Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân( Bài 3): Vượt bão lên đường

Thứ Tư 02/03/2022 | 10:19 GMT+7

VHO- “Bão Côn Sơn đổ bộ vào Quảng Ngãi, ngày mai liệu các lái xe có tiếp tục ủng hộ mình, chở hàng nông sản vào Nam. Vì rau xanh không thể nào để quá ngày, những người ủng hộ sẽ buồn vì nghe tin gánh rau của họ phải bỏ lại, tôi hồi tưởng đến những thử thách gay cấn, những thời điểm khó khăn của cầu nối cứu trợ Quảng Ngãi – TP.HCM”, nhà báo Lê Văn Chương nhớ lại.

 Hàng tấn dưa hấu chuẩn bị chuyển vào TP.HCM tặng lực lượng y tế tuyến đầu giữa mưa bão miền Trung

Lạc quan để chiến thắng

Mỗi tờ giấy thông hành giao cho lái xe chở hàng vào TP.HCM, nhà báo Lê Văn Chương đều ép nhựa cẩn thận rồi dặn dò, “họ cầm giấy xem và trả lại thì phải phun sát khuẩn, vì không khéo là lôi theo virus vào trong ca bin”. Ngoài việc xin mã cost để được ưu tiên luồng xanh, miễn phí qua các trạm BOT, mỗi chuyến xe còn phải mang theo một giấy thông hành, xác nhận nguồn gốc hàng và có ký đóng dấu của đơn vị bảo trợ (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi và Doanh nghiệp xã hội Đoàn Ánh Dương).

Chiều ngày 2.9.2021, nhà báo Lê Văn Chương gửi thông báo cho UBND TP Quảng Ngãi về việc ra mắt Đội phản ứng nhanh Nối vòng tay Việt để cùng với địa phương tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Bóng ma Covid-19 ở Quảng Ngãi đang lớn dần từ chùm ca nhiễm ở khu công nghiệp VSIP và Khu công nghiệp Quảng Phú. Mọi người luôn nhắc đến cụm từ “virus từ khu công nghiệp” và mường tượng kịch bản tồi tệ giống như Sài Gòn như đám mây đen sắp ập đến.

Mỗi người tham gia nhóm thiện nguyện đều nhận được tin nhắn của người thân về việc “hãy cẩn thận… mọi người coi chừng... tham gia hoạt động từ thiện vào giờ này là nguy hiểm lắm đó…”.

Chiều ngày 5.9.2021, xe tải mang BKS 76C-079.20 mở toang cửa thùng chờ hàng lên xe để kịp vào tiếp ứng cho bà con TP.HCM. Trong nhiều chuyến hàng cứu trợ gửi vào Sài Gòn, chưa chuyến nào nhiều chanh tươi như chuyến đi này, tổng cộng 1,4 tấn chanh tươi từ miền Tây gởi về Chợ Nông sản đầu mối tỉnh Quảng Ngãi và rồi tiểu thương Nguyễn Thị Đông (đại lý trái cây Bé Đông) lại tiếp tục thu gom chuyển ngược vào miền Nam ủng hộ đồng bào. Từ sáng sớm, các rổ chanh đã được phân thành nhiều phần, ghi rõ chuyển cho các bệnh viện: Chợ Rẫy, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, Từ Dũ, Gia Định, Nhân dân 115…

Những hình ảnh trực tuyến được đưa lên mạng xã hội và một số người đã vào chia sẻ cảm nghĩ về chuyến xe nghĩa tình. Anh Hòa, một người dân ở huyện Sơn Tịnh nhắn tin “vô cùng ý nghĩa, Quảng Ngãi lo cho bác sĩ tuyến đầu ở Sài Gòn, một bác sĩ khỏe là cứu được cả trăm con người; chị Thu, một người bạn từ TP.HCM đã nhắn tin: “Giờ phút này, những món quà nhỏ cho bác sĩ cũng là nguồn động lực rất lớn để mọi người đồng sức, đồng lòng trước bão dịch vô cùng nguy hiểm này”.

“Ngày 5.9.2021 là dịp khai giảng năm học mới, nhưng đại dịch đã làm đảo lộn mọi hoạt động. Những cơn mưa ở miền Trung, rồi dự báo thời tiết khiến cho không gian dường như bị đông đặc. Vừa mệt mỏi, vừa lo cho chuyến xe, vừa nghĩ đến cơn lạnh thấu và không gian ẩm ướt sẽ càng làm tăng lây nhiễm thì liệu các thành viên trong nhóm thiện nguyện có bị vỡ tan vì ai đó bị lây nhiễm? Điểm quyên góp đặt tại địa chỉ 99 Lê Trung Đình (Trung tâm di sản LaVa). Hàng loạt ngôi nhà, khu phố gần đó bắt đầu bị giăng dây, khép cửa, ngày nào cũng có thông tin cảnh báo đang tiến gần điểm 99 Lê Trung Đình”, nhà báo Lê Văn Chương nhớ lại.

 Các tăng ni, phật tử trở thành thành viên của nhóm thiện nguyện

Nhóm có 12 thành viên, thỉnh thoảng một ai đó trong nhóm cảm thấy quá mệt mỏi, có khi lại tự nhủ thầm “liệu mình có bị mắc covid-19?”. Để trấn an thì phải tự nghỉ một ngày, tự cách ly, tự test và ngày hôm sau lại tươi cười trở lại.

Giữa hai cơn bão

Sang đầu tháng 9.2021, những tin nhắn xin gạo, rau, củ… từ các hộ gia đình ở TP.HCM đã giảm đi khá nhiều. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn những tin nhắn xin và được anh em gọi tắt là “chùm rau, củ”. Đó là mỗi tin nhắn thường có một người đại diện cho một con hẻm, khu nhà trọ và xin cho mấy chục người một lúc. Tin nhắn ngày 12.9, “con mong được cô giúp đỡ ạ. Khu trọ con có 40 phòng, 270 Bình Trị Đông, quận Bình Tân, con tên Ân, sđt 09689081…”.

Giai đoạn này, gạo ở các tỉnh miền Tây đã bắt đầu thông thương lên TP.HCM và đi vào từng ngõ hẻm. Nhưng vẫn còn đâu đó những tiếng kêu “em chưa nhận được cái gì; tiền hết, không có sữa cho con…”. Lúc tiếng kêu xin gạo giảm xuống thì ở Quảng Ngãi phát sinh thêm những khó khăn mới, đó là dịch Covid-19 bắt đầu như những đốm lửa đang le lói và chờ cơ hội để bùng phát; việc đi lại trên đường phố phải có giấy tờ xác nhận; các thành viên tham gia thiện nguyện và tiếp xúc nhiều thì phải định kỳ test để tự kiểm tra bản thân… Bên cạnh đó, mưa gió đã bắt đầu ập xuống với những ngày mưa kéo dài.

 Chuyến xe vượt bão lên đường

Nhóm thiện nguyện đứng giữa hai “cơn bão”. Khi tình hình Quảng Ngãi bắt đầu nóng dần, nhóm thiện nguyện bắt đầu rút dần một số mặt hàng như gạo, mì tôm để chuyển cho các khu cách ly. Để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa hỗ trợ cho bà con, y bác sĩ tuyến đầu TP.HCM vừa giúp cho nông dân Quảng Ngãi tiêu thụ sản phẩm, nhóm đã chuyển sang 2 mặt hàng là dưa hấu và sả. Sả dành cho bà con Sài Gòn, còn dưa hấu dành tặng cho đội ngũ y, bác sĩ.

Những chuyến xe chở dưa hấu rời Quảng Ngãi là những ngày mưa như trút nước. Cơn bão Côn Sơn khiến bầu trời Quảng Ngãi xám xịt màu mây vần vũ. Ở bất cứ nơi nào, nếu bóng ma Covid-19 đang quần thảo và trời lại mưa thì không gian luôn chìm trong u ám và cái lạnh của gió dường như tê tái hơn. Trong 2 ngày 11 và 12.9, liên tục hai chuyến xe nối nhau chở dưa hấu và sả vào tiếp ứng cho bà con; đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu TP.HCM. Dưa hấu chuyển đi TP.HCM là loại da xanh, ruột chắc để đỡ hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Nhưng dưa hấu vốn kỵ nước mưa, vì vậy có chuyến xe khởi hành trong đêm, hàng phải lập tức được đưa lên xe giữa ánh đèn lập lòe soi màn mưa dày đặc.

Tổng kết 90 ngày đêm thực hiện những “Chuyến xe thương gửi miền Nam”, chiếm phần lớn những người dân đến chung tay ủng hộ thì là người có thu nhập trung bình, bên cạnh đó là một số doanh nghiệp Đoàn Ánh Dương, Thiên Tân Group, Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất, Công ty Thiên Long, MSB Quảng Ngãi, Trường Trung cấp Đông Á, Công ty Phương Nam, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi… 

 200 tấn hàng đã được nhà báo Lê Văn Chương cùng nhóm thiện nguyện Nối vòng tay Việt đưa vào miền Nam, được tổ chức công khai, minh bạch, kịp thời và khoa học. Tinh thần vượt khó của người cán bộ, đảng viên đã được phát huy để vượt qua mọi thử thách, góp phần lan tỏa tình yêu thương.

(Ông NGUYỄN THANH AN, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi)

 

SÔNG THAI – HÀ ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top