Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp

VHO- Đây có lẽ là lần đầu tiên một triển lãm dành riêng cho nhạc cụ dân tộc Việt được tổ chức ở Arcueil thành phố ngoại ô Paris. Người Pháp nói riêng và người châu Âu nói chung rất ít biết về nhạc cụ dân tộc Việt. Nhân dịp đầu xuân, hội Aurore Ánh Sáng kết hợp cùng Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp để giới thiệu nhạc cụ dân tộc Việt và nhân thể mời hội Jazz Bond tham gia với thiện ý cảm ơn hội từng đến Việt Nam tham gia chương trình chữa bệnh bằng âm nhạc cho trẻ em tàn tật và chất độc màu da cam.

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 1

Buổi khai mạc diễn ra trong bầu không khí ấm cúng. Do tình hình covid, việc mời khách bị hạn chế. Đại diện của tòa thị chính Arcueil cùng  nhiều đại diện hội đoàn ở Pháp tới tham dự  như chủ tịch hội phụ nữ Âu-Phi, hôi Kalpana liên kết Ấn độ -Pháp…
Sau lời phát biểu của bà Hélène Peccolo phó thị trường thành phố Arcueil, ông Nghiêm Xuân Đông giám đốc trung tâm lên chúc mừng năm mới và giới thiệu kế hoạch kỷ niệm 50 năm nối kết ngoại giao Pháp -Việt vào năm tới 2023. Bà Trần Thu Dung chủ tịch hội Aurore Ánh Sáng thay mặt tất cả cảm ơn sự hỗ trợ của tòa thị chính Arcueil. Ông Marc Behin chủ tịch hội Jazz Bond giới thiệu đôi nét về những hoạt động văn hóa của mình.

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 2

Nghệ sĩ Thanh Ngọc biểu diễn đàn kloong pút cùng Ban nhạc Đất Việt và Ban nhạc Jazz Bond

Đặc biệt buổi khai mạc có sự tham gia của Ban nhạc Đất Việt do nghệ sĩ ưu tú kiêm đạo diễn Thanh Sơn cùng hai nghệ sĩ Minh Anh và Thanh Ngọc trình diễn để giới thiệu với khách các nhạc cụ dân tộc. Ban nhạc Đất Việt vừa đi lưu diễn ở Bỉ nhân dịp Tết, sáng vừa lái xe về đến nơi đã vội để đem bộ đàn đá, đàn T’rưng, kloongput cồng kềnh ra trưng bày. Dù mệt mỏi, cả ban nhạc chơi rất phê thú hút khách. Tiếng nhạc T’rưng như nước róc rách, cùng với tiếng đàn đá thánh thót điêu liệu của Minh Anh thực sự quyến rũ. Bà phó thị trưởng rất thích khi được các nghệ sĩ giới thiệu từng đàn. Bà hứa sẽ giới thiệu với một thành viên trong ban lãnh đạo của tòa thị chính hiện vừa được bầu vào ban di sản thế giới ở Unesco sẽ đến xem và liên kết với Trung tâm văn hóa để tổ chức hoàng tráng về di sản văn hóa Việt tại Vùng 94 Paris.

 

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 3

Nghệ sĩ Minh Anh biểu diễn đàn đá

Có lễ đây là lần đầu tiên ban nhạc dân tộc Việt kết hợp ban nhạc Jazz Pháp khá hấp dẫn khi cùng nhau hòa tấu bài hát Việt. Ông Marc Behin lên đọc thơ. Sau đêm khai mạc, ông chủ tịch nhạc Jazz Bond đã gợi ý cùng Ban nhạc Đất Việt đi lưu diễn trên đất Pháp. Bà Damarys chủ tịch hội phụ nữ Phi châu tại Pháp đánh giá cao sự thành công của triển lãm. Bà đã tự tay pha một loại nước uống khai vị đặc biệt được nhiều người ưu thích đến tăng. Phu quân của bà là một nhạc công ghi ta chuyên nghiệp có ban nhạc riêng đến tham dự rất thích sự phối nhạc của Ban nhạc Jazz Bond và Đất Việt.  

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 4

Phối hợp biểu diễn giữa hai ban nhạc bài chầu văn

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 5

Ông Nghiêm Xuân Đông giám đốc TTVHVN tại Pháp lên chúc mừng năm mới

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 6

Bà Trần Thu Dung chủ tịch hội Aurore Ánh Sáng lên cảm ơn

Sự cố gắng nhiệt tình của Ban nhạc Đất Việt rất quý. Ban nhạc chỉ về biểu diễn một đêm, sáng hôm sau lại phải cấp tốc lên đường đi Hy Lạp theo lời mời của đại sứ quán Việt Nam tại đó. Nghệ sĩ Thanh Sơn tâm sự « Cứ đưa âm nhạc dân tộc Việt ra được thế giới dù mệt vất vả nhưng hạnh phúc và mừng lắm ». Tình yêu âm nhạc dân tộc trong Thanh Sơn đã ngấm trong máu, lúc nào cũng chảy rất mạnh. Do ở Pháp không có điều kiện sẵn phụ kiện nhạc như ở Việt Nam, Thanh Sơn tự làm một xưởng đàn tre nứa, tự mình loay hoay làm. Việc vận chuyển nhạc cụ dân tộc Việt toàn tre nứa rất khó và dễ gãy vỡ. Thanh Sơn phải có sẵn nguyên liệu, và các dụng cụ để làm lại những đoạn gãy, phải biết lắp ráp, đóng gói bảo vệ kỳ công… Nhạc công không chỉ thuần túy chơi phiêu các bản nhạc, Thanh sơn còn kiêm luôn người sửa chữa đàn, và đạo diễn các chương trình khi có nơi mời. Thanh Sơn vừa là phó giám đốc trung tâm văn hóa vừa « giám đốc » xưởng đàn, kiêm nhạc công, đạo diễn. Không phải cứ chơi vài bài quen thuộc đi trình diễn. Ban nhạc phải tập cả những bản nhạc Tây để chứng minh đàn dân tộc Việt có khả năng diễn được nhiều thể loại. Dù bận rộn, anh lại phải phối hơp với Ban nhạc Jazz Bond chơi bản nhạc Việt.

 

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 7

Giới thiệu nhạc cụ dân tộc

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 8

Một góc trưng bày trong triển lãm

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 9

Ảnh di sản văn hóa Việt Nam

Ngoài triển lãm nhạc cụ dân tộc, Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đã kết hợp triển lãm tranh về di sản văn hóa Việt Nam được Unesco công nhận. Những bức tranh về múa Tây Nguyên, hát ca trù, quan họ… Những chiếc áo dài tứ thân, áo dài truyền thống trưng bày lung linh bên lọ hoa bằng sơn mài bên cạnh những gồng chiêng hấp dẫn. Nhiều khách trầm trồ khen áo dài Việt duyên dáng, nhất là khi nghệ sĩ Thanh Ngọc xuất hiện trong chiếc áo dài gấm đỏ rực đội khăn xếp cùng MC. 
Dự định năm tới, Aurore Ánh Sáng sẽ kết hợp với TTVHVN tại Pháp sẽ giới thiệu về văn hóa ẩm thực Việt. Sáng kiến này được bà phó thị trưởng hoan nghênh hứa sẽ tạo điều kiện để tổ chức.
Ông Bala chủ tịch hội Kalpana mời hội Aurore Ánh Sáng và TTVHVN tổ chức triễn lãm một ngày văn hóa Việt ở thành phố Palaiseau với các nhạc cụ dân tộc.

Nhạc cụ dân tộc Việt trưng bày ở Pháp - Anh 10

Chụp ảnh kỷ niệm

Các sự kiện văn hóa Việt được tổ chức không chỉ là điểm gặp gỡ riêng cộng đồng Việt, còn là sợi dây kết nối cộng đồng các nước trên đất Pháp, cũng để lan tỏa ánh sáng văn hóa Việt trên đất Pháp. 

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17.2 tại Arcueil. . 

TRẦN THU DUNG

Ý kiến bạn đọc