Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Từ vụ chìm ca nô tại Cửa Đại: Phương tiện sau thời gian dài “ngủ quên” do dịch bệnh có đảm bảo an toàn?

Thứ Hai 28/02/2022 | 11:19 GMT+7

VHO- Sau tai nạn chìm ca nô thương tâm vừa xảy ra vào hôm 26.2 tại khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) khiến 15 người tử vong, 2 người còn mất tích, nhiều câu hỏi được dư luận, người dân đặt ra về độ an toàn của hoạt động vận tải đường thủy tuyến du lịch Cù Lao Chàm - Hội An.

Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích

 Cần kiểm tra độ an toàn của tất cả tàu thuyền

Ngay trong tối 26.2, đoàn công tác do ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đã có mặt tại hiện trường, làm việc trực tiếp với lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ lật ca nô tại Cửa Đại; đồng thời bày tỏ chia sẻ nỗi đau với người thân của các nạn nhân trong vụ chìm tàu đặc biệt nghiêm trọng.

Theo ông Hùng, sự việc là bài học đầy đau xót. Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu, trong thời gian tới, cần kiểm tra việc tổ chức sử dụng, độ an toàn của toàn bộ phương tiện vận chuyển khách từ bờ ra biển để cải thiện, tăng cường khả năng quan trắc, đảm bảo độ an toàn, linh hoạt luồng tuyến cao hơn nữa.

Về thông tin tại khu vực tàu bị nạn có cồn cát xuất hiện theo con nước nên cần phải có thiết bị, hệ thống quan trắc để thông tin, điều chỉnh luồng tuyến giao thông linh hoạt và an toàn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đề nghị tỉnh Quảng Nam rà soát lại toàn bộ phương tiện đường thủy trên địa bàn, tránh trường hợp tương tự xảy ra. Bộ Công an đã cử đoàn công tác vào Hội An, phối hợp với lực lượng địa phương để xác minh, điều tra làm rõ vụ tai nạn. Quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an là sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có sai phạm trong vụ tai nạn thương tâm này. “Ngoài việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân, các lực lượng cần xác định rõ danh tính của các nạn nhân mất tích, tránh tình trạng còn nạn nhân mất tích nhưng chưa được kiểm đếm”, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

 Sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch, liệu những tàu cao tốc đưa đón khách tham quan tuyến Hội An - Cù Lao Chàm có đảm bảo an toàn?

Ca nô còn hạn kiểm định, thuyền trưởng đủ bằng cấp, vẫn bị tai nạn?

Có mặt tại hiện trường theo dõi công tác cứu hộ, trên các diễn đàn xã hội, liên quan đến vụ tai nạn nói trên, nhiều người dân, du khách đã rất hoang mang, lo lắng và đặt ra nhiều câu hỏi.

“Sau hai năm du lịch “im ắng” vì dịch bệnh Covid-19, nay vừa mở cửa, du khách quay trở lại, du lịch biển đảo cũng bắt đầu vào mùa hút khách. Liệu các phương tiện sau thời gian dài “ngủ quên” do dịch bệnh có đảm bảo an toàn, có bị xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa rà soát kỹ? Liệu các đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh, cơ quan chức năng có “lơ là”, chủ quan, chưa kiểm soát kỹ đã vội vàng cho đón khách lại hay không?,…”, anh Lương D, một hướng dẫn viên du lịch đã đưa ra nhiều câu hỏi băn khoăn mà anh và nhiều đồng nghiệp, du khách cũng như người dân theo dõi thông tin tai nạn đáng tiếc xảy ra đã chia sẻ với nhau. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, vào thời điểm xảy ra tai nạn, thời tiết khu vực Hội An có gió giật cấp 3-4, theo quy định gió cấp 5 trở lên mới cấm tàu ra khơi. Trong ngày xảy ra tai nạn, cũng có nhiều tàu thuyền ra vào Cửa Đại và Cù Lao Chàm.

Theo báo cáo nhanh của Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, thuyền trưởng lái ca nô nói trên là ông Lê Sen (52 tuổi, trú phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ông Sen đã được cấp bằng thuyền trưởng hạng TY3 lần đầu vào ngày 30.11.2016; hết hạn vào ngày 30.11.2021 và đã được Sở GTVT Quảng Nam cấp lại bằng thuyền trưởng hạng TY3 vào ngày 10.2.2022, có thời hạn đến 10.2.2027.

Ông Sen cũng được cơ quan chức năng cấp các chứng chỉ chuyên môn điều khiển ven biển, điều khiển cấp độ cao I, an toàn cơ bản, an toàn ven biển, chứng chỉ máy trưởng đang còn thời hạn.

Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết thêm, chiếc cano gặp nạn BKS-QNa 1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông có công suất máy 400 CV, sức chở cho phép là 35 người (chưa tính thuyền viên); Cấp đăng kiểm: SB, có hạn kiểm định đến ngày 19.1.2023. Thuyền trưởng Lê Sen đủ bằng cấp vận hành tàu du lịch.

Được biết, sau khi có chủ trương của Bộ GTVT về tiêu chuẩn tàu chở khách du lịch từ chuẩn SI sang SB (chuyển từ tàu vận tải đường sông sang tàu sông pha biển), ở Hội An có khoảng hơn 130 phương tiện tham gia vận chuyển khách tuyến Hội An ra đảo Cù Lao Chàm thuộc diện phải chuyển đổi. Nhiều chủ phương tiện đã đầu tư hoán cải đóng mới hàng loạt tàu du lịch theo chuẩn SB để tham gia hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan từ Hội An-Cù Lao Chàm.

Hiện tại, Cù Lao Chàm cũng chỉ đón khoảng 3.000 khách tham quan mỗi ngày. Với số lượng này, ước tính có gần 200 lượt phương tiện xuất phát tại 2 bến Cửa Đại, Cù Lao Chàm mỗi ngày vào mùa cao điểm. Tính đến năm 2020, có khoảng 43 doanh nghiệp đăng ký chở khách, mở tour tham quan, hoạt động kinh doanh tuyến vận chuyển du lịch Cửa Đại - Cù Lao Chàm, mỗi năm đưa hàng trăm nghìn lượt khách ra đảo.

Từ trước tới đây, tuyến đường thủy nội địa này chưa xảy ra sự cố tai nạn nào nghiêm trọng như vừa qua. Tuy nhiên cơ quan chức năng, cộng đồng cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo, lo ngại vì các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn nếu không có quy chế quản lý, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan trong công tác cấp phép xuất bến, xây dựng đội ứng cứu thường trực, công tác an ninh, đảm bảo an toàn cho hành khách, phòng ngừa các sự cố xảy ra. 

 Thông tin về nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ lật ca nô khiến 17 người chết và mất tích trên vùng biển Cửa Đại, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay, theo lời kể của nhân chứng, ca nô bị lật chạy đúng tốc độ quy định. Song, khi vào đến gần bờ thì bất ngờ tông vào cồn cát mới nổi và bị mắc cạn, sau đó gặp sóng to, nước tràn vào dẫn đến lật úp và chìm. Nguyên nhân chính xác thì phải chờ lai dắt ca nô về bờ mới có thể đánh giá cụ thể được. Theo lời các nhân chứng thì tất cả hành khách trên tàu đều mặc áo phao trong suốt hành trình. Tuy nhiên do tàu thiết kế kín nên khi bị đánh lật, mui tàu bị úp ngược xuống nước, nhiều phụ nữ, trẻ em mắc kẹt phía trong không thoát ra được.

 KHÁNH CHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top