Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Văn học khoa học giả tưởng:  Quyến rũ nhưng cũng... kén chọn

Thứ Hai 21/02/2022 | 10:32 GMT+7

VHO- Văn học khoa học giả tưởng là thể loại có sức quyến rũ cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, thể loại này có sự “kén chọn” nhất định từ người đọc, người sáng tác cho đến các nhà nghiên cứu.

 Đại văn hào Pháp Jules Verne

Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm Nhà văn Jules Verne và Khoa học giả tưởng tại Việt Nam nhân kỷ niệm 194 năm ngày sinh của ông (8.2.1828 - 8.2.2022). Sự kiện nhằm mục đích tôn vinh nhà văn và mở ra tương lai cho thể loại văn học về khoa học giả tưởng tại Việt Nam.

Cây đại thụ về văn học giả tưởng

Jules Verne là một đại văn hào người Pháp đã có tầm nhìn đi trước thời đại về khoa học với các tác phẩm kinh điển như Hai vạn dặm dưới biển, Hành trình vào tâm trái đất, 80 ngày vòng quanh thế giới… Trong đó, tác giả đã đề cập đến những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm hay những chuyến du hành vào vũ trụ trước khi những phương tiện này được con người phát minh trong thực tế.

Theo ông Đỗ Ca Sơn, người đã dịch Hai vạn dặm dưới biển sang tiếng Việt, thì tác phẩm này đã được tái bản hàng trăm lần kể từ năm 1964 đến nay. Dường như năm nào NXB Kim Đồng cũng cho in lại và thực tế đó cho thấy, bạn đọc Việt Nam rất yêu thích văn học khoa học giả tưởng.

Theo lời kể của dịch giả Đỗ Ca Sơn, hành trình để cuốn sách của Jules Verne đến với độc giả rất gian nan. Jules Verne viết trong hồi ký, ông đã từng làm việc với các nhà xuất bản rất vất vả bởi họ không quen với sự tưởng tượng và cho là viển vông, mơ hồ, không sát thực tế. Nhà xuất bản cuối cùng tại Paris quyết định in cuốn sách này và yêu cầu tác giả thêm vào chỗ này chỗ kia tính chất lãng mạn theo mục đích kinh doanh. Dịch giả Đỗ Ca Sơn khâm phục Jules Verne khi ông có trí tưởng tượng siêu việt, đồng thời ngưỡng mộ bởi Jules Verne đồng thời là nhà khoa học, am hiểu nhiều ngành như hải dương học, địa lý học, nhân chủng học…

Đại diện NXB Kim Đồng xác nhận: “Chưa có cuốn sách nào vượt qua Hai vạn dặm dưới biển ở số lần xuất bản, số bản in. Trải qua hơn 1 thế kỷ, nhiều thế hệ người Việt đọc cuốn sách và nhận thấy Jules Verne đã đi trước thời đại. Tôi rất tán thành, ủng hộ nhóm các nhà hoạt động văn hóa đã chọn ngày sinh của ông để khởi động lại, phát triển văn học giả tưởng, bởi Jules Verne thực sự xứng đáng, là đàn anh về văn học giả tưởng”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Văn học khoa học giả tưởng là thể loại luôn đầy sự quyến rũ với cả trẻ con và người lớn. Những tác phẩm ở thể loại này nuôi dưỡng trí tưởng tượng bay bổng nhưng luôn hướng chúng ta tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống thật. Văn học khoa học giả tưởng cho phép trí tưởng tượng không có giới hạn. Người sáng tác không bị khống chế bởi tính thực tế của một vấn đề nào đó, mà có thể tưởng tượng những điều mà con người hiện thời không nghĩ là làm được. Và vì thế, thông điệp được gửi gắm sẽ tác động mạnh hơn vào cảm xúc, suy nghĩ của người đọc”.

 “Hành tinh kỳ lạ” là tiểu thuyết văn học giả tưởng của nhà văn Viết Linh

Tương lai của văn học khoa học giả tưởng Việt Nam

Ở Việt Nam, các nhà văn, dịch giả, chuyên gia thừa nhận, văn học khoa học giả tưởng có độc giả nhưng tác phẩm nhập khẩu chiếm ưu thế chứ trong nước chưa có nhiều.

TS Ngô Bích Thu, nhà nghiên cứu về khoa học giả tưởng, Giảng viên trường Đại học Mở TP.HCM cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho Việt Nam còn hiếm những tác giả, tác phẩm văn học khoa học giả tưởng. “Nguyên nhân chính là viết về khoa học giả tưởng thì phải hiểu biết khoa học đồng thời say mê văn học, có năng lực ngôn từ văn chương. Lý do khác nữa là một số nhà xuất bản trong nước vì doanh thu nên chọn phương án ít mạo hiểm, nhập khẩu và giới thiệu những tác phẩm văn chương nước ngoài đã nổi tiếng rồi”, TS Ngô Bích Thu và cho biết thêm: “Trong số những tác phẩm viết về khoa học giả tưởng ở Việt Nam, thì Viết Linh là tên tuổi thân quen, tác giả của Quả trứng vuông, Giấc mơ bay, Hành tinh kỳ lạ... Truyện Viết Linh hội tụ những đặc trưng về tư duy và kỹ thuật viết, không chỉ các độc giả nhỏ tuổi mà tôi khi đọc cũng rất say mê. Khi tìm hiểu các tác phẩm của Viết Linh, tôi thấy có những điểm tương đồng về kỹ thuật xây dựng cốt truyện, kỹ thuật viết của tác giả với những nhà văn viết khoa học giả tưởng nước ngoài”.

Cũng theo TS Ngô Bích Thu: “Qua nghiên cứu những tác phẩm, có thể thấy truyện khoa học giả tưởng có đặc thù riêng về tư duy và cộng đồng say mê thể loại này ít nhiều có sự “kén chọn” từ người viết, người đọc, người nghiên cứu. Ở Việt Nam, chúng ta không nên tiếp nhận thụ động một chiều mà nên hướng tới sự chủ động, sáng tạo, làm sao để xây dựng được dòng văn học khoa học giả tưởng vừa hội nhập với thế giới nhưng mang đặc tính văn hóa, tâm lý và văn hóa Việt Nam”.

Nhà báo Nguyễn Đức Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam lấy dẫn chứng, nhà văn Viết Linh vốn là giáo viên lịch sử nhưng sáng tác tác phẩm giả tưởng bởi tình yêu với khoa học. Hay nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có tác phẩm Hoa cúc xanh trên đầm lầy cũng có những yếu tố giả tưởng. “Người viết văn học khoa học giả tưởng cần biết kết hợp tố chất của nhà văn và nhà khoa học. Nhưng các nhà khoa học, các nghệ sĩ… cũng hứa hẹn sẽ sáng tác được những tác phẩm văn học khoa học giả tưởng. Tôi tin nếu các bạn trẻ, nhà khoa học trẻ có năng lực viết văn và có lòng đam mê, ý chí, óc tưởng tượng thì trong tương lai sẽ có các tác phẩm văn học khoa học giả tưởng của Việt Nam”, nhà báo Nguyễn Đức Hoàng bày tỏ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều lý giải, các thế hệ trước đây có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư duy tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật, viết những gì đang diễn ra, tác động ngay vào cuộc sống đương đại. “Nhìn vào tiến trình văn học sử Việt Nam, ta cũng không có dòng khoa học giả tưởng. Điều này hạn chế sự phát hiện, nuôi dưỡng những cây bút về thể loại này. Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm trở lại đây, người đọc bắt đầu quan tâm hơn đến khoa học giả tưởng và đã xuất hiện nhiều người viết trẻ, trong đó có cả tác giả nhí. Tôi cho rằng, sẽ có một sự thay đổi rõ rệt ở sáng tác trong nước về dòng khoa học giả tưởng vào thời gian tới”, ông Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, để có tác phẩm tốt, trước hết phải là sự thôi thúc của các tác giả nhưng cũng cần tạo một “sân chơi” cho những ai quan tâm, mà tọa đàm có thể cho là sự kiện khởi đầu. 

 THỦY NGUYÊN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top