Câu chuyện giáo dục giới tính: Làm gì khi con xem phim “đen” ?

VHO- Không phải tới khi dư luận ồn ào vì một bà mẹ lên mạng “tố” con bị người xấu lôi kéo xem phim đen mà điều này vốn đã và đang là nỗi lo âm thầm của rất nhiều phụ huynh khi con bước vào tuổi dậy thì.

Câu chuyện giáo dục giới tính: Làm gì khi con xem phim “đen” ? - Anh 1

Trẻ cần được “tiêm vắc xin” về vấn đề xã hội để có thể đề kháng với những cám dỗ (ảnh minh họa)

 Tâm trạng của số đông phụ huynh

Sẽ rất khó khăn để phụ huynh chủ động kể về bí mật “con xem phim đen” vì phần đông đều coi đó là hành vi đáng xấu hổ. Thậm chí, có người còn cho rằng con mình quá hư đốn, “hết thuốc chữa”. Suy nghĩ đó khiến họ hoang mang, lo âu và thường có những phản ứng cực đoan: Mắng mỏ, xỉ vả, cấm đoán, phạt con bằng nhiều cách, từ cắt tiền tiêu vặt đến thu hồi máy tính, điện thoại, rồi cấm tiệt con được ở riêng phòng mà phải ở cùng bố mẹ để mọi sinh hoạt của trẻ phải diễn ra trước mặt các “cảnh sát” gia đình.

“Hết giờ học trực tuyến là tôi tịch thu máy tính, đổi từ điện thoại thông minh sang “cục gạch”. Mới đây, tôi phát hiện con xem phim đen vào giữa giờ giải lao của buổi học trực tuyến nên rất sốc, liệu con có bị “nghiện” không, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, hành vi của con?”, chị H, một phụ huynh trải lòng trên group Làm cha mẹ.

Tương tự, một phụ huynh có con học trường THPT Thực nghiệm (HN) kể, chị mua Ipad cho con để tiện dùng khi con học tiếng Anh, nghe nhạc nhưng vô tình phát hiện con xem phim người lớn. Lo lắng, chị kiểm tra lịch sử truy cập internet thì biết con đã tiếp cận nội dung này từ khá lâu. “Tôi cố bình tĩnh, để sau hai ngày mới nói chuyện với con. Con thú nhận và nói với tôi “các bạn nam đều thế, chúng nó cũng xem rồi kể lại nên con tò mò”. Thấy tôi khóc, cháu trấn an, “con lớn rồi, cũng nên xem để biết, chứ con đã hư đâu mà mẹ phải khóc”.

Nỗi lo của cha mẹ không phải không có cơ sở bởi không dừng lại ở sự tò mò, đã có những nhóm học sinh rủ nhau xem phim đen chung, thậm chí “thử làm”. Phần lớn trẻ ở tuổi dậy thì tò mò về giới tính và tìm kiếm trên mạng thông tin, phim ảnh, chia sẻ với nhau, nên lợi dụng việc này, có những kẻ xấu chủ động tìm cách lôi kéo các em. PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) chia sẻ, ông từng tư vấn tâm lý cho một ca là học sinh lứa tuổi dậy thì. Cậu học sinh đó được gia đình đưa đến với nỗi tuyệt vọng vì phát hiện em có dấu hiệu quan hệ tình cảm với người đồng giới. Nhưng sau khi tìm hiểu, ông Hà mới biết Q bị một nhóm thanh niên lôi kéo. Ban đầu là qua mạng, sau đó Q được đón đi chơi và bị ép quan hệ tình dục với những thanh niên cùng giới. Vì chưa bao giờ có tình cảm nam nữ, nên Q tưởng mình là người đồng tính. Cậu bị sa vào những cuộc vui của đám thanh niên xấu cho đến khi gia đình phát hiện.

“Trẻ ở tuổi vị thành niên bị bỏ trống về giáo dục giới tính. Chúng lớn lên nhưng không hiểu rõ về cơ thể, về sự thay đổi tâm sinh lý của bản thân, không biết nhiều về tình yêu nam nữ, tình dục nên khi bị kéo vào một mối quan hệ không lành mạnh, trẻ dễ có suy nghĩ sai lệch và bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng, lo sợ, xấu hổ. Q là cậu bé như thế”, ông Hà chia sẻ.

“Tiêm vắc xin” về mặt xã hội

Không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác, việc trẻ tuổi thiếu niên xem và chia sẻ phim ảnh khiêu dâm cũng là vấn đề đáng quan tâm. PGS.TS tâm lý Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý (Viện khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, một tập hợp kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho thấy tỷ lệ trẻ nam tiếp xúc với phim ảnh đen chiếm 90%, trong khi trẻ nữ là 62%. Đa phần trẻ khi được hỏi đều cho biết chúng không biết việc xem, chia sẻ phim, ảnh đen là không an toàn.

Quan niệm Á Đông và Việt Nam thường ít cởi mở khi đề cập đến vấn đề tình dục, đây là một trong những lý do khiến việc giáo dục giới tính cho trẻ bị bỏ ngỏ hoặc không hiệu quả. Chị Chi Mai, một phụ huynh có con từng học ở trường tiểu học ở quận Lichtenberg (Đức) kể: “Tôi khá ấn tượng với một bài giảng của giáo viên cho học sinh lớp 4. Cô mang một bao cao su đến lớp, bọc vào đầu một cây gậy và giải thích cho trẻ con về quan hệ tình dục là như thế nào, tác dụng của bao cao su là tránh thai, tránh lây các bệnh qua đường tình dục… Con kể lại việc này cho tôi khi về nhà, con phát hiện trong tủ của bố mẹ có vài cái bao cao su, bèn xin một chiếc mang ra toilet đổ nước vào để “thí nghiệm”. Người Việt khó quen được với cách dạy trực diện, vào đúng bản chất sự việc như vậy. Nhưng có lẽ đó là cách nên làm để trẻ hiểu đúng, biết cách ứng xử, phòng tránh để giữ an toàn cho bản thân”, chị Mai nói.

Ông Lê Văn Hảo thì cho rằng, trong y học, tiêm vắc xin là để tránh dịch bệnh, thì trong câu chuyện này, trẻ cũng cần được “tiêm vắc xin” về vấn đề xã hội để có thể đề kháng với những cám dỗ, tránh bị kẻ xấu lôi kéo hoặc biết cân bằng, điều chỉnh hành vi của bản thân. “Giữa canh chừng và giáo dục thì hãy nên chọn cách giáo dục. Khi trẻ có thông tin đầy đủ, chúng sẽ biết cách lựa chọn cái gì cần thiết cho mình. Còn cấm đoán, dọa nạt, thậm chí làm tổn thương trẻ bằng những hành động thiếu kiềm chế chỉ mang lại kết cục xấu. Vô hình chung, chúng ta sẽ đẩy con trẻ vào tay những con ngáo ộp”, ông Hảo chia sẻ.

“Ở tuổi dậy thì, trẻ cũng có những thay đổi tâm sinh lý, rồi tò mò, làm thử. Các bố mẹ hãy gạt bỏ ra khỏi đầu rằng con mình đang hư hỏng, đừng phán xét ở khía cạnh đạo đức mà hãy tìm hiểu từ góc độ tâm sinh lý lứa tuổi để làm bạn, tư vấn cho con có cách hiểu, hành xử an toàn. Không đối đầu hay tuyên chiến với con, mà hãy đồng hành”, một phụ huynh đã cùng con đi qua tuổi teen chia sẻ kinh nghiệm.

Trong lúc các nhà trường còn “để hổng” vấn đề giáo dục giới tính, việc kiểm duyệt những sản phẩm phim, ảnh, thông tin về tình dục trên mạng xã hội còn chưa được làm nghiêm thì người thầy quan trọng nhất chính là cha mẹ. 

KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc