Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Canh bồi của người M’nông

Thứ Năm 24/02/2022 | 15:30 GMT+7

VHO- Canh bồi còn là món đặc sản đãi khách. Mấy lần đi công tác miền núi, tôi đã được các anh cán bộ huyện là người Ba Na tự tay góp lá, nấu chiêu đãi tại nhà.

Trong đời sống của đồng bào miền núi còn khó khăn, món ăn này giúp bà con cải thiện bữa ăn, thêm chất dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí, sinh hoạt... Canh bồi đạm bạc mà vẫn ngon, bổ, rẻ. 

Đây là món ăn truyền thống của người M’nông được chế biến từ các nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên. Bát canh nóng hổi ngọt ngọt, đắng đắng mang đúng khẩu vị của người M’nông.

Để làm được món canh bồi “chuẩn vị M’nông”, người M'nông phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết và có bí quyết nấu. Nguyên liệu chính để chế biến món canh bồi truyền thống có sẵn trong tự nhiên, bao gồm lá bép, gạo, đọt mây, thịt hoặc cá. Người M’nông xem đây là những sản vật quý mà núi rừng ban tặng cho họ từ bao đời.

Cũng như món canh thụt truyền thống, canh bồi không thể thiếu được lá bép (rau nhíp) được hái từ trong rừng. Nhiều người còn ưa dùng lá bồ ngót rừng để thay thế lá bép già. Lá bép non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh thường ưa dùng hơn cả. Khi nấu chín lá có vị dẻo, ngọt và bùi.

Phụ nữ M’nông giã gạo thành bột làm nguyên liệu nấu canh bồi. Trước tiên, họ đem gạo ngâm trong nước từ 30 phút đến 2 giờ. Khi gạo mềm vớt ra để ráo nước, cho vào cối giã nhuyễn cùng một ít lá bép già hoặc lá bồ ngót rừng.

Theo thói quen, ngày nay các bà, các mẹ trong các bon làng M’nông vẫn giữ trong gian bếp chiếc cối chày giã gạo. Với họ, canh bồi là món ăn truyền thống trong đời sống hàng ngày. Cũng chính vì vậy, bột gạo phải tự tay giã thì nấu canh mới nhuyễn đều, có vị thơm ngọt.

Canh bồi ngon cần có thêm đọt mây. Đọt mây sau khi tách vỏ chọn lấy đoạn non, cắt dọc từng lát nhỏ vừa ăn. Khi có đủ các nguyên liệu chính, phụ nữ M’nông nhóm lửa nấu một nồi nước thật sôi. Sau đó cho đọt mây và lá bép non vào nồi. Đợi hai nguyên liệu này vừa chín tới mới thêm cá đã bỏ xương hoặc thịt heo.

Lúc các nguyên liệu trong nồi chín tới, người nấu thêm nước bột gạo đã hòa đều trước đó vào. Để nồi canh chín đều và không bị vón cục đòi hỏi người nấu phải chú ý điều chỉnh lửa vừa phải và liên tục khuấy đều tay khi đổ bột gạo, đồng thời nêm gia vị. Nấu tựa như cháo vậy nhưng canh ngon phải mang đặc điểm không đặc quá hay loãng quá, hơi sánh đặc.

Canh bồi phổ biến và thường được nấu trong ẩm thực đời thường hơn so với một số loại canh bột gạo khác. Hầu như người M’nông nào cũng biết chế biến và xem đây là món ăn khoái khẩu, là đặc sản của dân tộc mình. Canh bồi có thể dùng ăn với cơm hoặc thưởng thức như một món súp. Canh có vị ngậy của thịt, cá, vị ngọt của bột gạo, đăng đắng của đọt mây, sự thơm bùi của lá bép hòa quyện vào nhau. Mang tính mát, dễ tiêu hóa nên trẻ nhỏ hay người già trong bon làng đều thích món canh bồi hấp dẫn này. Sau những lúc làm lụng nặng nhọc trên nương rẫy, người M’nông chỉ cần ăn bát canh bồi bổ dưỡng giúp hồi phục sức khỏe…

Một món canh bồi đạt chất lượng phải có màu sắc đẹp và hương vị thơm ngon. Canh phải có màu xanh tự nhiên đồng thời có mùi thơm của rau và vị ngọt thanh từ lá nhao. Khi thưởng thức, canh bồi phải cho cảm giác mát và không gây ngán. Chính những đặc điểm này mà canh bồi đã là một món ăn quen thuộc không thể thiếu trong những bữa cơm gia đình của người M’ nông.

Đến với M’ nông du khách không chỉ được chinh phục các cung đường tuyệt đẹp mà còn có cơ hội thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của người M’nông và S’tiêng. Những món ăn này được chế biến đơn giản không cầu kỳ nhưng mang lại hương vị thật gần gũi đồng thời sẽ khiến du khách càng thêm yêu thiên nhiên và con người nơi đây.

                                LÊ THÚY HẰNG 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top