Tập trung truyền thông, quảng bá: Để du khách,đối tác quốc tế biết nhiều hơn

VHO- Việc Việt Nam mở cửa toàn bộ du lịch từ ngày 15.3 đã tạo ra hiệu ứng rất tốt để phục hồi du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch cho rằng việc mở cửa cần quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn và lộ trình rõ ràng, chủ động để tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam là điểm đến an toàn, sẵn sàng để đón tiếp du khách.

Tập trung truyền thông, quảng bá: Để du khách,đối tác quốc tế biết nhiều hơn - Anh 1

Chính sách visa thuận tiện sẽ thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định: “Việc mở lại toàn bộ du lịch quốc tế và nội địa sẽ là dấu ấn lịch sử của Du lịch Việt Nam và vô cùng cần thiết, là động lực để du lịch phục hồi. Đồng thời, nó thể hiện sức mạnh của Du lịch Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh, quan trọng nhất là tuyên bố mở cửa đã khẳng định Việt Nam là nước tiên phong”.

Chính sách thông thoáng để kéo dài thời gian lưu trú của khách

Những quy định trong Phương án mở cửa du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới do Bộ VHTTDL ban hành ngày 15.3 hết sức thông thoáng như: Bỏ quy định cách ly; miễn visa cho khách quốc tế ở 13 nước là hết sức cởi mở và tạo điều kiện để du lịch phục hồi. “Tuy nhiên, không phải là khách xếp hàng chờ sẵn ở cửa khẩu, khi chúng ta tuyên bố mở cửa là họ vào ngay. Khách quốc tế đi du lịch có sự chuẩn bị rất kỹ và cần nhiều thời gian, bên cạnh đó việc họ có du lịch nước ngoài hay không cũng phụ thuộc vào cả chính sách của nước sở tại. Vì thế, nhanh nhất phải tháng 4 - 5 khách ở các thị trường gần mới bắt đầu tới Việt Nam”, ông Bình cho biết.

Các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch cũng đánh giá việc miễn thị thực cho 13 quốc gia và thời hạn tạm trú 15 ngày vẫn thể hiện tinh thần “quá thận trọng” khi mở cửa và đề nghị Chính phủ cần tăng số lượng các nước được miễn thị thực và tăng số ngày du khách lưu trú lên 30 ngày để tận dụng được cơ hội hồi phục mạnh mẽ hơn. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (TP.HCM) cho rằng: “Chính sách miễn visa hoặc đơn giản hóa thủ tục visa của điểm đến có tác động rất lớn tới tâm lý của khách, thậm chí khiến khách quyết định chọn điểm đến đó hay không. Việc chúng ta miễn visa đơn phương cho 13 nước hiện nay là quá ít so với các nước khác trong khu vực”.

Nghiên cứu của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Bắc Âu như sau: Số lượt khách quốc tế trung bình từ các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia tăng gần 20%. So với các nước ASEAN khác thì tác động của việc miễn thị thực nhập cảnh đơn phương của Việt Nam là tích cực hơn, làm tăng số khách du lịch quốc tế đến, doanh thu từ du lịch gia tăng cao hơn nhiều lần sự giảm thu do miễn phí visa, tạo thêm nhiều việc làm trong ngành Du lịch. Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách tạo thuận lợi về thị thực như: Thái Lan đang áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn cho 70 quốc gia, Philippines miễn 157 quốc gia và đều áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến nước đó.

“Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho các thị trường xa, có nhiều khách du lịch hơn đến Việt Nam và có mức chi tiêu bình quân cao hơn trong tour du lịch ở nước ta, TAB đề nghị kéo dài thời hạn tạm trú của công dân các nước này tại Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, đồng thời mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB kiến nghị.

Quảng bá với thế giới về việc mở cửa của Việt Nam

Liên quan đến việc thực hiện Phương án mở cửa toàn bộ du lịch từ 15.3, ông Từ Quý Thành cho rằng, hiện nay việc yêu cầu khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV- 2 trước khi xuất cảnh... và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm và cấp chứng nhận là không cần thiết nữa vì tất cả khách đã được tiêm đủ mũi vắc xin, khách cũng tự lo cho mình nên nếu mắc dịch họ sẽ không đi. Bên cạnh đó, yêu cầu khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng khai báo y tế (PC- COVID)... rất khó thực hiện vì app chỉ có tiếng Việt và phải dùng mạng di động của Việt Nam. Việc mua bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu chỉ nên khuyến khích vì đa phần khách nước ngoài đều có nhưng lại khó kiểm đối với khách tự đi. Bên cạnh đó, Phương án mở cửa chỉ có bản tiếng Việt, không có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, có xác nhận của các cơ quan chức năng khiến cho việc giới thiệu, quảng bá chính sách mới của Việt Nam gặp khó khăn. Phương án mở cửa cũng cần các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tập trung quảng bá để du khách và đối tác quốc tế biết nhiều hơn. Thông tin về việc mở cửa của Việt Nam tới những thị trường xa hiện nay chưa nhiều. Doanh nghiệp chúng tôi dự báo đến quý IV năm nay hoặc sang năm, khách quốc tế thị trường xa mới dần hồi phục.

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao: “Bộ đã và đang hỗ trợ quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam ra nước ngoài và hỗ trợ kết nối du lịch Việt Nam với thế giới trong bối cảnh bình thường mới”. Việc triển khai mở cửa du lịch của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi vì xu thế dịch bệnh đã thay đổi, có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Chính sách mở cửa du lịch đã được hơn 50 quốc gia áp dụng, cùng với đó là nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới có xu hướng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ gặp một số thách thức khi mở cửa du lịch. Theo đó, vẫn phải theo dõi diễn biến dịch bệnh. Các chính sách đi du lịch ở một số nước còn khá hạn chế, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch quốc tế của người dân.

Cho biết Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTTDL để thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả, bà Hằng cho biết: “Chúng tôi cũng tăng cường cung cấp thông tin về xu hướng du lịch, đánh giá tình hình, nhu cầu du lịch ở các nước giúp Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt, đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin mở cửa du lịch ở nước ta với người dân các quốc gia trên thế giới, tích cực triển khai quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam”. 

 THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc