Ngàn lẻ một chuyện​​​​​​​ dạy học online

VHO- Không kêu khó, kêu khổ hay trình bày khó khăn, các giáo viên trong một Hội thảo về dạy học trực tuyến diễn ra ngày hôm qua 6.3 đã chia sẻ những câu chuyện về sự thay đổi tự thân để thích nghi và có những tiết học thú vị.

Ngàn lẻ một chuyện​​​​​​​ dạy học online - Anh 1

 Nhiều hoạt động trải nghiệm, giáo dục tưởng như phải chờ mở cửa trường mới làm được thì nay cũng được thực hiện ngoài không gian lớp học

 Làm được điều tưởng không thể

Hội thảo về dạy học trực tuyến của cụm trường thuộc quận Thanh Xuân - Cầu Giấy (HN) do trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (HN) chủ trì đã thu hút gần 800 giáo viên tham dự vì sự mới mẻ và mục tiêu chia sẻ, lan toả những kinh nghiệm, công cụ dạy học hữu dụng. Dạy học thực hành, thí nghiệm, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất… đều có thể làm được trực tuyến, đó là thông điệp mà nhiều giáo viên trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ qua các câu chuyện và minh chứng bằng video quay lại tiết dạy của mình.

Thầy Nguyễn Minh Đức, giáo viên dạy Vật lý trình bày phần mềm hỗ trợ dạy học thực hành, thí nghiệm và cho biết hỗ trợ được tốt nhất ở phần cơ học trong chương trình Vật lý. Các bước dạy học thực hành theo phương thức trực tuyến vẫn như trực tiếp ở phần hướng dẫn học sinh chuẩn bị công cụ đo, vật liệu qua video thầy thu gửi trước. Học sinh thực hiện yêu cầu, thu lại quá trình thực hành kèm theo bản phân tích kết quả, vẽ đồ thị…

Tương tự, thầy giáo Vũ Ngọc Toản, dạy Hóa học cũng cho biết hoàn toàn có thể dạy học STEM (ứng dụng kiến thức khoa học tự nhiên để giải quyết vấn đề giáo viên yêu cầu, ứng dụng vào cuộc sống). Thầy ví dụ một bài hướng dẫn học sinh làm nước javel và cho biết điều thú vị là mỗi học sinh sẽ đều được trực tiếp làm, sản phẩm được cả lớp quan sát, đánh giá. Nhiều em làm trong sự chứng kiến của gia đình.

Cô Nguyễn Thuỳ Dương, một giáo viên khác ở trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (HN) cho biết, ngoài các môn “khó nhằn” như thể dục, âm nhạc, câu lạc bộ năng khiếu đã được trường này tổ chức dạy và học trực tuyến từ 2 năm qua, nhiều hoạt động trải nghiệm, giáo dục tưởng như phải chờ mở cửa trường mới làm được thì nay đã thành hiện thực: Tổ chức các cuộc thi, lễ hội, đổi mới giờ sinh hoạt, chào cờ theo chủ đề hằng tuần… “Chương trình vượt ra ngoài không gian lớp học” là một hoạt động học sinh lớp lớn dạy kèm, hỗ trợ học sinh lớp bé học một số môn. Có những trường hợp học sinh lớp bé lại hỗ trợ các anh chị lớn trên môn Tiếng Anh. Các em được chia sẻ, giúp đỡ và được ghi nhận, khen ngợi nên việc này nhanh chóng lan tỏa. Hiện một số nhóm học sinh đã “vượt không gian” của trường học để giúp đỡ học sinh ở những vùng khó khăn khác.

Dạy Văn, Sử với những phần mềm tương tác thú vị

Liveworksheets (phiếu bài tập trực tuyến) là một phần mềm được nhiều giáo viên dạy Văn, Sử ứng dụng trong giai đoạn dạy học trực tuyến để có tương tác hai chiều, giúp giờ học không nhàm chán.

Cô Võ Mai Linh, giáo viên dạy Văn cho biết, sau 2 năm kể từ ngày đầu dạy học trực tuyến, cô đã trải qua một bước tiến dài. Từ chỗ phải chụp phiếu giấy gửi cho học sinh và nhận bản chụp bài làm của học sinh để chấm rất thủ công, mất thời gian, hiện phần mềm đã cho phép áp dụng nhiều tính năng khác nhau để tổ chức hoạt động, tương tác, giao nhiệm vụ. Hệ thống này có thể tự động chấm bài làm cho học sinh một cách chính xác.

Một phần mềm khác là Short Answer cũng được thầy giáo dạy Lịch sử Trần Thanh Quang khai thác. Theo thầy Quang, nó có tính năng lưu các sản phẩm học sinh làm, sắp xếp theo thứ tự để biết em nào làm nhanh nhất, đầy đủ nhất, đúng nhất…

Thầy Nguyễn Văn Ninh, trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (HN) lại chia sẻ cách quản lý hồ sơ học sinh để hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm trong thời gian các trường học đóng cửa, giúp giáo viên giảm bớt thời gian làm việc thủ công. Mỗi học sinh có một hồ sơ bao gồm các thông tin cá nhân, kết quả học tập, nhận xét của giáo viên, bản tự đánh giá của học sinh… Các hồ sơ này được cập nhật và chuyển tiếp lên hệ thống nội bộ của trường và thông tin lại cho cha mẹ học sinh.

Theo cô Nguyễn Phương, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, so với thời kỳ đầu năm 2020 thì đến nay đã có hàng chục phần mềm dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý học sinh mà giáo viên có thể ứng dụng, khai thác từ nhiều kênh, chia sẻ từ đồng nghiệp. Điều quan trọng là trong mỗi môn học, mỗi việc làm, mục tiêu cụ thể, lựa chọn một công cụ phù hợp để sử dụng hiệu quả nhất.

“Không nên tuyệt đối hóa dạy học trực tuyến hay dạy học trực tiếp mà nên nhìn nhận, đánh giá ưu điểm của mỗi hình thức từ kinh nghiệm đã được trải nghiệm. Xem đây như sự khởi đầu để tạo nên một cộng đồng chia sẻ dữ liệu, tài nguyên sử dụng chung phục vụ cho việc dạy học cần nhiều sự chủ động, thích ứng trong giai đoạn hiện nay”, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi tại Hội thảo.

Còn cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành bày tỏ mơ ước xây dựng trường học thông minh, trên cơ sở tiếp nối những thành quả từ việc khai thác ứng dụng công nghệ để sử dụng linh hoạt vào việc dạy học trực tuyến hai năm qua. Trường học thông minh sẽ áp dụng cả khi các nhà trường mở cửa trở lại học trực tiếp, với các hình thức dạy học pha trộn, kết hợp để tận dụng những ưu điểm của mỗi phương thức dạy học.

“Biến nguy cơ thành cơ hội để thay đổi, phát triển” là điều nhiều thầy, cô ở Hội thảo trên nhắc đến. Một số giáo viên ở các vùng khó khăn như Đắk Lắk, Hà Giang cho biết, những thông tin của các thầy, cô chia sẻ tại Hội thảo này rất quý với họ vì vượt qua được khó khăn thiếu máy tính, thiếu mạng, thiếu điện, nhiều nhà trường, nhiều giáo viên mới hiểu rằng họ mới chỉ qua được quãng đầu của sự gian nan. Muốn có hiệu quả, chất lượng, muốn tận dụng những ưu việt của công nghệ thì cần phải đi thêm quãng đường dài, trong đó không thể thiếu sự lan toả, chia sẻ từ những ngôi trường đi tiên phong. 

 KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc