Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc tu bổ, tôn tạo hạng mục Giếng Ngọc của dự án di tích đền thờ Lê Văn Hưu: “Cấp tốc” dừng thi công, rà soát hồ sơ, báo cáo Bộ VHTTDL

Thứ Hai 21/03/2022 | 10:04 GMT+7

VHO- Sau khi Văn Hóa đăng bài “Xung quanh việc tu bổ, tôn tạo hạng mục Giếng Ngọc của dự án di tích đền thờ Lê Văn Hưu (Thanh Hóa): Chủ đầu tư không đọc kỹ văn bản của Bộ VHTTDL”, Toà soạn đã nhận được sự phản hồi của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa xứ Thanh và những người quan tâm đến di tích này.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thiệu Hóa đã tạm đình chỉ thi công tu bổ hạng mục Giếng

Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, văn bản thỏa thuận, thẩm định của Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa đã đưa những lưu ý hết sức rõ ràng, cụ thể…, nhưng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhất là chủ đầu tư dự án đã không nghiên cứu kỹ dẫn đến giếng cổ bị phá bỏ, xây mới. Các chuyên gia cũng cho rằng, các cấp, ngành của tỉnh Thanh Hóa cần sớm có biện pháp để trả lại nguyên trạng giếng cổ mà không làm ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, kiến trúc của di tích.

“Nội dung được Văn Hóa phản ánh đầy đủ, khách quan, đồng thời đã dẫn giải đúng nội dung và bản chất của vấn đề trong khi triển khai hạng mục tu bổ giếng cổ tại di tích quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu. Mong Văn Hóa tiếp tục cập nhật thông tin về dự án này để những ai quan tâm có được cái nhìn tổng thể, khách quan hơn về vụ việc này”, TS Phạm Văn Tuấn, một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử văn hóa cho biết. TS Tuấn cũng cho rằng, việc phá bỏ hay làm “méo mó” giếng cổ tại di tích quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu là điều không thể chấp nhận được. Việc chủ đầu tư làm một cái giếng mới bằng cách dịch chuyển, thu nhỏ kích thước hoặc làm mất đi đặc điểm kiến trúc vốn có đã tác động xấu đến tình trạng kỹ thuật, làm tổn hại đến mỹ quan, làm nó tách rời khỏi khung cảnh mà nó đã tồn tại qua thời gian. Với một người đã có nhiều năm làm quản lý của một cơ quan chuyên môn về văn hóa, ông Tuấn cảm thấy khó hiểu khi trong sự việc này, văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL và của Cục Di sản văn hóa đã có những lưu ý là tu bổ nguyên trạng giếng hiện có, thế nhưng chủ đầu tư lại “ngó lơ” dẫn đến hạng mục giếng cổ đã bị biến dạng nghiêm trọng. “Phải chăng, UBND huyện Thiệu Hóa và chủ đầu tư đã cố tình phớt lờ hay không nghiên cứu văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL? Để xảy ra sự việc vô cùng đáng tiếc này, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa trong việc hướng dẫn, theo dõi dự án khi chủ đầu tư thực hiện tu bổ giếng cổ ở đâu? Để có câu trả lời thỏa đáng, cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh cần sớm vào cuộc, đồng thời có biện pháp khắc phục để làm sao đó gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị di sản văn hóa mà cha ông để lại trên cơ sở tôn trọng ý kiến cộng đồng và nguyện vọng của nhân dân”, ông Tuấn nói.

 Phối cảnh minh họa không gian Khu di tích đền thờ Lê Văn Hưu sau khi tu bổ được dựng tại nơi thi công tu bổ dự án. Trong phối cảnh này có thể hiện hạng mục Giếng (số 8). Tuy nhiên vấn đề được dư luận quan tâm là, Sở VHTTDL Thanh Hóa có hướng dẫn cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện thiết kế, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo tại địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật, như Cục Di sản văn hóa góp ý tại văn bản số 1104/DSVH-DT, ngày 29.12.2021?

Cùng quan điểm, TS Lê Văn Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa cho rằng, chủ đầu tư đã không nghiên cứu thấu đáo hồ sơ dự án và các văn bản liên quan của Bộ VHTTDL, vì thế đã tỏ ra lúng túng, ứng xử thiếu khoa học trong quá trình tu bổ di tích dẫn đến phá vỡ yếu tố gốc của giếng cổ, làm cho người dân địa phương bức xúc. Còn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngôn cho biết, việc phá bỏ giếng cổ ở đền thờ Lê Văn Hưu là việc làm đáng tiếc, qua đó bộc lộ sự thiếu hiểu biết và thái độ chủ quan, đơn giản của cán bộ quản lý văn hóa cơ sở. Theo ông Ngôn, vấn đề bây giờ không phải là truy tìm đúng sai mà các cấp, ngành của tỉnh cần có ngay biện pháp khắc phục trên tinh thần vì giá trị của di sản.

Tiếp tục đi sâu điều tra sự việc, chúng tôi đã phát hiện một thông tin khá bất ngờ. Theo đó, ngày 13.6.2011, mặc dù văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL về dự án, trong đó hạng mục giếng đã lưu ý rất rõ: “Về mặt bằng tổng thể: Theo bản vẽ thiết kế thì vị trí giếng bị dịch chuyển về phía sát đường, do đó cần điều chỉnh thiết kế trên nguyên tắc tu bổ nguyên trạng giếng hiện có…”, thế nhưng không hiểu vì sao trong nghị quyết của HĐND huyện Thiệu Hóa ra ngày 7.10.2021 lại quyết nghị về chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3) lại ghi: Giếng cổ là hạng mục xây dựng mới. Đáng nói, khi triển khai dự án tu bổ một công trình di tích văn hóa cấp quốc gia, chủ đầu tư lại không có hồ sơ, lý lịch về di tích. Hơn nữa, tại văn bản số 1311/UBND-VHTT ngày 17.3, Chủ tịch huyện Thiệu Hóa Nguyễn Thế Anh vẫn báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là: “Sau khi hoàn thành giai đoạn 3 tu bổ di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, việc tôn tạo không làm mất đi Giếng Ngọc và phù hợp với dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch bảo tồn di tích và theo thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công, tu bổ tôn tạo di tích của Cục Di sản văn hóa”.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc nghiêm trọng này, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo tỉnh đã nắm được sự việc đồng ghi nhận và cảm ơn những thông tin phản ánh kịp thời của Văn Hóa. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hóa tạm dừng hoàn toàn các hoạt động xây dựng hạng mục công trình Giếng Ngọc; Giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa rà soát việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3), đặc biệt là hạng mục công trình Giếng Ngọc theo nội dung thoả thuận, thẩm định của Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa, để làm cơ sở báo cáo Bộ VHTTDL và xin ý kiến theo quy định. Trước đó, sáng 18.3, chủ đầu tư dự án đã cho tạm dừng thi công tu bổ giếng cổ. 

 Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hóa tạm dừng hoàn toàn các hoạt động xây dựng hạng mục công trình Giếng Ngọc; Giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa rà soát việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu (giai đoạn 3), đặc biệt là hạng mục công trình Giếng Ngọc theo nội dung thoả thuận, thẩm định của Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa, để làm cơ sở báo cáo Bộ VHTTDL và xin ý kiến theo quy định. Trước đó, sáng 18.3, chủ đầu tư dự án đã cho tạm dừng thi công tu bổ giếng cổ.

NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top