Truyền nghề cho diễn viên trẻ: Nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật

VHO- NSND Thanh Tuấn vừa khai giảng lớp truyền nghề ca vọng cổ tại công ty do ông sáng lập; Trường ĐH Văn Lang tổ chức workshop hỗ trợ các thí sinh xây dựng kịch bản phim; NSƯT Thành Lộc cũng vừa có buổi giao lưu các diễn viên trẻ và sinh viên với những chia sẻ thú vị trong lĩnh vực sân khấu…

Truyền nghề cho diễn viên trẻ: Nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật - Anh 1

 NSƯT Thành Lộc cho rằng, mục tiêu cao nhất của nghệ thuật là hướng người xem đến những giá trị chân - thiện - mỹ

Mỗi nghệ sĩ, mỗi đơn vị có cách hướng dẫn, truyền dạy khác nhau nhưng đều là những kiến thức và kinh nghiệm quý báu để định hướng cho các bạn trẻ trong bước đường làm nghệ thuật.

Thực hiện sứ mệnh của một nhà giáo bằng nghệ thuật

Trong chương trình giao lưu - truyền nghề do Ban lý luận phê bình CLB Phóng viên sân khấu (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) tổ chức tại Sân khấu Sen Việt với chủ đề Nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật mới đây, bằng tài năng và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh sân khấu, NSƯT Thành Lộc đã đem đến cho các bạn trẻ những câu chuyện, kinh nghiệm về nghề nghiệp bổ ích.

Sân khấu Sen Việt hôm diễn ra sự kiện chật kín người nghe, chủ yếu là sinh viên đến từ Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM và diễn viên Sân khấu Kịch Hồng Vân... Thấp thoáng trong số đó, còn có những diễn viên, đạo diễn có tên tuổi nhưng vẫn đến để được truyền thêm lửa nghề, nghe những kinh nghiệm quý báu từ nghệ sĩ được mệnh danh là “phù thủy sân khấu” với cách biến hóa nhân vật tài tình. Chương trình diễn ra từ 13h trưa cho đến chiều, suốt mấy tiếng đồng hồ, các bạn trẻ ngồi nghe với thái độ nghiêm túc và háo hức, nhiều câu hỏi được đặt cho vị diễn giả, như: Quá trình đầu tư một vai diễn; bí quyết thâm nhập tính cách nhiều nhân vật cùng lúc; việc tranh luận với đạo diễn có nên hay không; những vui buồn về vai diễn; vì sao không lập kênh YouTube cá nhân… Không chỉ tạo tiếng cười thú vị bởi cách nói chuyện đầy dí dỏm và duyên dáng, NSƯT Thành Lộc còn truyền lửa nhiệt huyết đến các diễn viên trẻ trong buổi giao lưu với phong thái đầy năng lượng.

Ông nói rằng, mình đang làm sứ mệnh của một nhà giáo bằng nghệ thuật: “Chúng ta là nghệ sĩ, chúng ta là người dạy ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ và dạy cách sống, cách ứng xử cho nhiều đối tượng công chúng. Cho nên, chúng ta không có quyền làm sai và chệch hướng, bởi nó sẽ dắt dây sai toàn bộ. Nghệ thuật có quyền hư cấu, phá cách nhưng phải trong phạm vi cho phép để cuối cùng dẫn đến thông điệp, mục tiêu cao nhất là hướng người xem đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Cho nên, có những cái nếu chúng ta đã lỡ làm sai do không biết, không hiểu, không đủ trình độ thì phải sửa ngay khi có thể. Nghề này không phải chỉ để mua vui cho khán giả, mà mình đang làm sứ mệnh khiến công chúng của mình không được quên những giá trị dân tộc”.

Qua buổi giao lưu, NSƯT Thành Lộc đã dặn dò các diễn viên trẻ là trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, hãy luôn biết tò mò và hoài nghi. “Chúng ta có quyền hoài nghi, nhưng hoài nghi thì cần phải tìm hiểu, để đi đến cùng sự thật. Quá trình đi tìm lý giải cho sự hoài nghi đó khiến ta học hỏi, phát triển rất nhiều. Bởi vì nếu chúng ta chỉ biết tuân thủ một cách thụ động thì nghệ thuật không phát triển được”, ông nói và kể thêm về những bài học đã trở thành chân lý trong nghệ thuật mà ông may mắn được các thế hệ nghệ sĩ trước để lại. “Để thành công, các bạn trẻ cần nghiêm túc với nghề, đừng đề cao cái tôi của mình đến mức tạo nên sự tự mãn, và hãy biết trăn trở về nghề nghiệp để yêu nghề đúng nghĩa”, NSƯT Thành Lộc đúc kết.

Tâm huyết với thế hệ trẻ

Buổi workshop “Xây dựng kịch bản phim ngắn về môi trường” do Khoa Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh Trường ĐH Văn Lang tổ chức nhằm hỗ trợ các nhóm/cá nhân tham dự cuộc thi Kịch bản phim Màn ảnh Xanh Văn Lang, hướng tới tham dự cuộc thi kịch bản phim do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp Tập đoàn Netflix tổ chức. Workshop được dẫn dắt bởi các diễn giả giàu kinh nghiệm như NSND Đào Bá Sơn, PGS.TS NGƯT Phan Thị Bích Hà (Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM) và các chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế, khoa học môi trường…

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn nạn của thế giới, các tổ chức xã hội toàn cầu đã thực hiện nhiều chương trình bảo vệ ngôi nhà chung. Không ít bộ phim điện ảnh, dưới góc nhìn nghệ thuật đã tái hiện thực trạng nguy cơ môi trường sống bị chính con người tác động làm suy thoái. Theo các sinh viên, môi trường xanh là một đề tài có ý nghĩa cho việc làm phim nhưng cũng không kém phần thử thách. Sinh viên không những phải có kỹ năng viết, ý tưởng, mà cần phải có hiểu biết nhất định về môi trường. Bản thân các em đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi câu chữ thành hình ảnh nhưng vẫn phải giữ nguyên ý nghĩa, giá trị và nội dung muốn truyền tải… NSND Đào Bá Sơn chia sẻ: “Bất cứ kịch bản nào thiếu kịch tính cũng sẽ thiếu sự hấp dẫn. Vậy để có được kịch tính trong tác phẩm, các bạn phải xây dựng được các chủ thể đối lập, mâu thuẫn; tập trung xây dựng nhân vật tạo được cảm tình của người xem, nhân vật và cốt truyện phải gắn bó với nhau một cách mật thiết để phát triển kịch bản tốt”. Các chuyên gia cũng đã hướng dẫn thí sinh chọn đề tài phù hợp với cuộc thi, khuyến khích sinh viên thể hiện góc nhìn cá nhân sáng tạo từ những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhất về môi trường. Sinh viên được xem và thảo luận một số video, phim ngắn về môi trường để cùng suy ngẫm và hiểu sâu sắc hơn việc vận dụng ngôn ngữ điện ảnh, cách chăm chút từng góc quay, khung hình để có được cách kể chuyện thật lôi cuốn.

Mới đây, NSND Thanh Tuấn đã khai giảng lớp dạy nghệ thuật ca vọng cổ tại số 59 Bế Văn Đàn, quận Tân Bình, TP.HCM. Đây là ước nguyện nhiều năm của ông với mong muốn góp phần đào tạo nguồn nhân lực mới cho sàn diễn Cải lương. “Việc mở lớp nghệ thuật ca vọng cổ này tôi ấp ủ lâu lắm rồi. Lần nào đi diễn cũng có nhiều em, cháu mong muốn được học cách luyến láy, nhấn nhá trong các câu hát mà tôi trình bày… Tôi nghe và suy nghĩ nhiều lắm. Những bậc tiền bối đi trước đã sáng tạo rất nhiều cái hay cho nghệ thuật Cải lương, tới thế hệ của mình, tôi cũng đã miệt mài nghiên cứu, tìm tòi sao cho hay, cho độc đáo để tạo ra trường phái mà mọi người hay gọi là Trường phái ca Thanh Tuấn”, ông bày tỏ và cho biết thêm, bản thân nghiên cứu cách ca mới lạ không chỉ là đam mê, sở thích mà còn muốn bài vọng cổ thêm phong phú, tươi mới, hấp dẫn khán giả. “Và giờ tôi muốn truyền lại cho các bạn trẻ để các bạn tiếp tục lưu giữ vẻ đẹp của bài vọng cổ”, NSND Thanh Tuấn tâm huyết. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc