Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài cuối): Hỗ trợ người dân khó khăn trên đường về quê

VHO- Từ ngày 6.10.2021, dòng người đi xe máy rời tâm dịch Covid-19, từ TP. HCM, Bình Dương… ầm ầm lướt qua các tỉnh miền Trung để về quê nhà. Nhà báo Lê Văn Chương và nhóm Nối vòng tay Việt chuyển sang hỗ trợ người dân chạy tránh tâm dịch Covid-19. Vào thời điểm đó, tôi điện hỏi thăm thì anh nói “…sẽ tiếp tục giúp bà con, mình là đảng viên thì phải cố gắng; tổ chức có thể ban đầu chưa hiểu, nhưng khi thấy mình vì nhân dân thì mọi việc sẽ ổn”.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài cuối): Hỗ trợ người dân khó khăn trên đường về quê - Anh 1

Hơn 300 người dân Thanh Hóa dừng tại điểm tiếp đón của nhóm thiện nguyện để ăn cơm tối, sau đó được Cảnh sát giao thông dẫn đường tiếp tục hành trình

Tình đồng bào trong hoạn nạn

Chương trình quyên góp hàng nông sản gửi vào cho bà con ở TP.HCM tạm dừng vào cuối tháng 10.2021 để chuyển sang hỗ trợ bà con rời tâm dịch phía Nam về quê nhà bằng xe máy, qua quốc lộ 1A, địa phận tỉnh Quảng Ngãi.

Nói về lý do “chuyển nhiệm vụ”, nhà báo Lê Văn Chương cho biết: Gần 20 giờ đêm ngày 25.10.2021, vợ chồng anh Nguyễn Minh Chiến, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An dừng xe trước khu lều trại của Nối vòng tay Việt nằm sát cổng Bến xe khách Chín Nghĩa, TP Quảng Ngãi. Gió đêm lạnh toát vì những cơn mưa lớn vừa tạm lắng xuống. Hai đứa con nhỏ trên tay của người vợ anh co ro với nước da tái mét. Anh Chiến cho biết, “em test để lấy kết quả làm giấy đi đường, hiện nay đã qua 2 ngày, còn 1 ngày nữa là hết hạn, vì vậy trong đêm nay làm sao phải tới được cửa hầm Hải Vân”.

Đêm 6.10.2021, trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua tỉnh Quảng Ngãi, người thanh niên đứng dưới hiên nhà run cầm cập và đứng gần đó là người vợ của anh, quê ở tỉnh Nam Định cũng đang chạy một chiếc xe máy chở theo cậu con trai 5 tuổi. Mưa như trút và anh cố nói to: “Em sắp hết hạn test rồi”. Anh cho biết “Chúng em từ TP.HCM về quê, nhưng hôm nay đã là ngày thứ hai, nếu đi chậm là hết thời hạn test, nên mưa cũng phải đi tiếp thôi”.

Trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận Quảng Ngãi có rất nhiều câu chuyện từ những người chạy tránh tâm dịch Covid-19 TP.HCM, Bình Dương… Anh Huy, một người quê ở TP Hải Phòng móc trong túi ra một nắm tiền lẻ và nói “thất nghiệp 4 tháng, có 2 lần được cấp gạo, rau củ, nên phải về quê hương thôi”.

Những hình ảnh và thân phận đó khiến nhà báo Lê Văn Chương quyết định liên hệ với Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất để mượn hai trại lều bạt quân đội dựng sát lề đường. Biết bao nhiêu người đi qua đây đã được anh và các tình nguyện viên ra tay hỗ trợ, giúp đỡ.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài cuối): Hỗ trợ người dân khó khăn trên đường về quê - Anh 2

 Phụ nữ và trẻ em đang chờ bố trí xe để đưa ra Đà Nẵng đi tiếp hành trình. Tấm bảng phía sau ghi lời cảm ơn của người dân đã được giúp đỡ

Chương trình bà bầu, trẻ em

Ngày 7.10.2021, một thanh niên trẻ chở theo người vợ có khuôn mặt tím tái, trên tay ôm đứa con nhỏ và dừng xe tại điểm phát tiền lộ phí của nhóm Nối vòng tay Việt đặt tại khu vực đầu cầu Bàu Giang, thành phố Quảng Ngãi. Mọi người lo lắng vì chị Lang Thị Giang giống như người mất hồn, đôi tay bế đứa con, nhưng dường như sắp buông thõng vì quá mỏi; đứa con trên tay thì còn quá nhỏ, giống như một chú thỏ đang thiêm thiếp trong giấc ngủ lạnh lẽo.

“Con quá nhỏ, sao không tìm nơi nghỉ ngơi mà vẫn đi dưới mưa, tôi hỏi và chị cho biết, con tên Lang Kiều Trinh, mới hơn 1 tháng tuổi, nhưng ôm trên xe đi từ Bình Dương về và tới Quảng Ngãi thì mưa to quá, nhưng vẫn phải đi để kịp về Nghệ An trước giờ hết hạn kết quả xét nghiệm Covid-19; mệt mỏi nhiều nhưng vẫn phải đi thôi”, nhà báo Lê Văn Chương nhớ lại.

Đêm đó, đôi vợ chồng trẻ được bố trí tạm nghỉ ở một ngôi nhà ghép bằng container trên đường Lê Trung Đình. Bữa ăn được mọi người mang đến dưới cơn mưa nặng hạt. Mưa rơi suốt đêm trường và vợ chồng anh lại thêm một đêm thức trắng. Nhà báo Lê Văn Chương đã liên kết với các tình nguyện viên, sắp xếp một xe tải để chở xe máy cùng 3 xe cấp cứu để chở nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ ra thành phố Đà Nẵng để được hỗ trợ đi đoạn đường tiếp theo.

Việc giúp cho cặp vợ chồng người dân tộc Thổ ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cũng là khởi nguồn cho hàng loạt chuyến xe hỗ trợ đưa trẻ em, phụ nữ mới sinh con, phụ nữ đang mang thai đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tới khu vực cửa hầm Hải Vân để sang đi tiếp chuyến xe nối ra Hà Nội. Anh đã liên hệ với các nhóm thiện nguyện của Ngô Mai, Phạm Đắc Minh, BWW MotorarndDaNang tổ chức thực hiện từ điểm cầu Đà Nẵng.

Để có kinh phí vận hành chương trình hỗ trợ cho xe ô tô, các thành viên Võ Văn Vinh, Lê Thị Tình, facebook Thỏ Ngọc đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân chung tay. Kêu gọi ủng hộ tiền vào thời điểm này là một việc khá gay go, vì ai cũng ngại trước vài ý kiến về việc “sao kê thế nào sau khi kết thúc”.

Trong hàng loạt chuyến hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, nhóm thiện nguyện từng “đứng tim” khi nhận được thông tin, có một phụ nữ, quê ở tỉnh Thanh Hóa đi trên chuyến xe ngày 11.10 có kết quả dương tính SARS-CoV-2. “Mọi người bảo hộ đủ 5K không? Có ai tiếp cận quá gần không? Ai có triệu chứng lạ hay không?”, hàng loạt câu hỏi loang nhanh trong nhóm để mọi người tự kiểm tra, khai báo y tế, tự test hằng ngày, tự cách ly theo dõi.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài cuối): Hỗ trợ người dân khó khăn trên đường về quê - Anh 3

 Nhà báo Lê Văn Chương đã quy tụ những người giàu lòng nhiệt huyết để tham gia vào hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cho chính quyền trong thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19

Thiện nguyện có định hướng

Nghị định 93/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11.12.2021, nội dung đề cập về việc làm từ thiện theo quy định. Tuy nhiên trước đó, nhà báo Lê Văn Chương đã thiết lập những quy định riêng cho nhóm hoạt động và có một số điểm trùng với quy định của Nghị định 93. Nhà báo Lê Văn Chương cho biết, ngay từ đầu nhóm từ thiện đã xác định phải có đơn vị bảo trợ (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi, sau đó là Doanh nghiệp xã hội Đoàn Ánh Dương) để tăng thêm tính pháp nhân.

Mỗi khi khởi động một chương trình, anh đều có thông báo cho UBND TP, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi để tạo điều kiện, hỗ trợ khi cần thiết. Vì chính quyền nắm được nội dung, địa điểm, hình thức, số điện thoại… từ đó có cơ sở duyệt các danh sách hỗ trợ tiêm vắc xin cho tình nguyện viên, sau đó là thân nhân gia đình để tránh lây lan dịch bệnh.

Sau hơn 90 ngày, tổng kết chương trình, báo cáo về “Chuyến xe thương gửi Sài Gòn!”, anh nhấn mạnh rằng, người cán bộ, đảng viên cứ làm đúng những điều ghi trong điều lệ và trong đó điều cơ bản nhất là “vì nhân dân” thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua được, nếu lỡ bị thiếu sót mà động cơ vì người dân thì sai sót đó cũng sẽ được mọi người cảm thông. 

 Kết thúc chương trình từ thiện, trung tá, nhà báo Lê Văn Chương đã được Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tặng Giấy khen, anh còn nhận được thư khen của nhiều tổ chức khác. Anh khiêm tốn nói rằng, cũng không mong được khen ngợi, vì lương tâm của con người, nhất là một người đảng viên, người lính, một nhà báo thì không thể nào đứng yên khi thấy đồng bào ở TP.HCM, Bình Dương… trong cơn hoạn nạn.

SÔNG THAI – HÀ ANH

Ý kiến bạn đọc