. “Dù tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nhưng huyện Mỹ Đức vẫn yêu cầu luôn tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất; hướng đến mục tiêu xây dựng “chùa Hương là điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”. Bên cạnh đó, duy trì làm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường, gắn trách nhiệm và nâng cao ý thức người dân khi phục vụ tại các địa điểm di tích...”, lãnh đạo huyện Mỹ Đức nhấn mạnh.

Hôm nay 16.2, chùa Hương (Hà Nội) chính thức mở cửa trở lại: Cần đảm bảo an toàn cho du khách - Anh 2

 Rất nhiều biển được BTC cho lắp dựng để tuyên truyền

Kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu vực bến đò, dọc suối Yến, các điểm ra vào khu di tích, đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích..., đoàn kiểm tra ghi nhận nỗ lực của địa phương, BQL di tích trong công tác chuẩn bị nhằm sẵn sàng mở cửa chùa Hương trong điều kiện thích ứng, an toàn. Theo ghi nhận, dọc đường hành hương, nhiều chốt kiểm soát dịch đã được lập ở các lối ra vào; 2 trạm y tế lưu động đã được thiết lập ở Trạm y tế xã Hương Sơn và khu Bến Trò (điểm soát vé tham quan). Nhiệm vụ của các chốt kiểm soát này là khi phát hiện du khách có biểu hiện ho, sốt, các triệu chứng nghi mắc Covid-19... sẽ được lực lượng y tế kịp thời đưa đến điểm cách ly và xử lý theo quy định. BQL di tích cũng đặc biệt lưu ý phương án về việc phân luồng, thậm chí tạm dừng hoạt động cáp treo… để đảm bảo an toàn trong trường hợp du khách về đông, xảy ra ùn tắc trong những ngày cao điểm.

Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, BQL di tích tăng cường tuyên truyền việc thực hiện 5K, lắp dựng các cụm pano, băng rôn, khẩu hiệu, nội dung và hình thức tuyên truyền, quảng bá trực quan phù hợp để du khách có thông tin cần thiết về khu di tích và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; sử dụng loa cầm tay nhắc nhở du khách tại các điểm có nguy cơ tập trung đông người như bến xe, đền Trình, chùa Thiên Trù, ga cáp treo và Động Hương Tích… “BTC cũng đã bố trí tăng cường một đội tuyên truyền lưu động bằng xuồng trên suối Yến, dùng loa và máy quay hình ảnh để trực tiếp nhắc nhở du khách, lái đò thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch cũng như thực hiện nếp sống văn minh lễ hội...”, lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết. Bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực của địa phương và BQL di tích, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng lưu ý, do nhu cầu của du khách về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn để chiêm bái, vãn cảnh sẽ kéo dài trong những tháng đầu năm, huyện Mỹ Đức cần tiếp tục duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn; tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch; đảm bảo cảnh quan, vệ sinh, an ninh trật tự. Đồng thời, huyện cũng phải xây dựng các kịch bản, phương án đối với các tình huống có thể phát sinh trong quá trình đón khách.

Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Cao Thái cho rằng, các phương án chuẩn bị đón khách đã được địa phương và BQL di tích xây dựng bài bản, chi tiết, tuy nhiên cần luôn sẵn sàng các giải pháp tăng cường khi lượng khách đổ về quá đông, đặc biệt trong dịp cuối tuần. Việc triển khai các phương án cần linh hoạt, chủ động với những giải pháp như phân luồng, thực hiện giãn cách, tuyên truyền, nhắc nhở người đi lễ chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch... “Việc triển khai các biện pháp quản lý cần bám sát Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội...”, Chánh Thanh tra Bộ Phạm Cao Thái nhấn mạnh.

Vng lng đêm khai n đn Trn

Hôm nay 16.2, chùa Hương (Hà Nội) chính thức mở cửa trở lại: Cần đảm bảo an toàn cho du khách - Anh 3

 Di tích Phủ Tiên Hương thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch

Chiều 14.2, kiểm tra thực tế tại hai điểm di tích trên địa bàn tỉnh Nam Định là đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) và Phủ chính Tiên Hương (thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng đánh giá cao sự nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản trong công tác quản lý, phòng chống dịch tại các điểm di tích vốn thu hút đông đảo du khách này. Ông Thắng lưu ý các BQL di tích, chính quyền địa phương cần luôn sát sao, nghiêm túc trong thực hiện các quy định phòng chống dịch và thực hiện nếp sống văn minh, an toàn tại di tích.

Trước đó, Văn Hóa đã thông tin về việc Nam Định tiếp tục không tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần Xuân Nhâm Dần 2022 để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi lễ khai ấn thường tập trung rất đông người trong không gian nhỏ hẹp, nguy cơ lây lan lớn nên địa phương quyết định không tổ chức lễ khai ấn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Trong 2 ngày 14 và ngày Rằm tháng Giêng, đền Trần đóng cửa, không đón tiếp khách. Theo ghi nhận của Báo Văn Hóa, vào chiều ngày 14, công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự được triển khai nghiêm ngặt. Dọc đường vào di tích, quang cảnh thoáng đãng, công tác tuyên truyền được thực hiện từ sớm nên nhiều người dân đã không về đền vào thời điểm khai ấn tối 14, rạng sáng ngày Rằm như nhiều năm trước.

Hôm nay 16.2, chùa Hương (Hà Nội) chính thức mở cửa trở lại: Cần đảm bảo an toàn cho du khách - Anh 4

 Đền Trần tiếp tục không tổ chức phát ấn

 

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần - Chùa Tháp thông tin thêm với Văn Hóa, dù không tổ chức lễ khai ấn nhưng các hoạt động nghi lễ truyền thống vẫn được UBND TP Nam Định cho phép nhà đền tổ chức với quy mô nội bộ, không có khách mời. Trong đêm 14, các nghi lễ truyền thống đã được các bậc cao niên trang trọng tổ chức. Sân đền vắng lặng, trong bầu không khí linh thiêng. Cũng theo ông Bình, việc phát lộc ấn được bắt đầu từ sáng ngày Rằm tháng Giêng, dành cho các khách đã đăng ký từ trước và tại khu vực riêng, có lối đi riêng, với các điều kiện bảo đảm phòng chống dịch nghiêm ngặt. “Từ sáng ngày 16 tháng Giêng, nhà đền sẽ mở cửa để nhân dân và du khách thập phương vào chiêm bái, thực hành các nghi lễ tâm linh và xin lộc ấn. Các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định”, ông Nguyễn Đức Bình cho hay.

Về công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách, theo BQL di tích, BQL và nhà đền đã chia 2 ca túc trực ngày đêm để nhắc nhở, hỗ trợ người dân, du khách thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. “Hoạt động kiểm tra được tiến hành thường xuyên. Thực tế cho thấy người đi lễ đền Trần đầu năm đều tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, xịt khuẩn, giữ khoảng cách an toàn…”, ông Bình nêu.

Tại Phủ Chính Tiên Hương, theo thủ nhang Trần Thị Huệ, sau một thời gian dài đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch, Phủ Chính Tiên Hương được mở cửa trở lại từ ngày 1.2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán). “Lượng khách so với mọi năm không đông, công tác phòng chống dịch luôn được đảm bảo. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người đi lễ đeo khẩu trang, xịt khuẩn và thực hiện giãn cách an toàn...”, bà Huệ cho hay. 

 Do nhu cầu của du khách về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn để chiêm bái, vãn cảnh sẽ kéo dài trong những tháng đầu năm, huyện Mỹ Đức cần tiếp tục duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn; tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; đảm bảo cảnh quan, vệ sinh, an ninh trật tự.

Đồng thời, huyện cũng phải xây dựng các kịch bản, phương án đối với các tình huống có thể phát sinh trong quá trình đón khách.

(Phó Ch tch UBND TP Hà Ni CH XUÂN DŨNG)

 Việc triển khai các biện pháp quản lý, tổ chức lễ hội cần bám sát Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội...

(Chánh Thanh tra B VHTTDL PHM CAO THÁI)

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc