Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Cơm nắm muối vừng – món quà thanh tao

Thứ Tư 23/02/2022 | 18:09 GMT+7

VHO- Tôi thường bị thu hút bởi những người phụ nữ đạp xe đạp cũ chở đôi thúng cùng bộ quần áo nâu có màu hơi cũ lướt nhẹ trên đường phố Hà Nội. Mỗi lần nhìn thấy, tôi phải chạy theo thật nhanh để mua một nắm quà, mà với tôi đó là thứ gợi về cả khoảng trời ký ức: cơm nắm muối vừng.

Cơm nắm được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn

Theo chân bóng áo nâu, tôi đã được gợi về thật nhiều những kỷ niệm từ người phụ nữ mộc mạc đã gắn bó với góc nhỏ vỉa hè trên phố Hàng Bún hơn 30 năm nay. Hỏi chuyện mới biết, bà ở làng Ngọc Hà - làng cổ của Thăng Long xưa, đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe đi bán hàng.

Gian hàng của bà chỉ có khiêm tốn một chiếc thúng, một chiếc mẹt với vài chiếc ghế nhựa con con; thế nhưng lại là cả khoảng trời ký ức với nhiều người. Những lúc vắng khách, bà lại tỉ tê kể chuyện; ngày xưa bán là vì kinh tế, mưu sinh; giờ có tuổi rồi, nếu không bán thì lại buồn chân, buồn tay, nhớ nghề. Bà bảo, có thể bây giờ, tụi trẻ con lớn lên ít ai biết được vị cơm nắm muối vừng ra sao. Ngày xưa, cơm nắm thường được theo người nông dân ra đồng, theo chân những người con đi xa trên các chuyến xe, chuyến tàu xuôi ngược Bắc, Nam. Bởi nó vừa lành, vừa tiện, hợp túi tiền bình dân mà ăn vào lại no lâu. Ngày nay, cuộc sống phát triển, món ăn bình dị này hầu như chỉ còn trong ký ức của ít người thế hệ 8x, 9x trở về trước…

 Ngày nay, cơm nắm còn được kết hợp với nhiều thứ tùy sở thích

Cơm nắm, chỉ đơn giản là gạo vo sạch cho vào nồi nấu thành cơm rồi được vo tròn. Tưởng chừng là dễ. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể làm được cho khéo, cho ngon. Để thứ cơm ấy có thể nắm, dính và quyện vào nhau thì lúc đong nước, không được ít quá cơm sẽ khô, không nắm nổi; mà nhiều nước thì cơm sẽ nhão… Hơn nữa, cơm phải nắm lúc còn nóng thì các hạt mới có độ quyện thành một khối. Thành phẩm của cơm nắm phải nhìn rõ những hạt cơm trong trong, trắng tinh đẹp mắt. Mỗi khi có khách tới mua hàng, tôi thích nhìn bà cầm con dao nhỏ, xắt nhẹ từng miếng trên nắm cơm và sau đó phủ lớp muối vừng vàng rụm. Vị dẻo ngọt của cơm cùng chút đậm đậm, bùi bùi của muối vừng tạo nên dư vị thật đặc biệt. Mải mê kể về cơm nắm, bà không quên giới thiệu về muối vừng… Muối vừng là thứ vừng được giã nhỏ cùng lạc, trộn thêm chút muối cho đậm vị. Đã thành thói quen, cứ đến vụ thu hoạch lạc, vừng; bà lại tìm lựa của những người lao động ở quê. Sau khi phơi khô, lựa kỹ bà mang về và bọc kín, dùng đến đâu sẽ chế biến đến đấy. Không biết mọi người làm muối vừng thế nào nhưng với bà, muối vừng còn có bí kíp riêng, muối phải được rang với vừng với lạc để có thể để được lâu mà không bị ỉu. Thế nhưng, gánh cơm nắm muối vừng của bà nhanh hết hàng lắm, làm sao có chuyện muối vừng để lâu được. Có lẽ, bí kíp kì diệu nhất là sự cần cù, tần tảo để làm nên món quà thanh tao mà gần gũi.

Ngày nay, để phù hợp với thị hiếu của nhiều khách hàng, ngoài cơm nắm muối vừng, bà cũng chuẩn bị thêm cả giò, chả, ruốc để chiều lòng các thực khách. Dù cơm nắm muối vừng được bày bán khắp nơi trên phố phường Hà Nội, trên khắp các tỉnh thành của cả nước, nhưng hình ảnh người phụ nữ áo nâu quần lụa cùng đôi thúng, chiếc mẹt là một nét gì đó rất riêng như nếp quen của đời thường bình dị.

HẠNH VÕ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top