Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Khối mầm non Hà Nội vẫn chờ đi học trực tiếp: “Dài cổ” ngóng quyết định

Thứ Sáu 08/04/2022 | 09:27 GMT+7

VHO- Kể từ tháng 4.2021, tức là sau một năm nghỉ dịch Covid-19, hầu hết các địa phương trên cả nước đã cho học sinh các cấp trở lại trường. Tính đến hôm nay, chỉ còn duy nhất cấp mầm non của Thủ đô Hà Nội vẫn còn đang ngóng quyết định của thành phố…

 Sớm đến trường là việc làm cấp thiết để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ

 Theo Bộ GD&ĐT, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc sớm đưa học sinh trở lại trường. Riêng bậc mầm non, 62/63 tỉnh/thành phố, trừ Hà Nội, cho các em đến trường; trong số đó, có 7 tỉnh cho dừng 1 huyện/ thành phố do dịch bùng phát nhanh.

Nhìn tổng thể, các địa phương đã rất quyết liệt, tích cực, thấy rõ việc cho học sinh đến trường là cần thiết. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh của mỗi nơi lại có đặc điểm khác nhau. Hà Nội là một trong những địa phương đưa học sinh trở lại trường học muộn nhất. Chiều 4.4, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 976/UBND-KGVX về việc cho học sinh các khối 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường từ ngày 6.4; trẻ mầm non tiếp tục nghỉ tại nhà.

Trong buổi sáng 6.4, ghi nhận tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các em vô cùng phấn khởi khi gặp lại bạn bè và thầy cô sau thời gian dài nghỉ dịch. Em Lê Trung Kiên, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Lê Lợi (Hà Đông) tỏ ra rất thích thú, phấn khởi khi được đến trường. Chị Thu Nhung, mẹ của em cho biết, sau buổi học, con về kể chuyện, cười nói không ngớt, thậm chí khi mẹ lên gác giặt quần áo, con còn đi theo lên để kể tiếp những câu chuyện về trường lớp và các bạn.

Trong khi học sinh tiểu học được đi học trong niềm hân hoan, thì phụ huynh và trẻ mầm non của Hà Nội vẫn đang mong ngóng quyết định của Thành phố. Việc nghỉ học kéo dài khiến trẻ mầm non bị thiệt thòi rất nhiều, vì đây là lứa tuổi cần được giao tiếp, hát múa, vui chơi và hoàn thiện các kỹ năng trước khi bước vào học tập chính thức ở môi trường học đường. Đặc biệt, việc trẻ mầm non ở nhà, phải kèm theo điều kiện là có người trông coi nên khiến nhiều gia đình gặp khó khăn.

Chị Thu Trang, ngụ tại phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) cho biết, kể từ khi cô con gái 5 tuổi của chị nghỉ dịch, chị phải gửi con đến nhà bà ngoại ở Kim Giang. Do công việc bận, khoảng cách lại khá xa nên có tuần chị chỉ được gặp con 1-2 lần. Trước Tết Nguyên đán, do em dâu sinh con nên mẹ chị không thể chăm sóc được cháu ngoại, hai vợ chồng chị thay nhau nghỉ phép để ở nhà với con. Hết phép, chị đành gửi con nhờ bà hàng xóm cũng có đứa cháu cùng tuổi con chị trông giúp.

Còn chị Ngọc Bích ở chung cư Mễ Trì (Nam Từ Liêm) có hai con đang ở lứa tuổi mầm non thì băn khoăn, “chiều nào ở sân chung cư, các bà, các mẹ cũng dắt trẻ xuống chơi rất đông, nếu sợ dịch không cho các cháu đi học thì tại sao khu vui chơi vẫn đông nghịt người, nhất là các cháu nhỏ. Thêm vào đó, bố mẹ các cháu đi làm, đi chợ, tiếp xúc bao người về vẫn tiếp xúc với con thì nghỉ ở nhà cũng không phải là không có nguy cơ”.

Anh Công Thắng, chủ mấy trường mầm non tư thục thở dài khi được hỏi về tình hình trường lớp: “Tôi đóng cửa 2 năm nay rồi, giờ chỉ còn giữ được một cơ sở do đã đóng tiền thuê 3 năm và chủ cũng hỗ trợ giảm 50% giá thuê mặt bằng”. Nhưng điều anh Thắng lo lắng nhất chính là khi được mở cửa trở lại, việc tìm kiếm giáo viên sẽ vô cùng khó khăn vì các cô giáo đã chuyển nghề hết rồi. Theo anh Thắng, chỉ có giáo viên mầm non trường công là còn có thể trở lại nghề vì dù sao họ cũng được hỗ trợ lương trong thời gian nghỉ dịch.

Việc đưa học sinh trở lại trường học là chủ trương quan trọng của Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để trẻ em, học sinh được đi học trực tiếp trở lại, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo, đến tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên. Vì thế, việc sớm cho trẻ mầm non đến trường là việc làm vô cùng cấp thiết để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho các em. 

 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top