Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đề xuất gia hạn miễn thị thực đơn phương cho công dân 5 nước Tây Âu

Thứ Năm 10/03/2022 | 22:10 GMT+7

VHO- Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vừa trình bày về thực trạng chính sách thị thực của Việt Nam hiện nay và kiến nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề xuất với Chính phủ một số giải pháp nhằm cải thiện chính sách thị thực.

TAB đề xuất cần thực hiện gấp trước ngày 15.3 việc gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho công dân 5 nước Tây Âu

Theo TAB, chính sách thị thực là một trong những vấn đề quan trọng và mang tính chiến lược liên quan tới việc mở cửa du lịch quốc tế. Việc cải thiện chính sách thị thực sẽ giúp ngành Du lịch có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu không chỉ đón được 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022 mà còn đạt được và vượt chỉ tiêu đặt ra vào năm 2025.

TAB vừa thực hiện một nghiên cứu nhanh về chính sách thị thực của Việt Nam hiện nay. Mục tiêu của nghiên cứu là để xem xét về thực trạng vấn đề cạnh tranh của các quốc gia trong việc thu hút số lượt khách quốc tế đến. Qua nghiên cứu này, có thể thấy chính sách thị thực hiện tại và các vấn đề đặt ra.

Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam (tháng 1.2020) chính sách miễn thị thực được áp dụng cho cả khách mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông gồm 88 nước miễn thị thực song phương và 13 nước miễn đơn phương. Do phần lớn khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông, vì vậy chính sách miễn thị thực của Việt Nam trước tháng 1.2020 dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ được tính là đã áp dụng cho 24 nước, bao gồm 13 nước được miễn thị thực đơn phương và 11 nước được miễn thị thực song phương.

Trong số này, tính đến ngày 30.6.2021 có 5 nước (bao gồm Vương quốc Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Italia, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Tây Ban Nha) là các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam đã hết thời hạn miễn thị thực vào Việt Nam.

Như vậy với kiến nghị của Bộ VHTTDL trình Chính phủ là “áp dụng các chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện từ trước năm 2020” thì hiện chỉ còn 19 nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam ngay. TAB nhận định rằng nhóm 5 nước nêu trên cần có thêm Nghị quyết “gia hạn thị thực” từ Chính phủ thì chính sách miễn thị thực mới tương đương với trước dịch.

Ngoài ra, có 8 nước khác sẽ hết thời hạn miễn thị thực vào ngày 30.12.2022, bao gồm các nước là thị trường trọng điểm của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và một số nước Bắc Âu.

Đề xuất mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho công dân các quốc gia Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ

Trước năm 2020 Việt Nam cũng đã áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Tuy nhiên trong số các nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam thì vẫn còn một số quốc gia, vùng lãnh thổ vừa không được áp dụng chính sách miễn thị thực, vừa không được áp dụng cấp thị thực điện tử như: Đài Loan, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina… Hiện tại, tính đến ngày 24.2.2022, trang web đăng ký thị thực điện tử (https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn) đang tạm thời dừng phục vụ với thông báo “Tạm dừng giải quyết cấp thị thực điện tử đối với người nước ngoài đến từ hoặc đi qua vùng có dịch Covid- 19”.

Trong khi đó, nhu cầu, xu hướng và thông lệ quốc tế, tác động tích cực của chính sách thị thực khá rõ ràng. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã khẳng định chính sách thuận lợi cho thị thực nhập cảnh làm tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 5-25% mỗi năm. Đặc biệt, chính sách miễn thị thực du lịch làm tăng 16,6% nhu cầu đi lại, làm tăng số việc làm trực tiếp trong ngành du lịch thêm 1,6% - 3,1%.

Nghiên cứu của TAB về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Bắc Âu cho thấy: Số lượt khách quốc tế trung bình từ các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý tăng gần 20%. So với các nước ASEAN khác thì tác động của việc miễn thị thực nhập cảnh đơn phương của Việt Nam là tích cực hơn, làm tăng số khách du lịch quốc tế đến, doanh thu từ du lịch gia tăng cao hơn nhiều lần sự giảm thu do miễn phí visa, tạo thêm nhiều việc làm trong ngành Du lịch.

Bên cạnh đó, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách tạo thuận lợi về thị thực như: Thái Lan đang áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn cho trên 70 quốc gia, Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia… Đặc biệt, các nước áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến nước đó.

Theo khảo sát gần đây của các quốc gia châu Âu, sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, nhu cầu đi du lịch đường dài của khách du lịch Anh, Pháp, Đức thường trên 15 ngày tại một quốc gia điểm đến.

TAB cũng đã có nghiên cứu về mức chi tiêu bình quân trên đầu người của khách du lịch Tây Âu tại Việt Nam là khoảng 1.200 - 1.400 USD so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch từ các thị trường gần là khoảng 700 - 1.000 USD.

Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho các thị trường xa, có nhiều khách du lịch hơn đến Việt Nam và có mức chi tiêu bình quân cao hơn trong tour du lịch ở nước ta, TAB đề nghị kéo dài thời hạn tạm trú của công dân các nước này tại Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, đồng thời mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ.

Dựa trên phân tích thực trạng về chính sách, vấn đề đặt ra và thông lệ quốc tế về việc áp dụng chế độ miễn thị thực cho khách du lịch, nhằm hỗ trợ cho ngành Du lịch hồi phục và phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19, TAB xin đề nghị Bộ VHTTDL có một số đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Theo TAB, cần thực hiện gấp trước ngày 15.3 việc gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Italia, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Tây Ban Nha. Đồng thời, cho phép công dân của 5 quốc gia Tây Âu nói trên kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên nhanh chóng mở trang web về xuất nhập cảnh Việt Nam mà không đợi đến ngày 15.3 để khách có thể đăng ký thị thực điện tử ngay.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện chính sách thị thực của Việt Nam bao gồm: Mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho công dân các quốc gia Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ. Gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương từ ngày 1.1.2023 cho công dân các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Belarus.

Bổ sung danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử như: Đài Loan, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan và tất cả các quốc gia châu Âu chưa được miễn thị thực nhập cảnh.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá quốc tế về quyết định mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng như các “điểm nhấn chính sách” để thu hút du khách, bao gồm các chính sách về miễn thị thực, thị thực điện tử.

UNWTO đã nhấn mạnh tác động của chính sách miễn thị thực đối với phát triển du lịch, thương mại và kinh tế nói chung của các quốc gia trong báo cáo Mức độ mở của các quốc gia và khu vực. TAB tin tưởng rằng với chính sách thị thực cởi mở sau bối cảnh đại dịch Việt Nam sẽ được đánh giá rất tích cực từ quốc tế về năng lực cạnh tranh du lịch trong khu vực và trên thế giới.

TAB cũng cam kết, trong trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ các chính sách cởi mở về thị thực để tạo cú hích cho ngành Du lịch sau đại dịch, các doanh nghiệp thành viên TAB cùng các đối tác chiến lược sẽ ưu tiên nguồn lực để cùng Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, chiến dịch quảng bá Du lịch Việt Nam ra quốc tế.

NGUYỄN HỒNG HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top