Xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu những hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát (Nam Định): Bài 2: Vén bức màn “18 đạo sắc phong”

VHO- “Với tư cách chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương cần xử lý nghiêm đối với các sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát theo Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan”.

Xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu những hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát (Nam Định): Bài 2: Vén bức màn “18 đạo sắc phong” - Anh 1

 Một trong những "sắc phong" ngụy tạo (Ảnh: Tổ công tác cung cấp)

TS Chu Xuân Giao, thành viên Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, thẳng thắn đề nghị.

Ch có th la ngưi không hiu biết v sc phong

Tuy nhiên, vấn đề đang được dư luận quan tâm là, 18 cái gọi là “đạo sắc phong” đó từ đâu mà có và căn cứ vào đâu mà Thủ nhang di tích Phủ Vân Cát lại lớn tiếng cho rằng đó là “tài sản văn hóa quốc gia” cần được bảo vệ? Hơn nữa, họ làm ra những sản phẩm “rởm” nhằm mục đích gì, và vì sao Phòng VHTT huyện Vụ Bản chưa tiến hành xem xét, thẩm định mà đã “tố” ngay cơ quan chức năng tỉnh Nam Định: “18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích”?

Như đề cập từ bài trước, ngày 10.1.2022, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản ký văn bản số 06/VHTT-DT gửi Sở VHTTDL, Bảo tàng Nam Định và UBND huyện này, trong đó xác quyết: “18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích”. Khi tiếp nhận văn bản, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định cho biết, lúc đó khá băn khoăn và tự đặt câu hỏi, “Vì sao cán bộ tiến hành kiểm kê hiện vật làm hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL xem xét, xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2020 lại bỏ sót những hiện vật này?”. Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng nên trong quyết định thành lập Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, ông Thư đã mời TS Chu Xuân Giao, một trong những chuyên gia về Hán, Nôm và sắc phong tham gia. “Quả thật, nếu 18 đạo sắc phong không được thẩm định, thống kê đưa vào cuốn Lý lịch di tích là một thiếu sót lớn của cán bộ làm chuyên môn”, ông Thư chia sẻ.

Là người nhận trách nhiệm của Tổ công tác khảo sát nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong, TS Chu Xuân Giao cho biết, ngày 22.1.2022, dưới sự giám sát của các bên gồm đại diện UBND huyện Vụ Bản, UBND xã Kim Thái, các thành viên Tổ công tác, nhà đền, Thủ nhang Phủ Vân Cát đã hạ hộp đựng sắc phong từ trong hậu cung xuống, đưa ra phòng khách. Trong khoảng hai giờ đồng hồ, Tổ công tác đã tiến hành khảo sát tỉ mỉ, đo đạc kích thước từng tờ tư liệu, sau đó chụp ảnh kỹ thuật số theo số thứ tự từ 1 đến 19. Khi công việc khảo sát xong, toàn bộ nhóm tư liệu đã được Thủ nhang đưa trở lại hộp đựng sắc phong. Theo TS Giao, thật ra là có 19 tờ tư liệu chứ không phải 18, gồm 1 đạo sắc phong mang niên đại Đồng Khánh 2 (1887) cho xã Lệ Thủy, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội. 18 tờ tư liệu còn lại được xem là tư liệu liên quan đến Phủ Vân Cát và “không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích” như trong văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản đã đề cập.

TS Chu Xuân Giao xác định, 18 tờ tư liệu được xem là liên quan đến Phủ Vân Cát có hai loại chính. Loại thứ nhất là tư liệu ông đã được biết từ nhiều năm trước. Loại này chỉ có 1 tờ duy nhất (tờ số 19) được ông khảo sát và chụp ảnh kỹ thuật số vào ngày 25.6.2011. Theo ông, đây là bản làm nhái sắc phong nhưng thể hiện rõ là đang làm nhái (có ghi rõ chữ “thừa sao” trong lòng sắc, đồng thời đóng dấu đỏ ở dòng niên đại chỉ để mờ mờ mang tính tượng trưng). Loại thứ 2 là tư liệu mới được ông tiếp xúc lần đầu. Loại này gồm 17 tờ tư liệu còn lại (từ tờ số 1 - 17), tất cả đều là bản làm nhái sắc phong nhưng không thể hiện rõ là đang làm nhái.

“Có thể nói tổng quát rằng, giấy, hoa văn, nhũ, chữ viết, con dấu Sắc mệnh chi bảo Tiên nhu chi bảo của 17 tờ tư liệu này đều được làm mới (trong thời gian gần đây). Hiện tôi biết rõ và muốn cảnh báo về phong trào chế tác sắc phong nhái ở nhiều nơi trên toàn quốc, ví dụ phôi viết sắc phong nhái thời Lê hay thời Nguyễn đã và đang được rao bán một cách hồn nhiên trên mạng. Bởi vậy, cần thiết phải nói rõ rằng, đây là 17 bản làm nhái sắc phong mới đây. Các bản nhái cố gắng làm giống với sắc phong cho bách thần của các triều đại quân chủ Việt Nam, nhưng bao giờ cũng vậy, đồ làm nhái luôn để lại nhiều điều bất thường, thậm chí là khôi hài. Những điểm bất thường đó có thể đánh lừa được người không hiểu biết về sắc phong, chứ không thể qua được mắt của nhà chuyên môn”, TS Giao cho hay.

Chúng là sn phm ngy to đu thế k XXI

Ông Giao nhấn mạnh, 18 tờ tư liệu trong hòm đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát hiện nay (đang được phía nhà đền Phủ Vân Cát xem là “18 đạo sắc phong”) đều là sản phẩm nhái. Trao đổi với chúng tôi về 1 bản làm nhái sắc phong trước đây (tờ tư liệu đánh số 19) và những điểm “bất thường” trên đó, TS Giao cho biết, tờ tư liệu này tự thể hiện là một bản sao của sắc phong có niên đại Bảo Đại 17 (1942) cho thôn Vân Cát của xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, được phụng thờ Liễu Hạnh Công chúa. Nguyên văn dòng địa chỉ nhận sắc là “Nghĩa Hưng phủ Thiên Bản huyện An Thái xã Vân Cát thôn”. Quả là khôi hài và cho thấy sự không trung thực của bản sao, bởi theo ông Giao, “thời điểm năm 1942 không có huyện Thiên Bản, vì đã được đổi thành Vụ Bản từ rất lâu rồi”.

TS Chu Xuân Giao nhớ lại, vào ngày 25.6.2011, ông cùng với một nhóm chuyên gia tới thăm Phủ Vân Cát. Đón tiếp đoàn lúc đó là Thủ nhang Trần Văn Bái và ba vị bô lão địa phương. Tại đây, TS Giao hỏi ông Bái về tư liệu cũ của Phủ Vân Cát và được cho biết Phủ không còn giữ được đạo sắc phong nào. Lát sau, con trai của Thủ nhang là anh Trần Văn Cường xuất hiện và mang ra một hòm đựng sắc phong cho đoàn công tác xem. Trong hòm có mấy bản làm nhái sắc phong nhưng không thể hiện rõ là bản làm nhái và một bản làm nhái nhưng thể hiện rõ là đang làm nhái (như tờ tư liệu số 19). Còn lần này, ngày 22.1.2022, ông chỉ thấy bản làm nhái sắc phong nhưng thể hiện rõ là đang làm nhái (tờ tư liệu số 19), còn các tờ làm nhái sắc phong khác thì không còn nữa.

Vậy, đối với 17 bản làm nhái sắc phong gần đây thì sao? TS Chu Xuân Giao cho biết, do toàn bộ đều là bản làm nhái sắc phong nên niên đại (niên hiệu các thời vua thời Lê và thời Nguyễn) và con dấu Sắc mệnh chi bảo đều là giả mạo. Về thực chất thì các niên đại ghi trên các bản làm nhái sắc phong không hề có trên thực tế. “Để chứng minh tường tận từng bản làm nhái sắc phong mới đây thì dài lắm, phải liệt kê qua mấy trang. Muốn biết tường tận thì đến Bảo tàng Nam Định mượn bài Tổng thuật về nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong tại Phủ Vân Cát do tôi thực hiện năm 2022. Còn chốt lại thì như thế này: Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát, tôi khẳng định 18 tờ tư liệu giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát tại thời điểm ngày 22.1.2022 không phải là “18 đạo sắc phong” mà chỉ là “18 tờ tư liệu làm nhái sắc phong - là sản phẩm ngụy tạo ở đầu thế kỷ XXI”, và TS Chu Xuân Giao còn nói thêm: “Là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tôi có suy nghĩ rằng, các sản phẩm ngụy tạo này cần được xử lý nghiêm minh và dứt điểm (như tịch thu tang vật), nếu không thì sẽ để lại di hại khôn lường trong tương lai, làm lẫn lộn thật giả, sai lệch giá trị lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích".

Đến thời điểm này, nhiều người biết cái gọi là “18 đạo sắc phong” kia là từ đâu ra nhưng vẫn chưa thể “điểm mặt chỉ tên”, mặc dù đã có cá nhân đứng ra thừa nhận. Đáng nói nữa, bản thân Thủ nhang Trần Văn Cường cũng biết rõ xuất xứ của các sản phẩm rởm ấy nhưng vẫn cứ “lớn tiếng”... Điều mà dư luận quan tâm và cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ là họ ngụy tạo ra chúng để nhằm vào mục đích gì? 

 Là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tôi có suy nghĩ rằng, các sản phẩm ngụy tạo này cần được xử lý nghiêm minh và dứt điểm (như tịch thu tang vật), nếu không thì sẽ để lại di hại khôn lường trong tương lai, làm lẫn lộn thật giả, sai lệch giá trị lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích.

TS CHU XUÂN GIAO

 VŨ DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc