Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Để tăng sức chịu đựng cho trẻ

Thứ Sáu 15/04/2022 | 09:33 GMT+7

VHO- Theo các chuyên gia tâm lý, vấn đề trầm cảm, rối loạn tâm lý, tổn thương sức khỏe tâm thần, tự tử vẫn đang diễn ra ở số lượng lớn HSSV, nhưng những vụ tự tử gần đây đã làm nóng vấn đề cho thấy đã đến lúc cần phải có những giải pháp nhằm trị liệu tâm lý cho trẻ em và học sinh trong môi trường học đường.

 Lực lượng PCCC&CNCH đu dây cứu nam sinh có ý định tự tử ở quận Thanh Xuân

 Cha mẹ phải biết lắng nghe

Khoảng 19h30 tối 13.4, một nam sinh lớp 9 đã được Công an thành phố Hà Nội giải cứu thành công khi đang có ý định tự tử từ tầng 19 của một tòa nhà cao tầng trên đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) trong tình trạng hoảng loạn, cầm dao cố thủ bên trong nhà. Để giải cứu nam sinh, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) điều động một xe thang, một xe cứu nạn cứu hộ nhanh chóng tới hiện trường, một mặt cử chiến sĩ đu dây chặn ở lan can đề phòng nam sinh nhảy xuống, phía dưới trải thảm phao, cùng một đội phá cửa để xông vào. Không lâu sau, nam sinh đã được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH giải cứu và bàn giao cho gia đình để trấn an tinh thần và động viên em bình tĩnh trở lại. Được biết, nam sinh sinh năm 2007, hiện đang là học sinh lớp 9 tại một trường thuộc địa bàn Hà Nội, do áp lực dẫn tới uất ức, nảy sinh ý định tự tử. Trước đó vài ngày, một nữ sinh lớp 8 tại Nam Định cũng được một người dân cứu sống khi nhảy xuống sông tự tử. Như vậy chỉ trong vòng nửa tháng qua đã có 4 - 5 học sinh thực hiện hành vi tự tử được thông tin rộng rãi, trong đó có 2 em được cứu sống.

Các quan điểm tại hội thảo Ứng dụng tâm lý học trường học trong bối cảnh đổi mới giáo dục diễn ra ngày 14.4 (do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức tại Hà Nội) cho thấy, ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, HS có những đặc trưng thể chất và tâm lý khác nhau, phải trải nghiệm với những khó khăn và thách thức nhất định. Để học sinh phát triển toàn diện, tự hoàn thiện mình, nhà trường, giáo viên, cha mẹ phải lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu những vướng mắc của học sinh, chia sẻ những giải pháp định hướng đúng đắn cho sự phát triển tâm lý.

Theo TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), sau thời gian dài giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng biện pháp học tập online, tách học sinh ra khỏi môi trường học đường đã tác động lớn đến tâm lý các em, thậm chí bộc lộ những dấu hiệu rối nhiễm tâm lý đáng lo ngại. Trước đại dịch, nghiên cứu của UNICEF đưa ra con số là gần 3% trẻ có suy nghĩ liên quan đến tự tử, nhưng nghiên cứu mới nhất trong thời gian sau đại dịch tăng lên tới 24%; số liệu này trên thế giới thông thường là 9%. Như vậy, suy nghĩ về tự tử trở thành hiện tượng là có.

“Suy nghĩ tự tử chỉ là một biểu hiện bộc lộ bên ngoài thôi, nhưng nó được kích hoạt bởi một số điều kiện khác vì khả năng chống đỡ với tác động bên ngoài kém, trong khi lại muốn thể hiện mình. Khi xung đột với bố mẹ, thầy cô dẫn đến những chán chường trong khi thông tin báo chí, mạng xã hội nói nhiều về các vụ tự tử nên nảy sinh ý định làm theo, chứ nhiều em không phải muốn chết, nhưng cuối cùng lại dẫn đến hậu quả đau lòng. Trầm cảm ở HS tăng đột biến thời gian qua, khoảng 60% bị stress, hơn 30% trầm cảm và 40% có rối loạn lo âu dẫn đến hành vi tự tử”, TS Hoàng Trung Học nói.

Phải giáo dục con trẻ biết đối mặt với khó khăn

Áp lực, khó khăn về gia đình, học tập, giáo dục, nhà trường thì thời nào cũng có, nhưng chỉ có một vài em tự tử, tức là khả năng chấp nhận, ứng phó, giải quyết vấn đề của em đó còn hạn chế. Trên thế giới có một khái niệm là “thế hệ bông tuyết” để nói về một thế hệ trẻ rất tinh khôi, nhưng rất dễ tan chảy, rất dễ nhạy cảm và dễ xúc động. Từ đó cho thấy, hiện tượng học sinh tự tử nếu đổ lỗi hoàn toàn cho ngành Giáo dục là phiến diện. Dù vậy, trách nhiệm của gia đình và nhà trường là tăng nội lực, tăng sức tải cho học sinh, giúp các em có kỹ năng tiếp nhận và ứng phó, xử lý một cách phù hợp, khoa học. Đừng đưa trẻ vào thế giới ảo với game, điện thoại thông minh, mà phải giáo dục con trẻ biết đối mặt với khó khăn, rèn luyện ý chí vượt qua khó khăn, chứ không phải là bông tuyết rơi rồi tan biến ngay. Một đứa trẻ mà sức tải, sức chịu đứng kém cộng với dấu hiệu của Covid-19 và tác động chút nữa về học tập, kỳ vọng của cha mẹ sẽ là tác nhân đẩy đứa trẻ tới hành vi tự tử.

TS Hoàng Trung Học cũng cho rằng, đối với lứa tuổi vị thành niên, là giai đoạn chuyển giao với tâm sinh lý phát triển, mất cân đối hệ thần kinh, chẳng hạn như với học sinh THCS, cảm giác hưng phấn rất mạnh nhưng ức chế trong lại kém, hệ tuần hoàn thể tích tim nhanh, nhưng máu trung chuyển không kịp dẫn đến thiếu máu cục bộ dẫn đến biểu hiện mệt mỏi đột ngột ở trẻ và dễ dẫn đến những hành vi kích động, manh động, không kiểm soát được. Để trẻ tăng tải, tăng sức chịu đựng thì hãy cho đứa trẻ từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành được trải nghiệm và vấp ngã trong những hoàn cảnh có thể và đối với những vấn đề có thể. Không nên hy vọng có người dày dạn, mạnh mẽ mà trong cuộc đời không trải qua những khó khăn.

“Về phía trách nhiệm của gia đình, đang có khoảng cách về thế hệ khiến cho trẻ cảm thấy áp lực còn bố mẹ thì thấy bế tắc trong chăm sóc, giáo dục con cái. Bố mẹ hiện nay đa số là thế hệ 7X hay 8X trở về trước, coi việc học là thước đo chuẩn mực của một người trưởng thành. Việc học tập ở thế hệ đó không chỉ là để làm người, là chuẩn mực của người trưởng thành, mà học còn để thoát nghèo, vượt nghèo. Thậm chí việc học còn là biểu tượng cho một người thành đạt. Nhưng quan niệm của người trẻ hiện nay đã khác. Một học sinh học hết THPT, thậm chí chỉ cần tốt nghiệp THCS có thể vào làm việc tại các công ty chỉ cần lao động phổ thông với mức lương 7-8 triệu/tháng. Trong khi người có bằng đại học, bằng thạc sĩ, mức thu nhập hằng tháng có thể cũng chỉ 7-10 triệu/tháng. Điều này khiến cho một bộ phận giới trẻ có sự thay đổi trong quan niệm về học hành, thành đạt, nhìn xã hội ở một khía cạnh khác. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột trong giáo dục, mục tiêu học hành”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh. 

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top