Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh làm nền tảng phát triển văn hóa

Thứ Sáu 11/03/2022 | 11:07 GMT+7

VHO-  Môi trường văn hóa cơ sở là một tổng thể các giá trị văn hóa, thiết chế và cảnh quan văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa,... giúp hình thành nên văn hóa cá nhân, cộng đồng ở cơ sở. Vì vậy, môi trường văn hóa được xem như thiên nhiên thứ hai, là vườn ươm tạo nên nhân cách văn hóa của con người từ chính mỗi cộng đồng.

Từ xa xưa, ông cha ta luôn xem trọng môi trường xung quanh trong việc xây dựng nhân cách con người. Những câu tục ngữ như:

 Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài hay Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng cho thấy ý nghĩa của môi trường văn hóa xung quanh chúng ta có ảnh hưởng quan trọng đến mỗi người như thế nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24.11.1946) đã khẳng định rằng để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên và rất quan trọng là phải thường xuyên quan tâm xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa. Người nhấn mạnh: Lối sống văn hóa được thể hiện trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày như ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc...; còn môi trường văn hóa là những điều kiện xung quanh để tạo nên lối sống văn hóa đó. Trong môi trường văn hóa có môi trường văn hóa xã hội, môi trường văn hóa cộng đồng, môi trường văn hóa gia đình.

Môi trường văn hóa là nơi lưu giữ các giá trị, chuẩn mực để giúp con người tự hoàn thiện bản thân, để phát triển và phát huy những năng lực bẩm sinh hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Xây dựng môi trường văn hóa là hình thành những giá trị, chuẩn mực cụ thể trong từng lĩnh vực cuộc sống mà mỗi con người phải trải qua: đó là gia đình, nhà trường, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị công tác. Bối cảnh xã hội hiện nay, phát triển đất nước không thể thiếu những con người phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, giàu tinh thần yêu nước, trong sáng, lối sống trong sạch,… Những con người như thế chỉ có thể hình thành trong môi trường văn hóa lành mạnh. Đó chính là lý do tại sao, xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở trở nên vô cùng quan trọng, tạo nền tảng phát triển văn hóa cho đất nước. Khi chúng ta có môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh, văn hóa sẽ trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển chung của xã hội, đạo đức, nhân cách cho mỗi cá nhân. Ở đó, môi trường văn hóa lành mạnh sẽ giúp những hành vi đẹp, hành động tốt dễ đơm hoa, kết trái, đồng thời tạo ra sức đề kháng để những hành vi xấu, cái ác bị lên án, không thể tồn tại.

Trong thời gian vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành và để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội thì chúng ta cũng được thấy nhiều nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ nhân ái của nhân dân ta. Những ATM gạo, khẩu trang 0 đồng, hình ảnh cảm động từ đội ngũ nhân viên y tế, những người tuyến đầu chống dịch,... chỉ có thể hình thành trong một môi trường văn hóa thấm đẫm tinh thần nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, yêu thương của những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Dù vậy, cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, môi trường văn hóa nói chung, ở cơ sở nói riêng hiện đang gặp rất nhiều vấn đề. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”. Hiện nay, những biểu hiện không mong muốn về sự xuống cấp đạo đức, sự băng hoại về lối sống, sự tha hóa về nhân cách đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội. Nhiều vấn đề đáng báo động đang nảy sinh trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng, văn hóa ứng xử trên môi trường mạng… Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc xem xét, đánh giá lại thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa hiện nay để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời về mặt luật pháp, cũng như tìm ra các giải pháp, đối sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng môi trường văn hóa ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Xem xét mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng văn hóa và phát triển con người, theo đó, văn hóa là sản phẩm của con người, đồng thời con người là sản phẩm của văn hóa, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương Khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW), Đảng ta nhấn mạnh xây dựng môi trường văn hóa là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt nhiệm vụ: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Chúng ta hy vọng rằng, cùng với sự quyết tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong việc lựa chọn đúng đắn xây dựng môi trường văn hóa cơ sở như là một nhiệm vụ đột phá trong năm 2022, sẽ giúp môi trường văn hóa trở thành nền tảng cho phát triển văn hóa từ chính hạt nhân của văn hóa - là cơ sở, cộng đồng - bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ. 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top