Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia tháp Bánh Ít (Bình Định): (Bài 1) Không tuân thủ thoả thuận, xâm hại nghiêm trọng di tích

VHO- Những tưởng việc triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia tháp Bánh Ít (tỉnh Bình Định) sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu về giá trị lịch sử, kiến trúc di tích. Thế nhưng...

Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia tháp Bánh Ít (Bình Định): (Bài 1) Không tuân thủ thoả thuận, xâm hại nghiêm trọng di tích - Anh 1

 Đơn vị nhà thầu cho xe cơ giới đến múc đất, san gạt ngay tại chân tháp Cổng

Từ những nguồn tin do người dân và du khách tham quan phản ánh, chúng tôi “mục sở thị” tại thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định giao Sở VHTT Bình Định, cơ quan quản lý nhà nước về di sản làm chủ đầu tư. Dự án có tổng kinh phí 25,6 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý, thực hiện trong 2 năm (từ năm 2021 - 2022).

Vùng lõi di tích bị cày xới

Ghi nhận tại khu vực gần cổng bán vé, chủ đầu tư và các đơn vị thi công có dựng biển tên công trình, trong đó nhà thầu tư vấn thiết kế là liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nguyên Phú và Công ty TNHH Phát triển công nghệ Việt Long; tư vấn giám sát là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nguyên Phú, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Việt Long và Công ty TNHH Công trình văn hóa Tiên Long; đơn vị thi công là liên danh Công ty TNHH XD TH Hiếu Ngọc, Công ty TNHH Xây dựng Thành Lộc và Công ty TNHH Hùng Phát. Tuy nhiên, qua hai ngày thực địa tại công trường, chúng tôi chỉ thấy một nhóm công nhân thi công tại khu vực xung quanh tháp Chính, tháp Lửa, tháp Cổng và những công nhân khác đang xây dựng các hạng mục tại khu chức năng dịch vụ, đón tiếp trưng bày… mà không thấy bóng dáng lực lượng giám sát công trình.

Còn nhìn theo hướng Tây Nam hướng đi lên tháp Chính, tháp Bia là một con đường đất đã bị san ủi với bề rộng gần 3m và chiều dài hàng trăm mét. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên tại tháp Cổng (tháp Nam), một xe cơ giới đang múc, san gạt đất gần bên hông chân tháp đã làm xuất lộ hàng ngàn viên gạch cổ dưới chân tháp và đã bị vỡ nát. Phía trên, tại khu vực hành lễ cũng có hàng ngàn viên đá cổ bị đào bóc lên, rất nhiều viên bị vỡ trong quá trình xúc đào vô tội vạ, sau đó công nhân dùng xe ben vận chuyển đến các hạng mục đang tu bổ, tôn tạo tại tháp Chính, tháp Lửa, tháp Bia và tháp Cổng để tận dụng xây dựng lại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực sân trước đền thờ tháp Chính và tháp Lửa (còn gọi tháp Hỏa), xe cơ giới đào múc khiến vô số viên gạch cổ nát vụn, phơi nắng thành từng đống. Cũng tại khu vực bảo vệ I của di tích, các nhân công đang đào một “chiến hào” dài hàng chục mét để xây dựng. Xung quanh 2 chân tháp đang xây dựng bồn hoa bằng vật liệu gạch không nung. Bồn hoa tại khuôn viên tháp Chính có chiều dài hơn 100m, chiều cao khoảng 0,3m; còn bồn hoa trước chân tháp Lửa có kích thước dài, cao khoảng 40m x 0,3m.

Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia tháp Bánh Ít (Bình Định): (Bài 1) Không tuân thủ thoả thuận, xâm hại nghiêm trọng di tích - Anh 2

 Hàng ngàn viên đá cổ bị đào, bóc lên và tấp thành đống

Rời khu vực tháp Chính và tháp Lửa, chúng tôi đến khu vực tháp Bia. Xung quanh chân tháp này cũng bị xe cơ giới cày xới, san gạt khiến không ít viên gạch cổ bị vỡ. Một công nhân ở đây cho biết: “Chúng tôi bắt đầu xây dựng trên tháp gần được một tháng rồi. Những thợ xây ở đây được chủ đầu tư và đơn vị thi công chỉ đạo lấy những viên đá cổ được đào lên tại di tích tháp Bánh Ít để tận dụng xây dựng phần bờ kè xung quanh chân tháp Chính và tháp Hỏa”. Cũng theo công nhân này, tất cả nguyên vật liệu đang xây dựng ở cụm tháp Bánh Ít đều dùng xe tải vận chuyển lên, nếu xây tại vị trí nào thì xe sẽ chạy đổ cát, gạch tại vị trí đó.

Chủ đầu tư khẳng định không xâm hại di tích (?!)

Mặc dù đã được Bộ VHTTDL có văn bản đồng ý thẩm định dự án, tuy vậy chủ đầu tư lại không tuân thủ mà cho nhà thầu đem xe cơ giới lên các cụm tháp để múc, san gạt mặt bằng cũng như cho xe chở nguyên vật liệu lên tháp để xây dựng; đồng thời cho nhân công đào xới trong vùng bất khả xâm phạm (khu vực bảo vệ I di tích). Việc thi công này rõ ràng trái với quy định của Luật Di sản văn hóa.

Đặt câu hỏi, “việc cho xe cơ giới lên các tháp múc rồi san gạt phẳng để có mặt bằng thi công có xâm hại nghiêm trọng đến di tích quốc gia tháp Bánh Ít không?”, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định khẳng định: “Không có chuyện chủ đầu tư xâm hại đến vùng lõi của di tích từ việc đưa xe máy múc lên tháp Bánh Ít để san gạt mặt bằng. Nhưng muốn lát đá ong tại các khu vực khuôn viên phía trước cũng như dưới chân tháp Chính, khuôn viên dưới chân tháp Bia, khuôn viên dưới chân tháp Cổng thì phải cho xe máy múc san gạt mới làm được”. Ông Chánh cũng cho biết, dự án trên có tổng nguồn vốn hơn 25 tỉ đồng, hiện nay ngân sách tỉnh đã chuyển cho đơn vị 5 tỉ đồng để thực hiện xây dựng các hạng mục tu bổ, tôn tạo tại di tích tháp Bánh Ít. “Theo thỏa thuận của Bộ VHTTDL, chúng tôi đã cho tháo dỡ tấm đan bê tông cốt thép tại tháp Chính, tháp Hỏa để tôn tạo sân và cảnh quan. Đặc biệt, trong quá trình bóc tấm đan bê tông này, chúng tôi phát hiện một mảnh tượng và đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh đưa về bảo quản”, ông Chánh cho biết thêm.

Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia tháp Bánh Ít (Bình Định): (Bài 1) Không tuân thủ thoả thuận, xâm hại nghiêm trọng di tích - Anh 3

Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia tháp Bánh Ít (Bình Định): (Bài 1) Không tuân thủ thoả thuận, xâm hại nghiêm trọng di tích - Anh 4

 Tan hoang vùng lõi di tích quốc gia tháp Bánh Ít

Về câu hỏi, “tại sao dỡ những viên đá cổ tại di tích tháp Bánh Ít sau đó được chủ đầu tư tận dụng xây dựng lại?”, ông Chánh lý giải: “Đấy là những viên đá được lấy lên từ con đường nội bộ phía Tây Nam trong đồi di tích tháp Bánh Ít mà chúng tôi đang làm”. Ông Chánh cũng khảng khái: “Chỉ trừ khi dời bia di tích hiện trạng gần tháp Chính xuống khu vực nhà chức năng thì mới gọi là xâm hại di tích” (?!), còn việc cho máy cơ giới lên đào bới đá cổ, gạch cổ ngay tại khu vực I của di tích, sau đó tận dụng để xây kè như trên không có vấn đề gì!

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hậu, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở VHTT Bình Định) thừa nhận: “Đúng là chủ đầu tư đã sai, vì muốn có “mặt bằng đẹp” nên chủ đầu tư đã chỉ đạo cho nhà thầu thi công đem xe cơ giới lên các cụm tháp Bánh Ít để múc đất, san gạt mặt bằng”. n

 “Ngày 27.10.2021, Bộ VHTTDL có văn bản số 4014/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bình Định về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít với các nội dung: Hoàn thiện đường nội bộ phía Tây Nam; hạ giải, tháo dỡ nhà thường trực - vệ sinh cũ ở phía Đông Nam khu tháp và xây dựng nhà dịch vụ, kết hợp đón tiếp - trưng bày, thường trực - bảo vệ - khu vệ sinh; xây dựng hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe; trồng hoa giấy dọc hai bên các tuyến đường và bậc cấp chính; tháo dỡ tấm đan bê tông cốt thép tại tháp Chính, tháp Hỏa để tôn tạo sân và cảnh quan; lát đá ong kết hợp trồng cỏ tại khu vực tháp Chính, tháp Nam, tháp Cổng và tuyến đường nội bộ; di dời đường điện trung thế hiện tại đi ngang di tích, lắp đặt hệ thống âm thanh, chiếu sáng sân đường nội bộ.

Bộ VHTTDL cũng lưu ý: “Đối với cây xanh hiện có chỉ cắt tỉa cành khô, không phát quang hạ thấp tán cây. Đối với hồ sơ bổ sung bản vẽ mặt bằng tổng thể hiện trạng (chỉ rõ vị trí đường điện trung thế hiện trạng). Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành”.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc