Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ngạc nhiên với cảnh quan đền Kiếp Bạc

Thứ Sáu 11/03/2022 | 10:00 GMT+7

VHO- Chỉ trong vòng hơn hai tuần, cảnh quan trước trục "thần đạo" đền Kiếp Bạc đã trở nên khang trang, sạch đẹp tựa như một không gian công viên ngập tràn cây xanh, cờ ngũ sắc. Có mặt nơi đây vào những ngày này, ai cũng phải ngạc nhiên, trầm trồ…

Trục “thần đạo” trước cổng đền Kiếp Bạc đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp

 Không trầm trồ sao được khi trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần chưa lâu, hai bên trục "thần đạo" trước đền Kiếp Bạc (thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh, Hải Dương) dẫn ra đê bến sông Thương, từng dãy ki ốt lụp xụp gây nhức mắt khiến cho cảnh quan, không gian nơi đây trở nên xập xệ, xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự và cháy nổ. Tính trang nghiêm của ngôi đền linh thiêng này bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Có thể nói đây là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh và Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc rất quan tâm, nhưng trong suốt thời gian dài vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm. Vẫn biết người dân dựng ki ốt bán hàng ăn, đồ tế lễ cũng là phục vụ du khách, tăng thêm nguồn thu nhập, tuy nhiên hàng quán ngày càng lấn chiếm, lộn xộn, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan và môi trường sinh thái nơi cửa đền. Đã trải qua không biết mấy mùa lễ hội, cảnh tượng này cứ đập vào mắt du khách khiến ai nấy cũng phải phản ứng bằng cách góp ý với chính quyền và Ban quản lý di tích. Những tưởng vấn đề gây bức xúc trong hơn chục năm qua khó lòng có thể cải thiện, trả lại mặt bằng, không gian, cảnh quan cho di tích, nào ngờ…

Hai bên đường trồng nhiều cây xanh và tiểu cảnh

Chị Vũ Thị Oanh (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, dường như năm nào cũng đến tham quan, chiêm bái di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhưng lần này trong lòng cảm thấy vui sướng vì cảnh quan trước cổng đền Kiếp Bạc thật khang trang, có cảm tưởng đang lạc vào một không gian cây xanh, vườn hoa, cờ phướn. “Chắc chắn ai đã từng đến đây sẽ cảm thấy ngạc nhiên lắm khi được chứng kiến hình ảnh này. Tôi hy vọng chính quyền và cơ quan chức năng cần bảo vệ và phát huy hơn nữa để cho nơi này tương xứng với tầm vóc, giá trị của di tích quốc gia đặc biệt”, chị Oanh chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, cảnh tượng hàng dãy ki ốt, hàng quán “mọc” nhan nhản và tiến sát đến cửa đền là câu chuyện được chính quyền các cấp và cơ quan chức năng quan tâm, trăn trở trong nhiều năm qua. Chính quyền xã và TP Chí Linh đã nhiều lần ra quân tuyên truyền, thậm chí có biện pháp cứng rắn, nhưng người dân vẫn chưa thuận, tuân theo.

Đầu năm 2022, thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc tích cực của chính quyền từ xã đến thành phố và Ban quản lý di tích, nhất là tìm sự đồng thuận của người dân trong việc giải tỏa 65 ki ốt đã được tiến hành. “Phải nói rằng, chính quyền đã “đến từng ngõ, gõ đến từng nhà” để tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đi kèm với đó là toàn bộ chi phí cho việc di dời hàng quán bao gồm lắp đặt 65 ki ốt ra khu vực ven hồ phía Nam, lắp dựng biển bảng, điện nước, người dân kinh doanh dịch vụ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đều được hỗ trợ. Nguồn hỗ trợ này được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa”, bà Liên cho hay. Được biết nguồn kinh phí xã hội hóa cũng đã lên đến mấy tỉ đồng. Sau hơn hai tuần, việc giải tỏa các ki ốt đã hoàn thành. Bằng hình thức “cuốn chiếu”, giải tỏa đến đâu, Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã huy động cán bộ, nhân viên cùng người dân dọn dẹp, cải tạo, trồng cây, làm vườn hoa, đắp cỏ…

Hàng quán đã được quy hoạch, sắp xếp gọn gàng hơn

Dãy ki ốt trước khi giải tỏa

Để tạo cho không gian, cảnh quan trở nên ấn tượng, bắt mắt, hai bên trục "thần đạo", Ban quản lý di tích đã “quy hoạch” lại làm thành vườn hoa, trồng cây “cách điệu” thành các con số nhằm làm du khách lưu nhớ các ngày lễ trọng như ngày mất của Thân phụ, Thân mẫu của Đức Thánh Trần (ngày 1.4 và 1.6 âm lịch); ngày mất của Đức Thánh Trần (20.8 âm lịch) và Nguyên Từ Quốc mẫu phu nhân của Hưng Đạo Vương (28.9 âm lịch). Ven bên hồ lắp dựng cầu, ghế đá cho du khách nghỉ ngơi sau hành lễ.

“Việc di dời hàng quán, dịch vụ về khu vực quy hoạch như hiện nay đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản quý báu của “Thánh địa Kiếp Bạc”. Đây cũng là hoạt động chuẩn bị cho việc đầu tư, xây dựng các công trình tu bổ đường "thần đạo", kè hồ; xây dựng sân lễ hội, tổ chức giao thông, nâng cấp bến bãi, dịch vụ và cải tạo cây xanh khu di tích..., góp phần trang hoàng cảnh quan khu di tích xứng đáng là di sản quốc gia đặc biệt”, Trưởng ban quản lý di tích cho biết. 

 Phải nói rằng, chính quyền đã “đến từng ngõ, gõ đến từng người” để tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đi kèm với đó là toàn bộ chi phí cho việc di dời hàng quán bao gồm lắp đặt 65 ki ốt ra khu vực ven hồ phía Nam, lắp dựng biển bảng, điện nước, người dân kinh doanh dịch vụ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đều được hỗ trợ. Nguồn hỗ trợ này được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa.

(Bà NGUYỄN THỊ THÙY LIÊN, Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc)

 

 LÂM SƠN; ảnh: VŨ HIỆP

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top