Tham vấn học đường để giảm áp lực cho học sinh: Giúp trẻ cân bằng tâm lý sau đại dịch

VHO- Hiện nay, nhiều địa phương đã cho trẻ trở lại trường học; ở Hà Nội, các cấp học từ lớp 7 trở lên chuyển sang học trực tiếp. Các em vừa phải trải qua những thay đổi về tâm sinh lý, vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ học trực tuyến sang trực tiếp; một số em bị ảnh hưởng từ điều kiện kinh tế gia đình, mất người thân do dịch bệnh… nên dễ dàng dẫn đến sang chấn, stress tuổi học đường.

Tham vấn học đường để giảm áp lực cho học sinh: Giúp trẻ cân bằng tâm lý sau đại dịch - Anh 1
 

 Hình ảnh 2 nữ sinh lớp 10 đánh nhau được lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh cắt từ clip)

Mới đây, do mâu thuẫn, một học sinh lớp 6 tại Thừa Thiên Huế bị bạn lớp 7 cùng trường đâm tử vong bằng dao dọc giấy trong nhà vệ sinh; trước đó, clip hai nữ sinh lớp 10 tại Quảng Bình đánh nhau trong lớp học bị phát tán trên mạng xã hội... điều này cho thấy, chỉ từ những xích mích, mâu thuẫn nhỏ giữa các em, nếu không được thầy cô giáo hỗ trợ sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Trong chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng: “Các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi hình thức học; nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn, thậm chí còn mất cha mất mẹ do dịch bệnh, vì thế, những sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi”. Từ đó, bà Minh khẳng định sự cần thiết của việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi các em trở lại trường học.

Tại Việt Nam, việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em tại trường học đã được cụ thể hóa trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 với chỉ tiêu số 19 là “phấn đấu 95% các trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho trẻ em vào năm 2025”. Điều này cho thấy đây là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành Giáo dục. Hầu hết các trường học hiện nay đều đi đúng theo chủ trương, phần lớn các trường đã có Phòng hoặc Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Tại Hà Nội, 100% các trường phổ thông đều có phòng Tham vấn học đường (TVHĐ) nhưng hiện vẫn chưa phát huy được đúng mục đích và mục tiêu đề ra. Số liệu báo cáo cho thấy, phần lớn các phòng TVHĐ đều không thu hút được học sinh, cán bộ tư vấn tâm lý chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm.

Một chuyên gia về đào tạo, tập huấn tư vấn tâm lý học sinh cho biết, kết quả một số khảo sát cho thấy học sinh thường không hứng thú, tin tưởng với các phòng tham vấn vì đôi khi các em vừa chia sẻ về việc của mình thì ngày hôm sau… cả trường đã biết. Ngoài ra, ít trường có cán bộ chuyên trách mà giao cho giáo viên chủ nhiệm, vì thế khi Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn thì năm nay là giáo viên này, năm sau là giáo viên khác và các giáo viên cũng không chuyên tâm làm công tác tư vấn. Nhưng ngược lại, phòng TVHĐ lại được tổ chức thành công ở một số trường dân lập và trường quốc tế, điển hình như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Marie Cuire, Hệ thống giáo dục Alpha... Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, chăm sóc tâm lý học sinh được xem là chưa thật sự hiệu quả và thỏa đáng so với thực trạng nhu cầu cấp bách này.

Năm 2021, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam đã triển khai dự án “Tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh THCS trên địa bàn TP Hà Nội thông qua thiết lập và vận hành phòng tham vấn học đường”. GNI kỳ vọng có thể mở rộng mô hình phòng tham vấn GNI với mong muốn đem đến cho các em học sinh, nhà trường và cả phụ huynh những ý nghĩa tốt đẹp nhất về việc tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh. “Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động to lớn đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em. Những đợt giãn cách kéo dài và việc hạn chế đi lại đã khiến các em phải tạm rời xa bạn bè, trường lớp, thầy cô, không được vui chơi. Trước đại dịch đã có nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Khi đại dịch bùng phát, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, tôi hy vọng với những hoạt động thực tế, thiết thực của mô hình phòng TVHĐ tại Hà Nội sẽ tiếp tục được triển khai ở các địa phương để tạo nên sự an toàn, hành phúc cho trẻ em”, ông Park Dong Chul, Trưởng đại diện GNI chia sẻ.

Đến nay, mô hình 4 phòng TVHĐ tại các trường THCS đã thu hút hơn 4.000 lượt tham vấn và hàng ngàn lượt học sinh tham gia. Bên cạnh đó, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho các mạng lưới hỗ trợ xung quanh học sinh như cha mẹ, thầy cô giáo cũng được tập trung thông qua các chương trình tập huấn, chia sẻ hằng tháng. Với các cán bộ chuyên môn, phòng TVHĐ sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng để học sinh tự ứng phó và giải quyết các vấn đề gặp phải; tổ chức can thiệp sớm nhằm hạn chế, ngăn ngừa hệ quả thể hiện ở hành vi, nhận thức, cảm xúc đến từ những tổn thương về mặt tâm lý của học sinh. Thúc đẩy các giá trị của mỗi học sinh, hỗ trợ các em nâng cao nguồn lực tự thân để có khả năng đối mặt với khó khăn… 

 NGUYỆT MINH

Ý kiến bạn đọc