Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia

VHO-Sáng 29.3, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đã có 11 đại biểu phát biểu góp ý cho dự án Luật sẽ được trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, tổ chức vào tháng 5 tới.

Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá rằng đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 2

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tại Hội nghị

So với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới. Đến nay dự thảo Luật đã đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh, công nghiệp điện Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp thu các ý kiến đóng góp

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng cho biết, một số vấn đề cần xin ý kiến tại Hội nghị là Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; về những nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; về sản xuất phim; về phổ biến phim trên không gian mạng; về cấp giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim; về phân loại phim; về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Cần có chính sách ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam

Góp ý cho dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật. Đánh giá cao dự thảo Luật, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cần có những quy định về việc phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 4

“Các thập niên trước, chúng ta đã có nhiều bộ phim hay, có giá trị về đề tài này như Vợ chồng A Phủ, Tình thắm Sa Pa, Đỉnh núi mờ sương… Những bộ phim này đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc sống, văn hoá của đồng bào các dân tộc. Trong những năm gần đây mảng phim về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng thưa vắng, làm gia tăng sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi với đồng bào miền xuôi, làm cho đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc đã thiếu thốn lại càng thiếu thốn hơn”, đại biểu Nghĩa nêu lên thực tế và đề nghị chúng ta cần có chính sách để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh phục vụ cho đồng bào miền núi như tinh thần của Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: giữ gìn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc thiểu số.

Về việc thực hiện phương án hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nghĩa cho rằng Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn tác động của cơ chế hậu kiểm bởi khi phim đã được phổ biến trên không gian mạng rồi, phát hiện có vấn đề rồi mới xử lý thì khi đó cái không thể thu hồi chính là những hình ảnh của phim đã đọng lại trong tâm trí người xem. Từ đó đại biểu Nghĩa đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động và bổ sung thêm quy định xử lý sau hậu kiểm.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 5

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với dự thảo Luật về chính sách ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam. Bởi việc ưu đãi này sẽ giúp cho Điện ảnh Việt Nam tháo gỡ khó khăn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của điện ảnh những năm qua. “Trong báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng đã nêu rõ việc ưu đãi nhằm thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và dịch vụ liên quan; kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã áp dụng. Vì thế tôi đồng tình với việc bổ sung qui định này vào Luật”, đại biểu Nga nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nga, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng quy định này thể hiện mong muốn thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đây là mong muốn chính đáng, phù hợp. Tuy nhiên theo đại biểu Lâm, chúng ta cần phải cân nhắc việc đưa ra nhiều qui định chặt chẽ trong đó có yêu cầu phải cung cấp kịch bản phim chi tiết, có thể sẽ khiến nhiều nhà làm phim nước ngoài e ngại. “Cơ bản là các nhà làm phim nước ngoài đáp ứng được yêu cầu, không vi phạm các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, như qui định tại Điều 9 của dự thảo Luật là được”, đại biểu Lâm bày tỏ ý kiến.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 6

Nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Về Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh, theo đại biểu Lâm là thể hiện mong muốn văn hoá nói chung và điện ảnh nói riêng có được nguồn lực dồi dào để phát triển, tương xứng với các lĩnh vực kinh tế khác. “Dù trong giai đoạn này, Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển độc lập nhưng nếu bỏ quy định này ra khỏi Luật thì chúng ta sẽ mất cơ hội tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá. Sau này khi đã có đủ các nguồn lực, chúng ta lại không thể thành lập được Quỹ do Luật không quy định. Vì thế tôi cho rằng nên giữ nguyên quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh trong dự thảo Luật để lĩnh vực điện ảnh có tiềm năng tiếp cận được nhiều nguồn lực hơn nữa”.

Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu 20 luật của các quốc gia

Lắng nghe các ý kiến góp ý, trong phần giải trình, tiếp thu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã cảm ơn các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và cho biết trên tinh thần cầu thị, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XV, đặc biệt là sau phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, với trách nhiệm là cơ quan soạn thảo, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để từng bước hoàn thiện dự án Luật, trình Hội nghị ngày hôm nay.

“Như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, đây là bộ luật phải đảm bảo 2 mục tiêu: Vừa tạo điều kiện phát triển văn hoá nghệ thuật, đồng thời mở ra hướng phát triển của ngành công nghiệp văn hoá. Vì vậy, cơ quan soạn thảo phải cân đối mục tiêu chính này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cho biết, trong quá trình soạn thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu 20 luật của các quốc gia phát triển khác nhau để xem xét xu thế chung của thời đại, những vấn đề nào các quốc gia gặp phải để khi ra sân chơi lớn chúng ta không lạc hậu.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 7

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia

“Chúng tôi cũng nghiên cứu thực tiễn việc thực hiện Luật Điện ảnh trong thời gian qua, phát hiện những bất cập, bất hợp lý để đề xuất chính sách trình Quốc hội khi xem xét Luật. Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng đây là bộ luật khó, năng lực của Ban soạn thảo có hạn, nên chưa thể một lúc đáp ứng hết tất cả các ý kiến của đại biểu. Tinh thần là chúng tôi sẽ cố gắng tiếp thu tối đa và mong có sự chia sẻ, xem xét tùy theo cấp độ tiếp cận của đại biểu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

Người đứng đầu ngành VHTTDL cũng cho biết, trong dự thảo Luật có 12 ý kiến phát biểu với 5 nhóm vấn đề: “Thứ nhất, các đại biểu quan tâm làm sao để có một chính sách phát triển điện ảnh tốt hơn. Chúng tôi nghiên cứu xu thế chung và xác định chính sách tài khóa là quan trọng nhất. Trong tài khóa, các quốc gia ưu tiên phát triển điện ảnh bằng công cụ thuế trong đó có việc giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ thuế từ 18-25% như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Chúng tôi mong muốn có được sự ưu đãi đó và mong khi Quốc hội thông qua thì phải xem xét, điều chỉnh một số bộ luật để tạo sự tương thích. Khi chúng tôi tiếp xúc, trao đổi với một số nhà làm phim quốc tế, họ mong muốn có được chính sách này”.

Vấn đề các đại biểu quan tâm thứ hai theo Bộ trưởng Hùng là việc đầu tư cho trường quay. Trên thực tế, chúng ta chưa có trường quay quốc gia vì thế nên đầu tư cho trường quay quốc gia để tạo điều kiện cho Điện ảnh Việt Nam phát triển. Trong việc đầu tư cho trường quay thì đầu tư công của Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt. Vấn đề thứ ba, đại biểu quan tâm là việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ nên gửi kịch bản tóm tắt. Nhưng Ban soạn thảo mong muốn sẽ được cung cấp kịch bản phim toàn diện, hoàn chỉnh để có thể kiểm soát được các vấn đề về an ninh, chính trị, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ. Bộ trưởng cũng nêu dẫn chứng về một số bộ phim, cảnh quay ở Việt Nam không có vấn đề gì nhưng cảnh quay ở nơi khác thì lại vi phạm về an ninh, chính trị.

Cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nghiên cứu kỹ luật của 20 quốc gia - Anh 8

Toàn cảnh Hội nghị

Vấn đề thứ tư, về Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh, nhiều đại biểu cho rằng không nên để quy định về Quỹ vì nhiều lý do và cách tiếp cận khác nhau nhưng theo Bộ trưởng Hùng, chúng ta có thể nhìn thấy các khoản thu cho Quỹ như nhượng quyền thương hiệu phim, sản phẩm đi theo khi phim ra đời, lợi nhuận gia tăng trong công nghiệp điện ảnh. Các quốc gia phát triển khác đều có Quỹ và việc quản lý tốt sẽ giúp cho Quỹ hiệu quả hơn. Về phương án hậu kiểm đối với phim trên không gian mạng, được đa số các ý kiến đồng tình, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình thực hiện, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Bộ Công An, Bộ TTTT để việc kiểm duyệt phim được tốt hơn…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh gía cao 11 ý kiến đóng góp và cho biết, sau khi Ban soạn thảo và cơ qua thẩm tra tiếp thu đầy đủ, sẽ hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới. “Tinh thần chung là việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng,..”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc