Thích ứng với việc xăng tăng giá

VHO- Trong mấy ngày qua, xăng tăng giá là chủ đề được nhiều người đặc biệt quan tâm. Những người có việc phải ra đường, còn không thì họ ở nhà hoặc sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt, xe ôm công nghệ…

Thích ứng với việc xăng tăng giá - Anh 1

 Giá xăng tăng khiến nhiều người đắn đo khi đi chợ

 Còn với những bà nội trợ, giá cả tăng theo giá xăng cũng khiến họ “nhức đầu” với tính toán chi tiêu hằng ngày.

Thận trọng khi sử dụng dịch vụ

Giá xăng tăng, nhiều tài xế đối tác và người tiêu dùng của các hãng xe công nghệ không khỏi lo lắng. Một số hãng xe công nghệ đã tăng giá khá cao để bù lại phần xăng tăng giá cho các tài xế đối tác. Theo đó, từ ngày 10.3, dịch vụ GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Giá cước GrabBike mới tại TP.HCM là 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Trước đó, Be đã tăng giá cước tại Hà Nội từ ngày 10.2. Cụ thể, cước phí 2 km đầu của dịch vụ BeBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km. Cước phí mỗi km của dịch vụ BeDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng. Dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.

Với việc tăng cước vận chuyển, nhiều người tiêu dùng tỏ ra thận trọng khi sử dụng dịch vụ. “Biết là giá xăng tăng, các hãng phải tăng cước phí để bù lại. Tuy nhiên, thu nhập của bọn mình không tăng. Tính ra một tháng nếu sử dụng xe công nghệ phải bỏ thêm ra mấy trăm nghìn đến cả triệu đồng. Đi xe máy thì chi phí tiền xăng cũng tăng tương ứng”, chị Nguyễn Thị Hoài (Hà Nội) cho biết. Cũng may, dù giá cước tăng nhưng các hãng xe công nghệ cũng có những chương trình ưu đãi cho khách hàng. Từ ngày 11 - 31.3, khách của Grap tại TP.HCM và Hà Nội được nhận mã giảm giá 20%, tối đa 50.000 đồng cho 10 chuyến xe; mỗi cuốc có cước phí tối thiểu 60.000 đồng; kết thúc chuyến xe, người dùng nhận thêm mã ưu đãi 25% cho chuyến tiếp theo. Dịch vụ GrabBike có giá ưu đãi 15.000 đồng cho các chuyến xe có cước phí dưới 30.000 đồng. Khi kết thúc chuyến xe, người dùng sẽ được nhận thêm 1 mã ưu đãi giảm 20% (tối đa 10.000 đồng) cho chuyến xe tiếp theo. Các dịch vụ khác như GrabMart, GrabFood cũng được giảm giá 15.000 - 30.000 đồng/đơn hàng.

"Đau đầu" bài toán xăng dầu tăng

Trong khi đó, các tài xế xe công nghệ cũng không khỏi lo âu. Giá cước tăng bù phần nào chi phí, nhưng theo họ, việc tăng cước phí như thế thì lượng khách sẽ ít đi, thu nhập cũng giảm sút. Anh Nguyễn Long, một xe ôm công nghệ đợi đón khách ở Bến xe Giáp Bát cho biết, giá xăng tăng, tài xế xe ôm công nghệ lao đao. Tắt app mấy ngày vì càng chở khách càng “lỗ sức lao động”, bởi số tiền nhận được trừ tiền xăng thì chẳng còn bao nhiêu. Đến khi Grap có thông báo tăng giá thì mới mở ra chạy lại, nhưng khách thì cũng không nhiều. Anh Long cho biết, trước đây chỉ cần đổ khoảng 70.000 - 80.000 đồng là đầy bình xăng, giờ mỗi lần phải 90.000 - 120.000 đồng. Xăng tăng, khách ít, những người chạy xe ôm công nghệ như anh Long trông chờ vào việc ship hàng. Hiện giờ việc mua bán online nở rộ, nên thu nhập vận chuyển hàng khá ổn định bởi lượng hàng hóa vẫn phải lưu thông.

Trong khi đó, nhiều nhà xe tại các bến xe lại “đau đầu” với bài toán xăng dầu tăng. Tại Bến xe Giáp Bát, một nhà xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho biết, từ đầu năm đến giờ xe chạy cầm chừng, lượng khách chỉ đủ bù chi phí, có nhiều chuyến còn lỗ. Còn anh Nguyễn Quang Cường, chủ xe chạy tuyến Hà Nội - Hà Giang cho biết, xe chạy cầm cự, lỗ tiền dầu. Nhiều chuyến chỉ có khách xuống Hà Nội, chiều ngược lại không có khách. “Giờ mà tăng cước phí, thì lượng khách chắc lại càng giảm. Chỉ còn cách dừng chạy xe mới không lỗ”, anh Cường cho biết.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí, do vậy việc tăng giá tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, đặc biệt vận tải hành khách. Dịch bệnh thời gian dài vừa qua khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, không có khách đi xe, chịu lỗ rất lớn, đến nay mới bắt đầu phục hồi thì giá xăng dầu lại tăng. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải nếu muốn tồn tại thì phải điều chỉnh tăng giá vé để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, việc tăng giá vé khiến hành khách ít đi xe hơn. Hiện tại, nhiều nhà xe chạy liên tỉnh đến Hà Nội đã tính toán tới việc cắt giảm xe và tìm cách giảm lỗ, duy trì hoạt động chờ ngày xăng giảm giá. Tuy nhiên, với những biến động của thế giới, việc giảm giá xăng dầu trong thời gian ngắn khó có thể thực hiện. Các doanh nghiệp vận tải lại phải “thắt lưng buộc bụng” một lần nữa.

Trong khi đó, nhiều người dân ở Hà Nội đã tìm cách thích ứng với việc xăng tăng giá. Một số người sử dụng ô tô đã chuyển sang đi xe máy. Một số khách thì mua vé tháng xe buýt hoặc vé tháng đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân. Với chị Bích Liên (quận Hoàng Mai, Hà Nội), việc bếp núc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Giá gas tăng, rau, thịt… đều tăng lên. Trước đây, chị hay đặt thực phẩm online, giờ thì giá ship hàng tăng, giá thực phẩm cũng tăng nên chị dần bỏ thói quen này. Tan giờ làm, chị chịu khó vào chợ truyền thống mua bán. Tuy nhiên, giá hàng hóa mỗi thứ tăng một tí, chị cũng phải cân đối lại việc thu chi, bởi thu nhập của vợ chồng chị không đổi. Tiền điện, tiền nước, tiền học của con cái là những khoản tiền cố định không đổi. Còn tiền ăn uống trong gia đình thì có thể linh hoạt. 

 QUẢNG XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc