Thông điệp, quyết tâm của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

VHO-Ngày mai 14.3, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nghệ An trang trọng tổ chức Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.

Trên quê hương của Bác Hồ kính yêu, nơi mỗi góc nhỏ đều in dấu những giá trị thiêng liêng, lời hứa của đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL với Người càng trở nên ý nghĩa.

Nhiệm vụ sống còn để chấn hưng văn hóa

Nhìn lại năm 2021, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã tập trung triển khai chủ đề công tác “Năm xây dựng thể chế, chính sách”, tạo nền tảng cho quá trình đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” theo tinh thần “kiến tạo” thông qua các công cụ pháp luật. Công tác phối hợp với các Ban, bộ, ngành Trung ương, với các địa phương được chú trọng hơn, triển khai thực hiện một cách thực chất. 

Thông điệp, quyết tâm của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 1

Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, nơi diễn ra Lễ phát động. Ảnh: T.L

Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc bước đầu tiếp tục được phát huy, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng từ “sức mạnh mềm” của văn hóa. Các hoạt động thể thao, du lịch nội địa, thí điểm mở lại thị trường khách quốc tế từng bước được khôi phục, phát triển phù hợp với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhiều lần khẳng định, xác định đúng và trúng chủ đề công tác của từng năm, toàn ngành sẽ khơi thông điểm “nghẽn”, nhân lên sức mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Trong năm 2022, gắn với việc tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, toàn ngành cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Trên tinh thần đó, Bộ lựa chọn chủ đề công tác năm là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.

 Xây dựng môi trường văn hóa phải tạo ra được sản phẩm là hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa…, cùng với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Ngành bởi lẽ, muốn xây dựng, phát triển văn hóa, trước hết phải có những con người văn hóa, đồng thời, sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa, bằng văn hóa. Môi trường văn hóa là khái niệm rất rộng, vì vậy, cần tiếp cận theo hướng làm điểm để nhân rộng. Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở sẽ tạo “địa bàn tác nghiệp” cho đội ngũ cán bộ văn hóa; những khu phố, làng, thôn, bản, ấp sẽ là những “điểm đến” đầy ắp chất liệu cuộc sống để từ đó, ngành văn hóa tiếp cận gần nhất, sát thực tiễn nhất, tìm ra những điểm “nghẽn” để khơi thông và đặc biệt, tiếp tục chuyển đổi tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa". 

Thực chất, có chiều sâu và nói không với “bệnh thành tích”, việc triển khai nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở cũng đứng trước yêu cầu không được rập khuôn, theo một mẫu hình định sẵn. Môi trường văn hóa ở mỗi vùng, miền phải giữ gìn và phát huy được những giá trị bản sắc, hồn cốt truyền thống, khẳng định sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Xác định xây dựng môi trường văn hóa nói chung, môi trường văn hóa cơ sở nói riêng là một nhiệm vụ cấp bách, chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL đã được sự đồng thuận, quan tâm từ lãnh đạo các cấp, các địa phương, các nhà quản lý văn hóa, giới nghiên cứu, chuyên gia và đặc biệt là quần chúng nhân dân, chủ nhân của những môi trường văn hóa, đối tượng thụ hưởng những giá trị văn hóa. 

Nhiều ý kiến nhận định, môi trường văn hóa ở nước ta rất đa dạng, nhiều loại hình, yếu tố cấu thành, biến đổi theo thời gian, tác động qua lại với môi trường sinh thái, kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ lý luận đến thực tiễn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Những thách thức của thời đại mới cũng chính là bài toán cần tìm lời giải, để những môi trường văn hóa được xây dựng từ cơ sở chính là nền tảng, sâu rễ bền gốc nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, để văn hóa trở thành những nhân tố bồi đắp các giá trị Chân- Thiện- Mỹ.  Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, cần phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa…

Công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt”

Chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL khẳng định thông điệp, tinh thần đoàn kết quyết tâm cao nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Thông điệp, quyết tâm của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 2

Nhà Văn hóa xóm 6, xã Nam Giang, mô hình tiêu biểu trên địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Ngân

Cùng với xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, ngành VHTTDL chọn chủ đề trọng tâm về công tác tổ chức cán bộ, nhiệm vụ then chốt của then chốt. Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành hay bại do cán bộ tốt hay xấu mà nên”. Xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành VHTTDL bởi vậy luôn được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên. Triển khai chủ đề này, Bộ VHTTDL xác định các nhiệm vụ chủ yếu: Thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; các chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức cán bộ. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Đảng, Nhà nước thuộc phạm vi quản lý Ngành VHTTDL.

Kiện toàn tổ chức bộ máy Ngành VHTTDL theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng và khát vọng cống hiến. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực quản lý, nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng đội ngũ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

“Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tổng Bí thư yêu cầu sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả Trung ương và địa phương. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa…

Để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về công tác tổ chức cán bộ, Bộ VHTTD đã xác định nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, một giải pháp trọng tâm là nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; đổi mới phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo, trách nhiệm; phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo để cán bộ, công chức, viên chức phát huy vai trò dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21.6.2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, chủ đề công tác năm là thông điệp quan trọng, là quyết tâm của ngành VHTTDL để thực hiện cho được mục tiêu “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc