Thừa Thiên Huế đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp du lịch phục hồi

VHO- Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2022, lên kế hoạch triển khai các chương trình trọng tâm để phục hồi du lịch.

Dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, song nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã và đang từng bước khai thác ổn định trở lại. Theo kế hoạch của Festival bốn mùa và UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai trong năm 2022, Hiệp hội Du lịch đã kết nối các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú để triển khai các hoạt động kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 12. Trong khuôn khổ Festival Huế 2022, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ chủ trì tổ chức các sự kiện như: Liên hoan ẩm thực; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng Sở Du lịch tổ chức hội thảo  bàn về giải pháp phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới; tiếp tục chỉ đạo Hội Lữ hành, Hội Khách sạn, Hội Hướng Dẫn viên tỉnh tổ chức các tour du lịch cho khách trong dịp lễ hội; đón các đoàn presstrip, farmtrip đến Huế nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Huế an toàn và thân thiện…

Thừa Thiên Huế đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp du lịch phục hồi - Anh 1

Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: T.An

Năm 2022, Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá nhằm phục hồi du lịch. Ngoài tham gia các chương trình quảng bá trong và ngoài nước (trực tiếp và trực tuyến), Hiệp hội Du lịch sẽ hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh để kêu gọi đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế đến các doanh nghiệp. Kêu gọi các hội viên sử dụng các mạng xã hội để chia sẻ các thông tin về điểm đến Huế, hoạt động lễ hội tại Huế, các sản phẩm và chính sách du lịch nổi bật tại Huế; đẩy mạnh tương tác trên không gian triển lãm ảo của ngành du lịch Thừa Thiên Huế, xây dựng sàn giao dịch thương mại về sản phẩm du lịch riêng của Huế để tiếp cận với khách hàng…

Để đảm bảo chu đáo các hoạt động du lịch, mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ ngày 15.3 theo kế hoạch của Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đôn đốc các cơ sở lưu trú nâng cấp, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất . Xây dựng các sản phẩm đáp ứng thông điệp “Huế- Điểm đến an toàn và thân thiện” để khẳng định thương hiệu điểm đến của du lịch Việt Nam nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng. Vấn đề nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng đã bị hao hụt nghiêm trọng sau đại dịch, có khoảng 8.000 lao động đã nghỉ việc, nhiều lao động bị “hao mòn” tay nghề, chuyên môn. Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, Hiệp hội cũng kết nối, đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn mở rộng hợp tác để người lao động tiếp cận nhanh với nghề và người sử dụng lao động không mất thời gian đào tạo lại.

Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch cũng có những kiến nghị đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan ban ngành nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch phục hồi và phát triển trở lại, như: điều chỉnh giá bán điện cho các cơ sở lưu trú; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đến hết năm 2022 và có thể đến năm 2023; nâng cao công tác quản lý nhà nước về kinh doanh du lịch để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của một số đơn vị, cá nhân làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế; đẩy mạnh chấn chỉnh các hoạt động gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị ở các địa điểm ở trung tâm Thành phố Huế và các điểm tham quan di tích; cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, nhằm thu hút được các đối tượng trẻ, các tổ chức kinh tế xã hội tham gia hoạt động du lịch...

Thừa Thiên Huế đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp du lịch phục hồi - Anh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao Giải thưởng du lịch ASEAN năm 2021 cho 2 đơn vị. Ảnh: T.An

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch trong công tác phục hồi lại ngành du lịch, là ngành kinh tế mũi nhọn và thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với việc mở cửa toàn diện ngành du lịch, đặc biệt là đón nguồn khách quốc tế sắp tới, thì sự chủ động của các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Chính quyền địa phương sẽ luôn tạo điều kiện, đồng hành và ủng hộ để các doanh nghiệp du lịch phục hồi.

Ông Phương cũng nói rằng, thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều dự án chỉnh trang, xây dựng các không gian cộng đồng ở khu vực trung tâm Thành phố Huế, tập trung ở khu vực dọc hai bờ sông Hương và đã thu hút rất nhiều người dân, du khách đến check-in, trải nghiệm. Để cùng phát huy các không gian cộng đồng này hiệu quả hơn, các doanh nghiệp có thể khảo sát, đề xuất những hướng khai thác các dịch vụ phù hợp để phục vụ du lịch. Chính quyền địa phương luôn lắng nghe và ủng hộ các doanh nghiệp chủ động xây dựng các sản phẩm mới, kiến tạo môi trường du lịch có tính cạnh tranh cao.

Cũng nhân dịp này, thừa ủy quyền Ban Tổ chức Giải thưởng du lịch ASEAN, ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao giải thưởng du lịch ASEAN năm 2021 cho 3 doanh nghiệp. Gồm: giải thưởng Địa điểm tổ chức Mice ASEAN cho khách sạn Silk Path Huế; giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN cho khách sạn nghỉ dưỡng Vedana Lagoon Resort & Spa; và giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững thành thị (thuộc sản phẩm tham quan Thành phố Huế- 1 điểm đến 5 di sản) cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

THÙY AN

Ý kiến bạn đọc