Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 4): Đảng viên nêu gương thì thu phục được quần chúng

VHO- “Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định, người cán bộ, đảng viên là phải có đạo đức, lối sống lành mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám nghĩ dám làm… Có nhiều người ngại, không dám đứng ra quyên góp vì vào thời điểm đó, hàng loạt vụ tai tiếng, đồn thổi liên quan tới giới nghệ sĩ làm từ thiện. Nhưng tôi nghĩ mình cứ minh bạch, rõ ràng thì rồi người ta sẽ nghe mình, nhiều người sẽ theo mình, cái tốt sẽ được nhân lên”, nhà báo Lê Văn Chương chia sẻ.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 4): Đảng viên nêu gương thì thu phục được quần chúng - Anh 1

 Dưa hấu được Bộ đội Biên phòng vận chuyển tới tặng cho các y, bác sĩ tuyến đầu ở TP.HCM

Thương gi Sài Gòn…

“À, thương gửi Sài Gòn, Bình Dương, hợp ý với anh nè”, người đàn ông cụt 2 chân, tên là Bùi Quang Thuận, 49 tuổi dừng lại trước tấm bảng của nhóm Nối vòng tay Việt tại địa chỉ 99 Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi rồi thốt lên câu này. Nhà báo Lê Văn Chương nhận ra ngay đây là người mà anh nghe kể trước đó vài ngày. Tại chợ Đầu mối nông sản tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người trầm trồ về việc một người đi xe lăn, làm nghề bán vé số, nhưng lấy hết tiền để dành để mua bí đỏ tặng cho các gia đình đang trong vòng cách ly.

Và khi nhìn thấy tấm pa nô in dòng chữ “nhóm Nối vòng tay Việt, điểm quyên góp hàng nông sản thương gởi Sài Gòn, Bình Dương” thì người đàn ông đó đã dừng lại, bắt đầu những công việc không ai có thể tin được ở một người tật nguyền. Anh vội vã đi ra sông Trà, quyên góp và chở ngay về 500 kg dưa hấu. Những quả dưa tươi, xanh mướt, vị ngọt đậm đà. Vỗ vào quả dưa, anh nói “gửi vô Sài Gòn cho các bác sĩ, bệnh nhân F0 để bồi bổ sức khỏe, ngày nào lên mạng internet đọc tin và tôi không thể chịu nổi vì thấy Sài Gòn như vậy. Đau thương quá Sài Gòn ơi!”.

Ai cũng ngần ngại vì một người cụt chân nhưng lại quá xông xáo trong nhóm thiện nguyện. Anh vẫn im lặng làm việc. Sau khi chuyến xe chở dưa hấu vào TP.HCM thì anh lại tiếp tục đi thu hái chè xanh, trái cây mang về điểm quyên góp. “Ai cho anh vậy, làm sao mà quyên góp được?” – anh em trong nhóm hỏi dồn. Anh chỉ cười và nói “thì mình chia sẻ với mọi người là hãy thương người TP.HCM; bao nhiêu năm nay TP.HCM giúp Quảng Ngãi rồi, giờ là lúc phải trả nợ ơn nghĩa cho bà con”.

Anh là một trong nhiều người đã tìm đến với nhóm Nối vòng tay Việt, nhiệt tình tham gia làm từ thiện rồi kêu gọi nhiều người khác hưởng ứng theo kiểu “tôi bị tật nguyền ngồi xe lăn mà còn theo ông Chương nhà báo làm từ thiện thì anh, em tại sao lại không tham gia…”.

Sau chuỗi ngày dài gian nan, nhà báo Lê Văn Chương nhận ra rằng, mình cố gắng và đã tạo ra sự lan tỏa, nếu đảng viên nêu gương thì có rất nhiều quần chúng tốt sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 4): Đảng viên nêu gương thì thu phục được quần chúng - Anh 2

Anh Bùi Quang Thuận là một trong nhiều người dân đã tình nguyện tham gia quyên góp hàng nông sản

Chuyn sau chuyến hàng

Sáng 24.8.2021, tại xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cựu chiến binh Đoàn Tòng trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian lâm bệnh cộng với tuổi già sức yếu. Ông là một người từng nổi tiếng ngang dọc trên chiến trường Quảng Ngãi trước năm 1975 và vợ ông là học trò của Anh hùng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Từ nhà ông có thể nhìn lên dãy núi nơi đặt Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Trước khi qua đời, ông có di nguyện là tổ chức đám tang đơn giản và hiến tặng tiền phúng điếu cho những chuyến xe thương gửi đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu TP.HCM của nhóm Nối vòng tay Việt.

Hai chuyến xe sau ngày ông Tòng qua đời, gia đình đã đóng góp tiền phúng điếu để làm theo di nguyện của ông. Từ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương, một bác sĩ nhắn tin: “Xúc động quá, nhóm Nối vòng tay Việt đã kết nối được những tấm lòng cao cả, hy sinh cho xã hội, ngay cả khi đã không còn trên cõi đời này”.

Trong những chuyến xe đều gắn với một câu chuyện. Chuyến xe vượt bão vào miền Nam, chị Tôn Nữ Diệu Nhân, Anh Xuân (Vietcombank Quảng Ngãi), chị Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Hàng Hải (MSB) Quảng Ngãi cũng góp gạo để gởi vào và nhắn nhủ “mong bà con có thêm cái ăn”.

Đầu tháng 8.2021, nhà báo Lê Văn Chương quyết định phải mở thêm hoạt động hỗ trợ trực tuyến phụ nữ sinh con. Chị Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia để mở Quỹ sữa. Một cô gái quê ở tỉnh Hậu Giang (Trần Thị Mai Thi), tạm trú ở khu nhà trọ ở quận Bình Hưng Hòa lên facebook kêu gọi “mấy anh giúp em được không, chồng em qua đời và em sắp sanh (sinh) con nhỏ mà không còn tiền và còn sợ Covid nữa”.

Thông tin trên được một người đồng hương Quảng Ngãi ở cùng nhà trọ xác nhận. Việc quyên góp đã diễn ra nhanh chóng và khi số tiền 7 triệu gửi vào thì sản phụ này đang sinh con. Đây là một trong nhiều trường hợp phụ nữ mang thai được hỗ trợ trực tuyến.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 4): Đảng viên nêu gương thì thu phục được quần chúng - Anh 3

Người dân chở tỏi đến điểm quyên góp để ủng hộ

Gi y tế tuyến đu

Từ tháng 9.2021, mưa bắt đầu rải rác ở Quảng Ngãi cũng là ngày các chốt kiểm soát dịch được cắm lên khắp các ngả đường. Mọi người thì thầm nói với nhau “không biết Quảng Ngãi rồi có giống như TP.HCM?”. Trong suy nghĩ của nhiều người, hình ảnh về đại dịch thảm khốc cứ chập chờn. Mặc dù khó khăn ngang dọc như vậy, nhưng chuyến hàng “Thương gửi miền Nam” vẫn lên đường và tập trung gởi cho lực lượng y tế tuyến đầu.

TP.HCM nâng cấp biện pháp chống dịch bằng từ “siết chặt”. Hàng rào, chốt gác được kéo lên khắp nơi; bộ đội tăng cường và tham gia chống dịch. Đó là thời điểm nhà báo Lê Văn Chương và các cộng sự quyết định nhờ sự hỗ trợ của Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM. Chiếc xe tải 5 tấn của quân đội đã trở thành con thoi để chở dưa hấu, đường phèn, chanh tới tặng các bệnh viện tuyến đầu.

Khi TP.HCM “siết chặt”, chuyến hàng gửi đi được dõi theo chặt chẽ và nhiều lúc phải sử dụng trực giác để phán đoán. Chiều ngày 7.9.2021, từ TP.HCM, một cán bộ biên phòng trực tiếp mang trái cây đi tặng lực lượng y tế tuyến đầu đã gửi tấm ảnh cùng với tin nhắn “chốt nhiều lắm, mãi tới tối thì anh em mới giao được cho đơn vị cuối cùng là Bệnh viện Quân y 175”.

Bác sĩ Ngô Thị Như, công tác tại Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 1, TP.HCM, một đảng viên trẻ xung phong vào tâm dịch, sau khi nhận quà đã nhắn qua điện thoại: “Những tấm lòng, sự chân thành của người dân là động lực để chúng ta chiến thắng đại dịch”. Nhiều dòng tin nhắn như vậy giữa ngày bão càng làm cho mọi người nỗ lực hết mình để kịp chuyến xe về TP.HCM. 

 

 Đảng viên nêu gương thì thêm nhiều quần chúng tốt xuất hiện, đó chính là điều mà chúng tôi đã rút ra qua các hoạt động thiện nguyện. Khi chúng tôi phát động chương trình thì lo lắng sẽ không đủ nguồn hàng vào miền Nam, hoặc hoạt động chỉ mang tính phong trào. Nhưng rồi 90 ngày trôi qua, mỗi ngày lại có thêm người tốt đến với chúng tôi.

(Nhà báo LÊ VĂN CHƯƠNG)

 SÔNG THAI HÀ ANH

Ý kiến bạn đọc