Ứng xử chuyên nghiệp với di sản đô thị

VHO- Trong số này Văn Hóa có bài trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để khép lại loạt bài “Báo động cách ứng xử với di sản kiến trúc - nghệ thuật”, bởi ông còn là cựu Giám đốc Sở VHTT Hà Nội. Và ông đã có lý khi cho rằng, “tôi không phải người làm nghiên cứu hay nhà quản lý có tư duy ôm khư khư quá khứ, cũng không phải người hoài cổ.

Ứng xử chuyên nghiệp với di sản đô thị - Anh 1

 Biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM. Ảnh: tư liệu

Nhưng về tổng thể, phải tính cái gì là cổ kính cần giữ, nếu giữ lại hoặc bỏ đi thì lợi ích, ảnh hưởng về vật chất và tinh thần ra sao. Càng khó thì càng cân nhắc thật kỹ, hơn nữa trong thời đại công nghệ 4.0 thì càng cần phải công khai dự án, công khai quy hoạch, nhà quản lý càng cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng...”. 
Câu chuyện ứng xử như thế nào với di sản đô thị, trong đó có những tác phẩm nghệ thuật lưu dấu ấn lịch sử qua mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô và nhiều tỉnh, thành khác là vấn đề được dư luận và báo chí đề cập khá dày đặc trong những năm trở lại đây. Sở dĩ cần phải nhắc lại như thế là bởi nhiều di sản đô thị, nhiều bức phù điêu, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã, đang bị “rung lắc” trước nhu cầu ngày một lớn trong việc phát triển hạ tầng... Sự rơi rụng của nhiều giá trị di sản đô thị cả ở trên và dưới lòng đất có nhiều nguyên nhân theo hướng “tích tiểu thành đại”, nhưng có một lý do rất quan trọng được giới chuyên gia, nhà nghiên cứu thường nhấn đi nhấn lại, đó là trong quy hoạch nói chung và quy hoạch hạ tầng, đô thị nói riêng thường vắng bóng yếu tố văn hóa, tiếng nói của những nhà chuyên về bảo tồn ít khi được xuất hiện. Nếu có thì cũng rất mờ nhạt. Chính vì sự thiếu hụt hoặc mờ mờ này nên không ít di sản đô thị, tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị tổn thương nghiêm trọng khi mỗi dự án, quy hoạch đi qua... Tính “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển vì thế cũng dần tăng lên.
Trước đây người viết từng được tham gia vào một số dự án xây dựng thuỷ điện lớn, nhỏ. Khi chủ đầu tư chuẩn bị tích nước, họ đã mời các nhà khảo cổ học tiến hành thăm dò ở dưới lòng đất xem có di vật, hiện vật lịch sử nào không. Quả thật trong những lần thăm dò như vậy mà biết bao di vật, hiện vật khảo cổ thoát được cảnh chìm nghỉm trong biển nước thông qua nhiều cuộc khai quật với quy mô lớn. Nói như vậy để thấy rằng, nếu dự án hay quy hoạch nào trước khi được triển khai, thực hiện mà cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương mời các nhà chuyên môn về di tích, lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc... tham gia góp ý kiến hoặc tổ chức rà soát, thăm dò trước một bước thì tin chắc rằng, di sản đô thị hay tác phẩm nghệ thuật công cộng sẽ tránh được tình trạng “giải cứu”, “chữa cháy” khẩn cấp. 
Trở lại với ý kiến của TS Nguyễn Viết Chức, rằng “càng khó thì càng cân nhắc thật kỹ, hơn nữa trong thời đại công nghệ 4.0 thì càng cần phải công khai dự án, công khai quy hoạch, nhà quản lý càng cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng...”, thiết nghĩ những cơ quan “cầm cân nảy mực” cần đưa vào “bộ nhớ” theo hướng trước khi đặt bút ký vào bất kỳ một quy hoạch, dự án nào, đặc biệt quy hoạch, dự án đó rơi vào những khu vực “nhạy cảm” với yếu tố văn hóa, lịch sử thì cần có tiếng nói của giới chuyên môn về bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Có làm được như vậy chúng ta sẽ hạn chế được phần nào di sản bị “tan vụn” trong quá trình đô thị hóa. 

 NGUYỄN THANH SƯƠNG 

Ý kiến bạn đọc