Sốt ruột chờ thông tin mới về miễn visa và cách ly với khách du lịch quốc tế

VHO- "Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có những thông tin cụ thể về việc cấp visa và thời hạn cách ly cho khách quốc tế tới Việt Nam. Chúng tôi vô cùng sốt ruột. Đây vẫn là những khó khăn cho các doanh nghiệp khi thời điểm mở cửa du lịch trong tình hình mới vào ngày 15.3 đang kề cận. Có nguy cơ Việt Nam mở cửa mà không có khách”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group phát biểu tại Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây.

Sốt ruột chờ thông tin mới về miễn visa và cách ly với khách du lịch quốc tế - Anh 1

Cần chính sách visa thông thoáng, thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Doanh nghiệp vẫn loay hoay vì phải chờ phương án cuối cùng

Ông Phạm Hà đặt vấn đề: Sau khi Việt Nam mở cửa vào ngày 15.3, tiếp theo là gì? Chúng ta phải làm những gì để kéo khách tới Việt Nam? Du lịch Việt Nam đang có nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực… để thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn đang loay hoay trong câu chuyện định vị thương hiệu trong mắt du khách quốc tế và chưa có điểm mạnh để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Mặt khác, ông Hà kiến nghị, Tổng cục Du lịch có thể xem xét làm mới lại bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia để mang lại thông điệp mới mẻ hơn đến khách quốc tế để góp phần định vị thương hiệu du lịch Việt một cách bền vững hơn, đặc biệt cần nhấn vào yếu tố di sản văn hóa và ẩm thực. “Việt Nam cũng cần có chiến dịch để thu hút phân khúc khách du lịch cao cấp hơn để nâng tầm Việt Nam trở thành điểm đến chất lượng và cao cấp hơn”, ông Phạm Hà đề xuất.

Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cũng cho rằng, mặc dù đang gần tới thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa lại vào ngày 15.3, tuy nhiên cho đến hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức nào liên quan đến hướng dẫn cách ly y tế cũng như áp dụng trở lại chính sách miễn thị thực. Tất cả vẫn chỉ là những thông tin đề xuất của các Bộ, ngành. Vì thế, các doanh nghiệp vẫn loay hoay và chưa có các thỏa thuận các điều khoản cụ thể đối với khách.

Ông Duy cũng cho rằng, với du lịch quốc tế, sau khi mở cửa cần phải có thời gian thực hiện các khâu như công tác thị trường, xúc tiến quảng bá điểm đến Việt Nam sau dịch… Trong suốt thời gian đại dịch, Vietravel vẫn thường xuyên thông tin với các đối tác nước ngoài về chủ trương chính sách, công tác phòng chống dịch của Việt Nam; kết hợp với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để có những buổi trao đổi trực tuyến cập nhật thông tin.

Tuy nhiên, trong khi hiện nay các nước xung quanh đã có những thông tin hướng dẫn cho các doanh nghiệp về việc mở lại du lịch đều dễ hiểu, dễ thực hiện. Việt Nam cũng cần có sự minh bạch và rõ ràng về thông tin để doanh nghiệp và du khách thực hiện.

Sốt ruột chờ thông tin mới về miễn visa và cách ly với khách du lịch quốc tế - Anh 2

Quá khắt khe về các điều kiện cách ly, test Covid có thể sẽ khiến khách du lịch không chọn điểm đến Việt Nam

Trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, các cơ quan quản lý, ban ngành cũng đã nhận ra tầm quan trọng của du lịch nội địa nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, vai trò của du lịch nội địa chỉ được quan tâm khi du lịch quốc tế gặp khủng hoảng. Chính vì vậy, ông Duy đề nghị các cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn và có chiến lược phát triển du lịch nội địa bền vững hơn để chống chọi với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Mở bây giờ không còn sớm nữa

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng,   một số quốc gia là đối thủ cạnh tranh trong khu vực của chúng ta đã mở cửa sớm hơn như Thái Lan, Singapore, Indonesia... Việc mở cửa với chủ trương “Test and Go” của Thái Lan chỉ cần có xét nghiệm là có thể đi du lịch một cách tự do, mà không cần điều kiện ràng buộc gì đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để thu hút khách quốc tế trở lại. Hay tại Singapore đã mở các hành lang du lịch cho du khách, họ đã mở trước chúng ta trong mấy tháng vừa qua và trong quá trình thực hiện đó đã đón xấp xỉ 500.000 khách quốc tế đến trong điều kiện thực hiện việc tiêm vắc xin cũng như xét nghiệm và không có thêm các ràng buộc gì thêm trong quá trình du lịch. Philippines, Indonesia, thậm chí cả Campuchia cũng đã tiến hành mở cửa du lịch.

“Cho nên thời điểm mở cửa của Việt Nam hiện nay là không hề sớm, chúng ta đã thực hiện thí điểm với điều kiện khắt khe, với điều kiện kiểm soát y tế quá chặt chẽ, cộng với việc chưa thực hiện chính sách mở cửa lại visa, thì việc thực hiện thí điểm vừa qua mới đón được lượng khách rất khiêm tốn là khoảng 9.000 khách trong mấy tháng, như vậy là chưa thành công so với đối thủ cạnh tranh”, ông Tuấn nói.

“Cần phải làm rõ nguyên nhân là vì sao, để qua đó chúng ta thấy rằng, với chủ trương của Chính phủ đã cho mở cửa hoàn toàn, thì từ bài học thí điểm phải rút ra kinh nghiệm và những gì là nút thắt, rào cản và các bộ ngành cần chung tay với Bộ VHTTDL tháo gỡ, kiến nghị để có phương án mở cửa an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai và thu hút khách tới Việt Nam”, ông Tuấn đề xuất.

Không chỉ trong khu vực, các nước châu Âu cũng đã mở cửa rất sớm, có chính sách thông thoáng, đi lại trong khối, họ cũng chỉ quy định là đã có thẻ xanh Covid, đã tiêm vắc xin đầy đủ là được tự do đi lại mà không có điều kiện gì. Họ cũng đã mở cho tất cả các khách du lịch ở ngoài khối, trên toàn thế giới đều có thể tới với châu Âu với điều kiện đã tiêm vắc xin. Vì thế, không có lý gì mà Việt Nam không mở cửa hoàn toàn.

Sốt ruột chờ thông tin mới về miễn visa và cách ly với khách du lịch quốc tế - Anh 3

Đoàn các doanh nghiệp du lịch khởi hành ngày 13.3 đến Sri Lanka khảo sát xây dựng sản phẩm mới, hợp tác trao đổi khách quốc tế

Liên quan đến chủ trương chính sách xây dựng “luồng xanh” cho du lịch, ông Đỗ Ngọc Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) bày tỏ mong muốn Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành liên quan ủng hộ tạo điều kiện một cách tốt nhất cho các doanh nghiệp du lịch triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới, để thực sự tạo cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn mới trên thị trường, tạo nên hình ảnh điểm đến mới, sẵn sàng chào đón du khách. Qua đó, chúng ta mới nâng cao được khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Hiện nay, các công việc chuẩn bị triển khai mở cửa như đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, quảng bá điểm đến, xúc tiến sản phẩm, liên kết, hợp tác… đã được tiến hành nhằm đảm bảo khi mở cửa lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều sẵn sàng đưa ra các sản phẩm phù hợp với xu hướng, nhu cầu và tình hình mới”.

Ngành Du lịch đã có soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch làm sao đảm bảo việc an toàn phòng chống dịch nhưng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và du khách. Đồng thời áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo an toàn khoa học và hiệu quả.

“Chúng tôi biết Bộ Y tế đã soạn thảo các văn bản thay thế quy định cũ, liên quan tới khách nhập cảnh, các điều kiện chống dịch… Mong rằng trong điều kiện hiện nay, Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để ngành Du lịch có thể áp dụng khi mở cửa trở lại”, ông Phương cho biết.

Bộ Ngoại giao cũng đã đề xuất các phương án về thị thực nhập cảnh, Bộ Công an cũng đồng thuận tháo gỡ bỏ, tháo giỡ các khó khăn cho ngành du lịch, dừng các biện pháp hạn chế. Với tình hình hiện nay, rất cần tháo gỡ rào cản về thị thực tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Đặc biệt, khi thực hiện mở cửa hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới, ông Phương cho rằng, cần sự vào cuộc của các cơ quan trung ương địa phương, các bộ ngành và cơ quan chuyên môn, của cả cộng đồng du lịch bởi đại dịch suốt hơn 2 năm qua không chỉ khó khăn của du lịch Việt Nam mà của cả ngành Du lịch thế giới.

Sốt ruột chờ thông tin mới về miễn visa và cách ly với khách du lịch quốc tế - Anh 4

Tập trung nhiều hơn cho thị trường nội địa khi du lịch quốc tế chưa thể phục hồi ngay

“Các vấn đề về thị trường, xu hướng du khách, nhu cầu và quan tâm của du khách đã thay đổi về mặt sản phẩm, các phương thức tham gia du lịch… Các doanh nghiệp cũng phải nắm bắt ngay các xu thế này, để có phương án marketing phù hợp, có các sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu thay đổi của du khách”, ông Phương nhấn mạnh.

Đến nay, ngành Du lịch xác định mở lại đồng thời và đồng bộ cả các hoạt động quốc tế và nội địa. Theo đó, song song thị trường quốc tế, thị trường nội địa được xác định là trọng tâm cần được quan tâm. Vì thế, rất cần sự vào cuộc của các địa phương, tạo sự liên kết của doanh nghiệp đưa ra sản phẩm đồng bộ an toàn. Ví dụ: Sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, gắn với sức khoẻ, sản phẩm du lịch đêm, du lịch nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới hay sản phẩm du lịch y tế, y dược cổ truyền… Đây là định hướng cho các địa phương tạo ra sản phẩm mới cần nỗ lực chung.

Đại diện Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp cần thêm các chính sách hỗ trợ đào tạo, quảng bá xúc tiến. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xây dựng các bộ sản phẩm mới, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách kích cầu đồng bộ.

Khi chúng ta xác định rõ vai trò của các thành phần tham gia trong ngành, việc vào cuộc đồng bộ tạo các liên kết giữa các chủ thể sẽ tạo ra được sự hấp dẫn mới của Du lịch Việt Nam. Ngoài dịch bệnh, còn có chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng kinh tế... nên cần nhất là thống nhất trong nhận thức và đồng lòng vào cuộc, nỗ lực nhiều hơn từ mỗi người, mỗi ngành.

NGUYỄN HỒNG HÀ, ảnh HỒNG THU

Ý kiến bạn đọc