Xác lập hai kỷ lục “đặc sản” rừng U Minh

VHO - “Tổ ong mật lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong” và “Nồi lẩu mắm U Minh lớn nhất Việt Nam” vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục, tại sự kiện "Hương rừng U Minh" tỉnh Cà Mau diễn ra từ ngày 28-30.4.

Xác lập hai kỷ lục “đặc sản” rừng U Minh - Anh 1

Trao bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam đến các đơn vị sở hữu

Theo đó, dựa vào công tác thẩm định và đo đạc trực tiếp tại sự kiện cũng như bộ hồ sơ do các bên đăng kí kỷ lục cung cấp, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã quyết định xác lập hai kỷ lục Việt Nam: “Nồi lẩu mắm U Minh lớn nhất Việt Nam” đến UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau và nhà hàng sinh thái Homestay Hương Tràm; “Tổ ong mật lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong” đến UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau và công ty TNHH MTV Mười Ngọt. 

Xác lập hai kỷ lục “đặc sản” rừng U Minh - Anh 2

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Ban Kiểm tra Kỷ lục, thành viên đoàn thẩm định đo kích thước của tổ ong

Xác lập hai kỷ lục “đặc sản” rừng U Minh - Anh 3

Ông Nguyễn Tiến Dũng tiến hành đo kích thước của nồi lẩu mắm

Tổ ong xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam là tổ ong mật được khai thác từ nghề gác kèo ong tại điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt. Tổ ong nặng 43kg, dài 2,2m, rộng 1m, thu hoạch khoảng 15 lít mật. Lẩu mắm U Minh được thực hiện bởi 3 đầu bếp, 7 phụ bếp của Khu du lịch sinh thái Hương Tràm; có đường kính 125cm, cao 40cm, chiều cao toàn bếp là 75cm. Lẩu chứa 50 lít nước lẩu được nấu từ 10kg mắm cá đồng và nước của hơn 200 trái dừa tươi; nguyên liệu là các loài thủy hải sản đặc trưng của Cà Mau như cá lóc đồng, cá rô đồng, lươn rừng U Minh, cua, tôm Cà Mau,... cùng hơn 20 loại rau ăn kèm như bông súng, rau nhút, rau dừa, rau đắng, rau cần nước, đọt choại, bắp chuối, cù nèo, rau mác, lục bình, bồn bồn..., phục vụ hơn 300 người. Đặc biệt, nồi nấu lẩu được thiết kế riêng theo hình dáng độc đáo của lẩu cù lao miền Tây - lẩu than truyền thông, với trọng lượng 60kg.

Xác lập hai kỷ lục “đặc sản” rừng U Minh - Anh 4

Lẩu mắm khổng lồ được thực hiện hết sức kì công dưới bàn tay điêu luyện của các đầu bếp

Lẩu mắm U Minh cũng như nghề gác kèo ong là những “đặc sản” thể hiện rõ bản sắc văn hóa của vùng đất U Minh huyền thoại từ thời khai hoang mở cõi đến giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, nghề gác kèo ong tại Cà Mau đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể guốc gia vào năm 2019. Với việc công nhận U Minh có hai kỷ lục là “Nồi lẩu mắm U Minh lớn nhất Việt Nam” và "Tổ ong mật lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong" sẽ là cơ hội rất lớn để vùng đất U Minh nói riêng cũng như tỉnh Cà Mau quảng bá và giới thiệu hình ảnh, vùng đất và con người nơi đây đến với du khách trong và ngoài nước.

Xác lập hai kỷ lục “đặc sản” rừng U Minh - Anh 5

Hình ảnh của tổ ong lớn nhất Việt Nam được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, huyện U Minh

Trước đó, như tin đã đưa, sự kiện “Hương rừng U Minh” năm 2022 với chủ đề “Hành trình đến Du lịch xanh” diễn ra từ chiều 28-30.4, tại thị trấn U Minh và Vườn Quốc gia U Minh Hạ với nhiều hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực và thương mại. “Hương rừng U Minh” là hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ chương trình “Cà Mau - Điểm đến năm 2022” của UBND tỉnh Cà Mau. Đây là năm thứ 2 “Hương rừng U Minh” diễn ra, thông qua sự kiện, nhằm hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia năm 2022 đồng thời quảng bá, giới thiệu tiềm năng thể mạnh của huyện U Minh đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh; xây dựng hình ảnh địa phương phong phú, đa dạng…

T.TRANG; ảnh: VietKings

Ý kiến bạn đọc