“Đau đầu”  với bài toán lương thực

VHO- Cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, đang đẩy bài toán an ninh lương thực toàn cầu vốn đã “gặp khó” vì đại dịch Covid-19, thêm nhiều thách thức hóc búa.

“Đau đầu”  với bài toán lương thực - Anh 1

 Gia tăng nguy cơ khng hong lương thc toàn cu Ảnh: IPAD

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa đưa ra cảnh báo, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần đối với sản xuất ngũ cốc, hạt có dầu của Nga và Ukraine, cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực. Hiện Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước lớn thứ năm. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mỳ, 4% ngô và chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Thêm nữa, Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Vì thế, các nước phụ thuộc vào nguồn cung lúa mỳ của Nga và Ukraine sẽ chịu tác động nghiêm trọng bởi sự gián đoạn cung ứng. Ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO nhận định, số người nghèo đói sẽ tăng đáng kể nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.

Theo Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGDEV), kể từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, giá các loại lương thực đã bắt đầu tăng cao hơn cả mức ghi nhận trong thời kỳ tăng giá đột biến vào năm 2007 và 2010. Đặc biệt, giá lúa mì giao dịch tại Chicago (Mỹ) đã tăng gần 3%, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008. Giá ngô cũng đang giao dịch gần mức cao nhất kể từ năm 2012, trong khi dầu đậu nành và dầu cọ đã đạt kỷ lục. Tình trạng này khiến một số chính phủ đã phải chi tiêu nhiều hơn cho trợ cấp lương thực. CGDEV dự báo, giá cả các mặt hàng lương thực và năng lượng tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể đẩy hơn 40 triệu người trên thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực. Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc David Beasley cho rằng, các nước khu vực Sahel ở châu Phi, Syria, Jordan, Liban có nguy cơ đối mặt với nạn đói, kéo theo làn sóng di cư và nhiều bất ổn xã hội.

Thực tế, hệ lụy từ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ và phương Tây đối với Nga đã khiến giá năng lượng tại châu Âu tăng cao kỷ lục. Giá khí đốt tăng mạnh buộc công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê ở châu Âu xuống còn 45% công suất. Chính việc giảm bớt hai thành phần thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp này có thể sẽ tác động mạnh đến nguồn cung lương thực toàn cầu. Ông Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành của Yara International nhận định: “Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà đáng quan tâm là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn đến mức nào?”. Các nhà điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cho rằng, người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ cảm nhận tác động to lớn của cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua giá lương thực tăng mạnh và sự gián đoạn đáng kể đối với các chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Trước mối lo thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, một số quốc gia chuyển hướng ưu tiên thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu. Trong đó, Ai Cập thực hiện cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì và các loại đậu. Còn Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới cũng tuyên bố hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng này. Các động thái trên càng khiến tình hình phân phối lương thực trên toàn cầu thêm phức tạp.

Theo kiến nghị tháo gỡ khó khăn của FAO, các nước cần giữ cho thương mại lương thực và phân bón toàn cầu được mở, tìm nhà cung cấp thực phẩm mới và đa dạng hơn. Đồng thời, các chính phủ cần mở rộng mạng lưới an toàn xã hội để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, và tránh các phản ứng chính sách đặc biệt nếu chưa xem xét đến tác động tiềm tàng của chúng đối với thị trường quốc tế. 

HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc