Tuyển sinh ĐH năm 2022: Lại một pha “bẻ lái”?

VHO- Giữa lộ trình giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, những dự kiến điều chỉnh về kỹ thuật trong năm nay của Bộ GD&ĐT đang được xem là pha “bẻ lái” khiến nhiều trường sẽ phải thay đổi đề án tuyển sinh vừa mới công bố.

Tuyển sinh ĐH năm 2022: Lại một pha “bẻ lái”? - Anh 1

 Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực Ảnh: TTXVN

Quay về “Bộ quản”?

Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH và các trường CĐ ngành Giáo dục mầm non mới diễn ra, Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến năm 2022, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ online 100% và đăng ký sau kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì trước kỳ thi như các năm qua.

Với 20 phương thức xét tuyển, cùng với nhiều phương thức kết hợp khác, mỗi cơ sở đào tạo năm nay có ít nhất 5 phương thức trở lên. Nhưng với điều chỉnh mới, thí sinh sau khi đăng ký theo quy trình của trường sẽ phải đăng ký lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ, bao gồm cả những phương thức truyền thống có sự tương đồng như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ lẫn các phương thức riêng mà các trường tự chủ (sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đồng thời kết hợp từ nhiều phương thức khác nhau…).

Bộ GD&ĐT sẽ nhập dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học tập lớp 10, 11, 12 của thí sinh lên hệ thống và các trường có trách nhiệm nhập danh sách trúng tuyển sơ bộ từ các phương thức riêng cho trường áp dụng lên hệ thống. Từ dữ liệu này, phần mềm sẽ chạy lọc “ảo” để sao cho mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thì việc đưa lên hệ thống lọc ảo của Bộ sẽ giảm tình trạng thí sinh ảo như năm 2021. Đồng thời cũng đảm bảo công bằng giữa các thí sinh xét tuyển vào một ngành với nhiều phương thức. Với cách này, thí sinh được đảm bảo trúng tuyển vào ngành mà mình thích nhất, chứ không còn hiện tượng đã nộp hồ sơ vào một ngành trúng tuyển, sau đó lại đỗ ngành mình thích hơn mà không rút được hồ sơ ra để nhập học.

Những điều chỉnh trên xuất phát từ hạn chế của mùa tuyển sinh năm trước, nhiều trường có các phương thức xét tuyển khác nhau nhưng lại không đồng thời gọi học sinh nhập học mà tuỳ theo từng phương thức gọi sớm, muộn. Cách phân bố chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển ở cùng một ngành cũng không hợp lý hoặc thực tế tuyển không đúng với chỉ tiêu đã công bố. Điều này khiến cho nhiều thí sinh tuyển sinh bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT phải đi “cửa hẹp”, dẫn tới việc điểm chuẩn cho phương thức này bị dâng cao. Cá biệt có những trường hợp đạt 30 điểm với tổ hợp 3 môn thi vẫn không trúng tuyển.

Với việc yêu cầu các trường đưa về một mối lọc ảo, Bộ GD&ĐT một lần nữa lại ôm trách nhiệm quản lý chung về tuyển sinh của các trường. Điều này có phần khác với chủ trương giao tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở đào tạo tuyển sinh. Đặc biệt, với những điều chỉnh như yêu cầu đăng ký nguyện vọng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và khuyến cáo không giảm quá mạnh chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đang muốn hướng các trường tiếp tục dành chỉ tiêu nhiều hơn cho phương thức truyền thống này.

Cú “bẻ lái” của Bộ cũng đi ngược với quan điểm tách kỳ thi tốt nghiệp THPT ra khỏi tuyển sinh ĐH sau hàng loạt vấn đề tiêu cực. Những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT cũng được điều chỉnh giảm độ khó để phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, tính phân hoá và độ tin cậy của kết quả thi này không phù hợp để sử dụng xét tuyển. Chính vì thế, ở nhiều trường ĐH lớn, phương thức này không được dành nhiều chỉ tiêu.

Bộ “ôm” một việc phức tạp

Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, thời điểm hiện tại, các trường ĐH đều đã công bố đề án tuyển sinh. Nhưng điều chỉnh của Bộ GD&ĐT sẽ tác động lớn đến cả trường và thí sinh, dẫn tới việc có thể sẽ phải xây dựng lại đề án tuyển sinh cho năm nay.

Ông Triệu cũng bày tỏ lo ngại khi Bộ đã giao tự chủ cho các trường nhưng lại vẫn muốn “quản” và đưa ra ví dụ, ĐH Kinh tế quốc dân đã xây dựng các phần mềm nộp hồ sơ, xét tuyển, nhập học; năm 2021, phần lớn thí sinh cũng đăng ký online. Và với những trường đang áp dụng phương thức xét tuyển có tính phân hoá cao hơn như sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực (do một số cơ sở đào tạo tổ chức thi), kết hợp xét chứng chỉ tiếng Anh, phỏng vấn... và xét tuyển theo nhiều đợt khác nhau sẽ bị bó buộc khi lệ thuộc vào hệ thống lọc ảo của Bộ. Ông Triệu băn khoăn, nếu thí sinh chỉ được nhập học vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất sẽ bị mất quyền được lựa chọn các nguyện vọng khác, vì không phải thí sinh nào khi đăng ký cũng lựa chọn sáng suốt…

Theo ông Triệu, để khắc phục hạn chế ở những mùa tuyển sinh trước, Bộ GD&ĐT có thể có các quy định cứng về thời hạn cuối cùng đăng ký xét tuyển, thời gian sớm nhất các trường được xét tuyển đồng thời các phương thức… thay vì Bộ lại “ôm” cả như hiện nay.

Tuy nhiên, quan điểm của một số cơ sở ĐH lớn lại quay về việc muốn nâng chất lượng để có độ tin cậy cao hơn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và coi đó là phương thức tuyển sinh chính, ít nhất để xét từ 50% chỉ tiêu trở lên của một cơ sở đào tạo.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội ủng hộ phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp và đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức kỳ thi này. Đại diện một số cơ sở đào tạo lớn cũng đề nghị Bộ cần nâng chất lượng, tăng tính phân hoá (độ khó) của đề thi tốt nghiệp THPT để thuận lợi khi sử dụng kết quả tuyển sinh.

Những ý kiến này đã đi ngược với lộ trình đổi mới thi của Bộ các năm gần đây. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã đổi tên kỳ thi THPT quốc gia (sử dụng 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ) thành kỳ thi tốt nghiệp THPT (mục đích chính là xét tốt nghiệp). Cùng với đó, kỳ thi đã được giao về địa phương tổ chức tất cả các khâu, Bộ chỉ giữ vai trò giám sát và ra đề thi chung. Nhưng tính phân hoá của đề thi không cao, đặc biệt là xuất hiện hiện tượng tiêu cực, khiến cho nhiều trường có sức cạnh tranh lớn đã e ngại, giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này.

Nhưng trong cú “bẻ lái” của Bộ, có thể năm nay việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được dành nhiều chỉ tiêu hơn. Và áp lực lại đè nặng lên khâu tổ chức, bởi vận hành một phần mềm lọc ảo với rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau không đơn giản như lọc ảo cho một phương thức xét tuyển truyền thống mà các năm trước Bộ GD&ĐT đã làm. 

 KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc