Xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu những hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát( Nam Định): Hé lộ những sự thật... bất ngờ

VHO- Sau hơn một tháng làm việc, Tổ công tác gồm nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Trung ương và các đơn vị phòng, ban chức năng của Bảo tàng, Sở VHTTDL Nam Định đã dần bóc tách, làm rõ nghi vấn về một số hiện vật, cũng như những “cáo buộc” rằng, việc thống kê hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát là “không khách quan, mang tính chất phiến diện, không đúng với giá trị về lịch sử”. Đáng chú ý hơn, có những hiện vật nơi đây được người ta gọi là “tài sản quốc gia cần được bảo vệ” đã bị giới chuyên môn “lột mặt nạ”…

BÀI 1: Nội dung kiến nghị là có cơ sở?

 Ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Vụ Bản, người ký văn bản số 06/VHTT-DT ngày 10.1.2022 gửi Sở VHTTDL, Bảo tàng Nam Định đề nghị cần phải tiến hành khảo sát, thống kê lại hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát, đã phải thừa nhận: “Do không có chuyên môn nên có một số sai sót… do lỗi vi tính!” sau khi Tổ công tác đưa ra đánh giá, kết luận.

Xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu những hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát( Nam Định): Hé lộ những sự thật... bất ngờ - Anh 1

 Bên ngoài Phủ Vân Cát

 “Những hiện vật rất có giá trị về văn hóa cần được thống kê”

Giám đốc Bảo tàng Nam Định Nguyễn Văn Thư cho chúng tôi biết, khoảng trước Tết Nguyên đán vừa qua, ông Trần Văn Cường, Thủ nhang di tích Phủ Vân Cát có đến đơn vị và “lớn tiếng” rằng, vì sao trong đợt khảo sát, nghiên cứu tên gọi di tích năm 2018, một số hiện vật, tư liệu tại di tích Phủ Vân Cát không được thống kê, đưa vào hồ sơ khoa học. Khi nắm được thông tin, ông Thư đề nghị ông Cường báo cáo với chính quyền xã, huyện vì hiện đã có quyết định phân cấp quản lý di tích. Nếu có vấn đề xã, huyện sẽ có văn bản gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Ngày 10.1.2022, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản ký văn bản gửi Sở VHTTDL, Bảo tàng Nam Định về việc đề nghị khảo sát, thống kê hiện vật. Tại văn bản này, ông Trung cho biết: “Qua nội dung kiến nghị và đối chiếu cuốn Báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu tên gọi di tích năm 2018 và thực tế tại di tích thì một số hiện vật, tư liệu không được thống kê, thống kê chưa đúng trong cuốn Lý lịch di tích và cuốn Tư liệu Hán Nôm Khu di tích Kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy… năm 2020, cụ thể như sau: 18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích. Bia đá (1916) rất có giá trị về lịch sử, nội dung có ghi “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”. Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu được đánh giá thời Nguyễn, chất liệu bằng đồng không được đưa vào hồ sơ. Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu từ trước đến nay đều được đặt trong cung cấm nhưng hồ sơ lại nêu “để ở cung bên ngoài” của Phủ Vân Cát; Cỗ ngai tại cung giám sát, theo kết quả đánh giá có từ thời Lê, chỉ Phủ Vân Cát mới có; Lọ độc bình trong cung cấm được đánh giá từ thời Nguyễn, có ghi trên bình nội dung “Vân Cát Khải Thánh từ”… Việc kiến thiết, theo như tài liệu, Phủ Vân Cát trước là ngôi miếu lợp bằng cỏ, tường đất có từ năm 1642, đến năm 1663 (thời Lê Cảnh Trị) được lợp ngói nhưng trong cuốn Lý lịch di tích lại ghi là Phủ Tiên Hương…”.

Cũng trong văn bản này, ông Trung còn nhấn mạnh, “những nội dung kiến nghị của ông Trần Văn Cường thể hiện trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ di tích cũng như thực hiện tốt Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy của huyện đã ban hành, những hiện vật trên rất có giá trị về văn hóa cần được thống kê, tổng hợp để bảo vệ và phát huy, tránh thất thoát”. Trước đó, đơn kiến nghị của ông Trần Văn Cường gửi UBND huyện Vụ Bản có viết: Việc thống kê một số hiện vật như bia đá, sắc phong, tập ảnh khảo tả, lý lịch, câu đối đại tự, tượng pháp, cỗ ngai… cùng các tài liệu có liên quan đến các di tích trong quần thể Phủ Dầy của BQL di tích và danh thắng tỉnh Nam Định lập lên để trình Bộ VHTTDL có biểu hiện sai về nguyên tắc, không khách quan, mang tính chất phiến diện, không đúng với giá trị về lịch sử… Ông Cường còn chua thêm, những hiện vật mà ông Trung đã nêu ở trên “là tài sản quốc gia, cần được thống kê, bảo vệ, quản lý để tôn vinh giá trị lịch sử của di tích, nhưng quá trình xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTTDL thì Ban quản lý di tích và danh thắng Nam Định (nay là Bảo tàng Nam Định) không đưa vào”.

Không có cơ sở cũng không có căn cứ

Trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản, để đảm bảo nghiêm túc, khách quan, ông Nguyễn Văn Thư đã ra quyết định thành lập Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về Hán Nôm, cổ vật ở Trung ương, địa phương và bản thân ông Vũ Quang Trung cũng là thành viên.

Sau hơn một tháng tích cực làm việc, Tổ công tác đã đưa ra những nhận xét, đánh giá và đi đến kết luận về nhiều vấn đề, trong đó có những nội dung rất đang được quan tâm. Đơn cử về văn bia năm 1916 có nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”, Tổ công tác cho biết, hiện nay tại di tích phủ Vân Cát đang lưu giữ 11 văn bia (9 bia khắc chữ Hán Nôm, 2 bia khắc chữ quốc ngữ) đều được thống kê trong Bản thống kê hiện vật. 9 bia khắc chữ Hán đã được phiên âm, dịch nghĩa, chú thích trong tập Tư liệu Hán Nôm của Hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy năm 2020. Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu có thể khẳng định, đến thời điểm tháng 1.2022, tại di tích Phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản không có văn bia năm 1916 ghi nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”. Vì vậy, nội dung đề nghị của Phòng VHTT huyện Vụ Bản như trong văn bản là hoàn toàn không có cơ sở.

Về các hiện vật và đồ thờ tự khác, Tổ công tác cũng đã khảo sát, nghiên cứu tổng số 29 hiện vật bao gồm: 12 hiện vật chất liệu đồng; 7 hiện vật chất liệu gỗ; 7 hiện vật chất liệu gốm sứ; 1 hiện vật chất liệu đá; 1 hiện vật chất liệu ngọc; 1 hiện vật chất liệu ngà. Trong số đó, có 17 hiện vật đã được thống kê tại Bản thống kê hiện vật của Hồ sơ xếp hạng năm 2020 và 12 hiện vật chưa được thống kê. Trong số 12 hiện vật chưa thống kê thì có 4 hiện vật trước khi lập hồ sơ xếp hạng năm 2020 không có tại di tích, 2 hiện vật cơ quan chuyên môn chưa được tiếp cận trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng; 6 hiện vật vốn có tại di tích nhưng cũng chưa thống kê.

Kết quả nghiên cứu, giám định 29 hiện vật cũng cho biết, có 1 hiện vật thế kỷ XVIII, 9 hiện vật thế kỷ XIX, 4 hiện vật cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, 3 hiện vật đầu thế kỷ XX, 2 hiện vật thế kỷ XX, 10 hiện vật mới. Trong 17 hiện vật đã thống kê tại Bản thống kê hiện vật của hồ sơ xếp hạng năm 2020, có 8 hiện vật lệch niên đại so với kết quả giám định của Tổ công tác. Đáng chú ý, quá trình nghiên cứu, đối chiếu hồ sơ khoa học của di tích Phủ Vân Cát qua các năm cho thấy, số lượng hiện vật, đồ thờ tự có sự dao động (năm 1982: 141 hiện vật; năm 1996: 139 hiện vật; năm 2020: 302 hiện vật), trong đó có nhiều hiện vật mới được bổ sung giai đoạn gần đây.

Trên cơ sở này, Tổ công tác nhận định, trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng năm 2020, cơ quan chuyên môn đã thống kê những hiện vật quan trọng, số ít hiện vật có tính động hoặc những hiện vật mới, ít có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ hạn chế không thống kê vào hồ sơ. Các hiện vật như tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, ngai, lọ độc bình, chuông, khánh, câu đối, tượng thờ tại ban Sơn Trang được đề nghị trong văn bản số 06/VHTT-DT của Phòng VHTT huyện Vụ Bản cơ bản đã đưa vào Bản thống kê hiện vật của hồ sơ xếp hạng năm 2020. Những hiện vật còn lại mới được đưa vào di tích hoặc trong quá trình lập hồ sơ năm 2020, cơ quan chuyên môn chưa được tiếp cận nên không thống kê. Một số hiện vật như lọ độc bình, chóe, khánh, lư hương chất liệu gốm sứ và chất liệu đồng trên thân khắc chữ Hán “Vân Cát chính từ”, “Vân Cát tích chính linh từ”, “Vân Cát đản sinh chính từ”, “Thánh Mẫu cố trạch chính từ”, “Vân Cát giáng sinh chính từ”, “Vân Cát khải thánh từ”, “Vân cát khải thánh chính từ” đều là các chữ được khắc sau khi chế tạo hiện vật, không phải “tự nó”.

Đối với nội dung lịch sử xây dựng Phủ Vân Cát, Tổ công tác cho biết, theo nội dung văn bia “Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký” (Bia ghi việc đền thiêng nơi nền nhà cũ của Thánh Mẫu) niên hiệu Thành Thái Tân Sửu (1901) hiện đang lưu giữ tại di tích, Phủ Vân Cát được xây dựng vào niên hiệu Cảnh Trị (1663- 1671); trùng tu, mở rộng vào thời Cảnh Thịnh (1793-1801), Tự Đức Kỷ Mão (1879), Thành Thái 10 (1898), Thành Thái 12 (1900). Như vậy, căn cứ vào tư liệu tại di tích, thông tin “Phủ Vân Cát trước là ngôi miếu lợp bằng cỏ, tường đắp đất có từ năm 1642” được đề cập trong văn bản số 06/VHTT-DT ngày 10.1.2022 của Phòng VHTT huyện Vụ Bản là không có căn cứ. 

VŨ DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc