Đừng giải thích, hãy nêu giải pháp

VHO- Những ngày qua, dư luận dậy sóng trước câu chuyện của một phụ huynh có con học lớp 9 được giáo viên mời đến và đề nghị viết đơn “xin cho con không thi vào lớp 10” chỉ vì cháu có học lực trung bình khá! Cụ thể, giáo viên yêu cầu những em học không thật tốt phải đăng ký xét tuyển vào các trường tư, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc cam kết không thi vào lớp 10.

Đừng giải thích, hãy nêu giải pháp - Anh 1

Ảnh minh họa

Có trường thông qua lý do tư vấn hướng nghiệp để mời phụ huynh tới trao đổi, nhà trường sẽ họp riêng từng phụ huynh để đưa ra định hướng, nhưng mục đích cuối vẫn là để các em không thi vào lớp 10.

Chuyện lạ có thật này đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều trong cộng đồng, đa số đều cảm thấy bức xúc trước hiện tượng có thể nói là “phản giáo dục” này. Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ, cấp trên yêu cầu các trường thống kê điểm thi vào 10 của học sinh để xếp hạng thứ tự. Điều đáng nói là danh sách này được công bố công khai và các phụ huynh sẽ căn cứ vào “bảng xếp hạng” để chọn trường cho con em mình. Đối với một trường THCS, số lượng học sinh là “chỉ số sống còn”, liên quan đến kinh phí hỗ trợ, đầu tư, xây dựng cơ bản, thu hút giáo viên giỏi… Bởi vậy, gần như trường nào cũng cố gắng để có được thứ hạng cao, ít nhất là trên địa bàn quận. Chỉ số kết quả thi vào lớp 10 còn được sử dụng làm tiêu chí đánh giá một số lĩnh vực khác liên quan tới trường, tới giáo viên nên không chỉ khiến hiệu trưởng mà cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cũng lo lắng, quan tâm...

Nhiều hiệu trưởng khi được hỏi giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên đều cho rằng, nếu cấp trên chỉ thống kê kết quả thi vào lớp 10 để rút kinh nghiệm, không công bố công khai thì sẽ hạn chế đáng kể, thậm chí xóa sổ vấn nạn này. Một vị hiệu trưởng trường THCS thuộc quận Hoàng Mai lên tiếng: “Các con học hành gần chục năm trời nên cũng muốn thi vào một trường nào đó có uy tín để học tập, nay tước đi cơ hội đó thì đúng là không nên. Nhưng cũng phải nói lại rằng, có những em học rất kém, nhờ sự tư vấn của giáo viên mà các em chọn được trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường dạy nghề phù hợp nên sẽ vừa hoàn thành chương trình phổ thông, lại vừa chọn cho mình một nghề nghiệp vững chắc để vào đời…”.

Ở chiều ngược lại, đa số ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính là căn bệnh “thành tích”. Việc ép học sinh không được thi cũng chính là tạo sức ép tâm lý rất lớn lên con trẻ, gây ra hậu quả khôn lường. Hành vi thuyết phục phụ huynh làm đơn tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 để giữ “thương hiệu” cho thầy cô, cho nhà trường là không thể chấp nhận được, là biểu hiện rõ rệt của bệnh thành tích đã ăn vào thâm căn cố đế của ngành giáo dục nước nhà.

Có thể nói, khắc phục “căn bệnh trầm kha” này là động thái không mới. Vào năm 2006, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hồi đó là GS Nguyễn Thiện Nhân đã thực hiện cuộc vận động hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích”, bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo. Vào những năm đầu tiên của cuộc vận động, bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử được khắc phục đáng kể… Còn nay, thật đáng tiếc bởi thay vì tìm giải pháp để giải quyết tận gốc căn nguyên của vấn đề thì nhiều vị lại ra sức chứng minh rằng: Không có chuyện ép buộc học sinh yếu, kém chuyển trường hay không cho các em dự thi vào lớp 10; Chỉ có một số học sinh chuyển trường vì lý do này, lý do kia… Nhưng cần phải nói rõ, tình trạng giáo viên “thuyết phục” phụ huynh làm đơn tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 đã được báo chí phản ánh từ nhiều năm trước và cho tới nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngành giáo dục cần nhận diện rõ những bất cập để có giải pháp thích hợp.

Trên hết, sự thay đổi tư duy toàn diện cùng sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội mới là giải pháp hữu hiệu để loại trừ bệnh thành tích trong giáo dục, đem lại môi trường học đường lành mạnh cho con em chúng ta. 

 QUỐC HÙNG

Ý kiến bạn đọc