Nâng cao “sức đề kháng” của người dân thông qua phát triển văn hoá đọc

VHO- Sáng 1.4 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức lễ phát động hai cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc và Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022. Ngoài là hoạt động hướng đến đẩy mạnh phong trào khuyến đọc, lễ phát động còn nằm trong chuỗi chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay.

Khơi dậy khát vọng cống hiến

Phát biểu tại lễ phát động, ông Phạm Quốc Hùng (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng BTC cuộc thi) nhấn mạnh: “Vị trí, vai trò của văn hoá đọc đã được Đảng ta khẳng định: “Văn hoá là hồn cốt dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.

Nâng cao “sức đề kháng” của người dân thông qua phát triển văn hoá đọc - Anh 1

Toàn cảnh lễ phát động 

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam cũng đã đưa ra yêu cầu: “Chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hoá phẩm ngoại lai độc hại” để từng bước “xây dựng môi trường văn hoá thực sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Ngoài ra kết luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24.11.2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là phải: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh, tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam”.

Từ những định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, ngành văn hoá đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hoạt động mang tính đổi mới, sáng tạo theo tinh thần “kiến tạo”, hướng đến cộng đồng. Phương châm hành động được Bộ VHTTDL đặt ra cho nhiệm kỳ lần này là “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”. Từ đó, hướng đến mục tiêu lan toả, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc, nhân rộng. Sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ, nhân lên “sức mạnh mềm của văn hoá”.

Nâng cao “sức đề kháng” của người dân thông qua phát triển văn hoá đọc - Anh 2

Ông Phạm Quốc Hùng (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL) phát biểu phát động cuộc thi

Năm 2017, Bộ VHTTDL, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, xác định quan điểm phát triển văn hoá đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của đất nước. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện Đề án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, đưa cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc và cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến trở thành nhiệm vụ thường niên.

Lan toả tình yêu văn hoá đọc đến người Việt tại nước ngoài

Nhìn lại kết quả đạt được trong giai đoạn trước, ông Phạm Quốc Hùng nêu rõ, cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc được tổ chức từ năm 2019 với trung bình khoảng 1 triệu bài dự thi mỗi năm đã cho thấy, đây là diễn đàn rất được học sinh, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Tình yêu với văn hoá đọc được thắp lên trong thế hệ trẻ cùng nhiều khát vọng. Nhiều “Đại sứ” đã có hoạt động thiết thực, lan toả tình yêu với sách đến gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Nâng cao “sức đề kháng” của người dân thông qua phát triển văn hoá đọc - Anh 3

Lễ phát động nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệu của đông đảo đại biểu, học sinh, sinh viên

Cùng với đó, cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến được ra đời vào năm 2021. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cuộc thi vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo thí sinh trên khắp cả nước với gần 3.000 bài dự thi sau 2 tháng nhận bài. 67.000 thành viên tham gia với hơn 2 triệu lượt xem trong 15 ngày bình chọn. Sau cuộc thi, các bài dự thi vẫn thu hút nhiều lượt xem, trở thành nguồn tài nguyên quý giá, giới thiệu hàng nghìn cuốn sach hay, bổ ích với đông đảo độc giảm người yêu sách trong cả nước.

Phát huy những thành công đã đạt được và để thu hút thêm nhiều thí sinh tham dự, ông Phạm Quốc Hùng cho biết cả hai cuộc thi năm nay sẽ có những đổi mới. Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc 2022 đã lựa chọn chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” với những bộ đề thi mới nhằm phát huy khả năng tư duy, tính sáng tạo của thí sinh. Bên cạnh đó, ngoài hình thức dự thi bằng bài viết hoặc video như thường lệ, năm nay, thí sinh có thêm nhiều hình thức để lựa chọn thể hiện như vẽ tranh, sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch… về tình yêu sách và đặc biệt là văn hoá đọc.

Đối với cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến, năm nay, BTC đã lựa chọn chủ để “Sách và khát vọng cống hiến”. Các thí sinh xây dựng video về những cuốn sách truyền cảm hứng, lan toả tri thức, khơi dậy khát vọng cống hiến, đóng góp tích cực cho xã hội. Cuộc thi được tổ chức 2 giai đoạn để tăng cơ hội tham gia cho nhiều thí sinh hơn nữa.

Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên Bộ VHTTDL phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, mở rộng cuộc thi về thành phần thí sinh tham gia đến cộng đồng 5,3 triệu bà con Việt Nam tại nước ngoài. Việc mở rộng đối tượng dự thi góp phần thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Với nhiều thay đổi về thể lệ so với các năm, ông Phạm Quốc Hùng lưu ý thí sịnh cần có sự nghiên cứu kỹ để hoàn thành tốt bài thi. BTC khuyến khích thí sinh lựa chọn những đề tài, cuốn sách mới, mang tính thời sự, có nội dung sát với chủ đề cuộc thi đặt ra.

Nâng cao “sức đề kháng” của người dân thông qua phát triển văn hoá đọc - Anh 4

Thí sinh có thể nộp bài dự thi các cuộc thi từ hôm nay 1.4. Ảnh: Vũ Mừng

“Ngay từ hôm nay, cổng tiếp nhận cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến đã chính thức được mở. Đồng thời, vòng sơ loại cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc cũng đã được ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai tại nhiều địa phương. BTC hy vọng cả 2 cuộc thi sẽ thu được nhiều kết quả tích cực, khơi dậy tình yêu đọc sách và khát vọng cống hiến phát triển đất nước, thúc đẩy phát triển văn hoá đọc và chấn hưng văn hoá nước nhà”, Vụ trưởng Vụ Thư viện kỳ vọng.

Hướng ứng 2 cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọcGiới thiệu sách trực tuyến 2022, Thượng tá Mạc Thùy Dương, Phó Giám đốc Thư viện Quân đội chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn cuộc thi lần này sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào đọc sách, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các đơn vị quân đội. Qua đó, tôn vinh hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội cụ Hồ. Thư viện Quân đội cam kết sẽ phối hợp với Cục Tuyên huấn chủ động hướng dẫn các đơn vị, nhà trường tham gia các cuộc thi”.

Là Đại sứ Văn hóa đọc 2021, em Nguyễn Minh Phương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam” mong muốn cả 2 cuộc thi sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt, trở thành nơi để các bạn trẻ chia sẻ tình yêu với sách, văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như phát huy hết giá trị con người Việt Nam.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc