Hà Nội thi tuyển sinh lớp 10: Thi 3 hay 4 môn?

VHO- Tới thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023. Điều này càng khiến nhiều phụ huynh, giáo viên lo âu, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đế việc ôn thi của học sinh lớp 9.

Hà Nội thi tuyển sinh lớp 10: Thi 3 hay 4 môn? - Anh 1

Thế hệ chịu 3 năm học ảnh hưởng dịch bệnh

Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (HN) thì học sinh lớp 9 của Hà Nội năm nay là thế hệ chịu đựng trọn 3 năm học bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, năm học hiện tại, học sinh học trực tuyến liên tục hơn 1 học kỳ và hiện tại nhiều học sinh đã phải quay lại học trực tuyến khi các trường học bị Covid-19 tấn công ngay sau khi mở cửa trường học.

Theo thầy Khang học sinh lớp 9 trở lại trường học trước và sau Tết nhưng tình hình dịch bệnh khiến các các trường xoay như chong chóng giữa các hình thức “on-off” nên tâm lý học sinh bất ổn, kế hoạch dạy học, ôn tập bị xáo trộn. Trước tình hình này, thầy Khang cho rằng sở GD-ĐT Hà Nội cần nắm sát thực tế để đề xuất với UBND TP Hà Nội quyết định “bỏ môn thi thứ 4”, chỉ tổ chức kỳ thi tuyển sinh với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Theo phương thức tuyển sinh được Hà Nội áp dụng năm trước, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội (với khối đại trà) sẽ thi 4 môn. Trong đó môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được chốt sớm, môn thứ 4 được lựa chọn ngẫu nhiên trong số các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Môn thứ 4 được công bố trước ngày 30-3 hàng năm.

Như vậy, học sinh lớp 9 thi 4 môn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 nhưng sẽ phải ôn tập cả 9 môn học. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều thầy, cô giáo bày tỏ nỗi lo lắng.

“Thời gian nước rút, khi trường học mở lại, giáo viên phải tranh thủ ôn tập nhiều hơn, ưu tiên thời gian nhiều hơn cho học sinh lớp 9 để củng cố kiến thức, kỹ năng bị thiếu hụt trong thời gian học trực tuyến. Nếu chỉ thi 3 môn, học sinh sẽ có thêm thời gian hiếm hoi để ôn tập tốt ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Nhưng nếu thi 4 môn, sẽ bị dàn trải ôn tập cả 9 môn nên áp lực, quá tải trong khi hiệu quả ôn tập không cao”, một giáo viên trường THCS Trưng Nhị (HN) cũng cho biết.

Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (HN) cho rằng với tình hình giáo viên, học sinh là F0 rất lớn, trường đã phải cho học sinh khối 7,8 chuyển về học trực tuyến, riêng khối 9 cố duy trì học trực tuyến nhưng rất vất vả vì lớp vẫn có nhóm học sinh phải cách ly nên giáo viên dạy “on-off” nhưng chất lượng cách dạy này không tốt, nhất là với nhóm học sinh ở nhà. Ông Hà cũng cho rằng, với tình hình hiện tại, HN điều chỉnh phương án để chỉ thi 3 môn, đỡ áp lực cho học sinh.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội)  cũng cho biết trên địa bàn quận này có những trường 50% số giáo viên, học sinh là F0. Tuyển sinh lớp 10 nên “bỏ môn thi thứ 4” là cần thiết. Vì so với các năm học trước, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với năm học này nặng nề nhất”- Bà Hằng chia sẻ.

Học sinh ngoại thành Hà Nội trở lại trường học sớm hơn khu vực nội thành, nhưng chất lượng dạy học trực tuyến trước đó lại thấp. Theo các giáo viên, nhiều học sinh học trực tuyến chỉ bằng điện thoại nên việc nắm bắt kiến thức, tương tác khá hạn chế. Tính tự giác, tự học của nhiều học sinh cũng không cao, chưa được quản lý chặt chẽ nên việc trường học đóng cửa kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học và việc ôn tập của học sinh lớp 9.

Cô Nguyễn Thị Huyền- Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết bà là một trong những hiệu trưởng muốn kiến nghị  với Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất hủy môn thi thứ 4, “Cách đây 2 năm (năm học 2020-2021), Hà Nội đã giảm môn thi thứ 4, cũng vì lý do học sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng năm sau đó quay lại áp dụng thi 4 môn, chỉ rút ngắn thời gian làm bài thi để chia sẻ với học sinh. Nhưng cả hai năm trước, học sinh lớp 9 không chịu ảnh hưởng nặng như thế hệ học sinh lớp 9 năm nay. Chưa kể nhìn cả quá trình, học sinh lớp 9 năm nay đã phải chịu ảnh hưởng COVID-19 liên tục 3 năm, trong đó nặng nề nhất là năm học hiện tại”- Cô Huyền trao đổi.

Kỳ thi sàng lọc đầu vào chỉ cần thi 3 môn

Tới thời điểm hiện tại, theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội cho biết thì sở vẫn chưa trình thành phố về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Ông Tiến cũng bác thông tin được đăng tải trên một số báo cho rằng Hà Nội quyết định “thi 4 môn” vì hiện chưa chốt việc này.

Ngoài quy định 3 hay 4 môn thi’, các vấn đề khác trong phương thức tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay,  theo một báo cáo của sở GD-ĐT Hà Nội thì về cơ bản giữ ổn định.

Dự kiến năm nay Hà Nội sẽ có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 được xét tốt nghiệp THCS. Trong số này, có khoảng 100.000 học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT. Khoảng 62%trong tổng số học sinh dự tuyển sẽ vào học các trường THPT công lập, số còn lại học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên- giáo dục nghề nghiệp, trung cấp nghề.

Năm 2021-2022, Hà Nội có điều chỉnh về nguyện vọng xét tuyển so với trước. Theo đó thí sinh có 3 nguyện vọng vào trường THPT công lập khối không chuyên. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 nằm trong khu vực tuyển sinh nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú, nguyện vọng 3 ở địa bàn bất kỳ trong 12 khu vực tuyển sinh. Trường hợp thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì sẽ được chọn khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu tính cả khối chuyên và các chương trình GD song bằng tú tài, song ngữ Tiếng Pháp…thì mỗi thí sinh có tối đa 15 nguyện vọng vào lớp 10. Nhưng học sinh chỉ được xác nhận nhập học với 1 nguyện vọng duy nhất sau khi có kết quả thi đỗ.

Lý giải về việc áp dụng phương thức thi 4 môn, lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng việc có thêm môn thi thứ 4 là để học sinh không học tủ, học lệch, góp phần hạn chế việc dạy thêm học thêm...

Bày tỏ quan điểm về phương thức thi 3 hay 4 môn, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: Hiện tại TP.HCM và nhiều địa phương vẫn duy trì phương thức thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Không lẽ chỉ Hà Nội lo “học tủ học lệch” còn các địa phương khác thì không lo. Điều thầy Khang muốn nói là việc thi thêm môn thứ 4 không phải yếu tố bắt buộc để chống “học tủ, học lệch”. Hơn nữa, từ năm học tới, học sinh lớp 10 trở lên sẽ học chương trình GD phổ thông năm 2018 theo hướng phân hoá mạnh, định hướng nghề nghiệp.

Có nghĩa kiến thức nền tảng, toàn diện học sinh cần có đã học ở 9 năm học từ lớp 1- lớp 9. Lên lớp 10, 11,12 học sinh sẽ tập trung lựa chọn những nhóm môn học gần với định hướng nghề nghiệp tương lai, chỉ có một số môn học bắt buộc như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng….

Với chương trình, yêu cầu dạy học như thế thì việc thi đầu vào lớp 10 cũng không nhất thiết phải bắt buộc học sinh ôn thi đủ 9 môn học.Hơn nữa mỗi kỳ thi có một mục tiêu, nếu là kiểm tra xét tốt nghiệp THCS thì cần thiết kiểm tra các môn đã học, nhưng để thi sàng lọc, đạt yêu cầu tuyển chọn thì chỉ cần thi 3 môn là đủ.

Nên không chỉ vì Covid-19 gây khó khăn mà cả khi trong trạng thái bình thường, Hà Nội vẫn nên xem xét điều chỉnh phương thức tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là những môn học mang tính phương tiện bắt buộc.

Có cùng quan điểm,thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm: Thi 3 môn, mục tiêu của kỳ thi vẫn đảm bảo mà giảm áp lực cho cả học sinh và các nhà trường.

Nhiều hiệu trưởng các trường THCS mong muốn Hà Nội sớm chốt phương án thi chính thức để các nhà trường có hướng triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 trong thời gian tới.

KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc