Vở “Cõi tằm”: Cách tiếp cận mới tạo nhiều cảm xúc ấn tượng cho khán giả

VHO - Sân khấu Thế giới Trẻ mới đây giới thiệu tác phẩm kịch Cõi tằm, vở diễn tốt nghiệp của Trần Thanh Huy (Huy Trần) - Đạo diễn sân khấu khóa 4 Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

Vở “Cõi tằm”: Cách tiếp cận mới tạo nhiều cảm xúc ấn tượng cho khán giả - Anh 1

Cõi tằm với cách tiếp cận mới đã tạo nhiều thiện cảm cho khán giả

Bản dựng mới của sinh viên từ tác phẩm của nhà biên kịch Lê Duy Hạnh dù chưa thật sự hoàn hảo nhưng đã ghi điểm trong lòng khán giả. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt đã chứng tỏ sức sống của một tác phẩm mang hơi thở thời đại, cũng như dành sự cổ vũ mạnh mẽ cho ê kíp nghệ sĩ trẻ có thêm niềm tin với con đường nghệ thuật mình đang chọn.

Vở kịch chính luận thể nghiệm Cõi tằm là câu chuyện của người nghệ sĩ trẻ khao khát giữ nghề, luôn mơ ước sân khấu được sống lại thời hoàng kim để người nghệ sĩ có thể hóa thân trên sàn diễn, mang lời ca tiếng hát phục vụ khán giả. Lồng trong câu chuyện tình yêu với sân khấu, về các vai diễn trong tuồng tích xưa mà gửi gắm thông điệp hôm nay. Đó là câu chuyện giữa trung và nịnh, giữa tốt và xấu, giữa chính và tà,… qua màn đối thoại mà cũng là độc thoại của diễn viên trên sân khấu. Đây chính là nét độc đáo trong tác phẩm của Lê Duy Hạnh, qua hàng chục năm vẫn có sức sống, tạo cảm hứng cho nhiều đạo diễn dàn dựng mới.

Vở “Cõi tằm”: Cách tiếp cận mới tạo nhiều cảm xúc ấn tượng cho khán giả - Anh 2

Nghệ sĩ trẻ Hoàng Tấn hóa thân cùng lúc nhiều nhân vật

Có thể nói, Cõi tằm với cách tiếp cận của Huy Trần đã không làm khán giả thất vọng. Đặc biệt là phần diễn xuất của đạo diễn - diễn viên Hoàng Tấn (Nhà hát Kịch TP.HCM), nghệ sĩ trẻ này đã diễn tròn vai, thoát khỏi những hình tượng nhân vật trước đây và thể hiện được thông điệp mà vở diễn.

Giới nghệ sĩ thường có câu, đỉnh cao của diễn xuất là độc thoại. Một diễn viên có thể độc diễn nhưng vẫn đưa khán giả từ cảm xúc này tới cảm xúc khác, từ nhân vật này đến nhân vật khác. Trên sân khấu lúc này, nghệ sĩ phải hóa thân chỉ trong phút chốc, vì thế mà không được quên thoại, phải tự tạo cảm xúc cho mình để thể hiện vai diễn... Được biết, trước đó, NSND Bạch Tuyết là người diễn đầu tiên và đã rất thành công vai diễn này. Sau “Cải lương chi bảo”, các bản dựng dựa trên tác phẩm Diễn kịch một mình của Lê Duy Hạnh đều để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả mộ điệu.

Vở “Cõi tằm”: Cách tiếp cận mới tạo nhiều cảm xúc ấn tượng cho khán giả - Anh 3

Trong Cõi tằm, Hoàng Tấn trong vai một thần dân, đặt hàng loạt câu hỏi chất vấn các vị vua, trung thần và nịnh thần. Và cứ thế, Tấn lại hóa thân thành vua và hai vị quan để đối thoại với các nhân vật còn lại, lúc này là những đồ vật tượng trưng như chiếc áo, ngai vàng, mão vua… để nói về lẽ phải - trái ở đời, cách ứng xử của một vị lãnh đạo trong triều đình phong kiến xưa để ngẫm chuyện nay.

Vở “Cõi tằm”: Cách tiếp cận mới tạo nhiều cảm xúc ấn tượng cho khán giả - Anh 4

Thành công của vở diễn còn ở điểm đặc trưng của một sân khấu quay và phần cảnh trí mang tính tượng trưng, ước lệ. Đó là một rạp hát đã cũ với phục trang và đạo cụ sân khấu, và đây cũng chính là nơi nhà vua lâm triều để bàn chuyện quốc sự cùng các vị quan. Vở diễn đã cuốn hút người xem qua những màu sắc của nghệ thuật sân khấu truyền thống, từ Cải lương tuồng cổ cho đến Hát Bội. Âm nhạc cũng được pha trộn giữa chất liệu dân tộc và đương đại, sử dụng đàn Organ và kèn lá thổi trực tiếp gây cảm xúc mạnh cho người xem. Vở còn đưa vào múa LED để tạo sự thú vị đồng thời làm rõ hơn thông điệp của tác phẩm.

Vở “Cõi tằm”: Cách tiếp cận mới tạo nhiều cảm xúc ấn tượng cho khán giả - Anh 5

Huy Trần trong một lớp diễn ở đầu vở

Huy Trần chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi em dựng vở này là vì vở đã có rất nhiều bản dựng thành công. Vì thế em đã rất nỗ lực làm mới vở diễn để không lặp lại các nghệ sĩ đi trước, đồng thời không làm sai nguyên tác và đặc biệt là gửi gắm vào đó những vấn đề thời sự”. Theo Huy Trần, đây là vở em dự kiến diễn tốt nghiệp vào tháng 5.2021, nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên gần một năm sau mới công diễn được. 

Trong Cõi tằm, thông qua thoại của nhân vật chính, thay cho ê kíp để dành phút tưởng niệm đến các nghệ sĩ đã ra đi vì dịch bệnh: “Ngày hôm nay, ta rất may mắn khi được đứng trên sân khấu, được tắm mình dưới ánh đèn của sân khấu. Trong hai năm vừa qua, nền sân khấu của chúng ta mất mát rất nhiều, có những bậc nghệ sĩ gạo cội ra đi. Tôi tin chắc rằng trong trái tim của chúng ta luôn bày tỏ sự tiếc thương vô hạn. Và trong giờ phút này đây, chúng ta dành sự lắng đọng để tưởng nhớ đến những nghệ sĩ đã khuất”.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc