Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống TNTT ở trẻ em: “Chưa có chế tài để triển khai, chưa làm rõ được trách nhiệm”

Thứ Hai 23/05/2022 | 11:08 GMT+7

VHO-  Theo số liệu của Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), từ tháng 1 - 5.2022 cả nước có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước. Trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước.

 Tờ rơi tuyên truyền

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em tại Việt Nam vẫn luôn là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Trong 5 năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, Ban, ngành giảm được tỉ lệ trẻ em mắc và tử vong do TNTT, tương đương các nước thu nhập trung bình và trong khu vực, nhưng vẫn cao hơn gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Đặc biệt, tử vong do TNTT chiếm tỉ lệ cao ở các nhóm trẻ em từ 1-14 tuổi.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có tỉ lệ trẻ đuối nước tăng cao. Mới đây, đoàn công tác liên ngành của Bộ LĐ,TB&XH gồm đại diện lãnh đạo Cục Trẻ em, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác tăng cường phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa cho biết, từ năm 2020 đến tháng 4.2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.500 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 99 nạn nhân tử vong, riêng tử vong do đuối nước là 80 trẻ (chiếm 80,8%). Bà Hương cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống TNTT trẻ em còn hạn chế, một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, chăm sóc trẻ em.

Bên cạnh đó, môi trường sinh sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn; chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng. Cùng với đó là nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu, hoạt động này chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các chương trình khác nhau. Đặc biệt, việc trẻ đi tắm ở biển, sông, suối, ao, hồ khi chưa biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; một số hố công trình không có biển báo, rào chắn cũng là một trong số các nguyên nhân gây đuối nước thường gặp…

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, các địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; đổi mới và đa dạng hình thức truyền thông, giáo dục, phổ biến để kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến được với cha mẹ, học sinh và cộng đồng dân cư một cách hiệu quả. Với hàng nghìn km bờ biển, nhiều sông ngòi, hồ, đập ở Việt Nam, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, lập bản đồ các khu vực nước sâu, nguy hiểm gây đuối nước để có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh báo, cảnh giới; tăng cường và phát huy hiệu quả hơn nữa công tác phối hợp liên ngành, thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em.

 Tập huấn kỹ năng dạy bơi Ảnh: HUYỀN THU

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, hiện nay có hiện tượng người người, nhà nhà dạy bơi cho trẻ em hoặc truyền thông loan tin về việc dạy bơi là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm mục đích phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp duy nhất mà cần có nhiều giải pháp can thiệp, trong đó đầu tiên là phải tuyên truyền về nhận thức của gia đình, của bản thân các em về các nguy cơ mất an toàn trong môi trường nước. Chúng ta đều biết, các vụ việc xảy ra đuối nước gần đây đều là trẻ đi bơi, đi chơi ở các vùng nước nguy hiểm, thiếu cảnh báo và không có người lớn đi cùng; thậm chí có em biết bơi rồi vẫn bị tử vong là do thiếu các kỹ năng an toàn.

Một cảnh báo khác là trẻ em dù biết bơi hay không biết bơi không bao giờ được nhảy trực tiếp xuống nước cứu người khác bị đuối nước mà cần phải dùng sào, gậy, các đồ vật hoặc hô hoán người khác tới cứu, đây là những kỹ năng an toàn cần dạy cho trẻ em. “Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống TNTT ở trẻ em, điều này đã được quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên đến nay chưa có các chế tài để triển khai, chưa làm rõ được trách nhiệm đến đâu, như thế nào. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu, góp ý nhằm đưa ra các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu”, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ.

Ngày 15.5 hằng năm được chọn là Ngày quốc tế về An toàn nước nhằm nâng cao nhận thức của toàn cầu về vấn đề đuối nước đang diễn ra hằng ngày hằng giờ. Đồng thời, giáo dục các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em một cách hiệu quả. Còn ngày 25.7.2021 là ngày lần đầu tiên được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn là Ngày thế giới Phòng chống đuối nước với chủ đề “Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống!”. Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường truyền thông, giáo dục phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đến nay, mạng lưới Phòng, chống đuối nước trẻ em trên toàn quốc đã được thiết lập; huy động cộng đồng tham gia hỗ trợ dạy kỹ năng an toàn, kỹ năng giám sát trẻ và các tài liệu truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em.

Bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết, năm 2022, mục tiêu đặt ra là triển khai các chương trình can thiệp hiệu quả và bền vững, góp phần giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em. Hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình phòng, chống TNTT và phòng, chống đuối nước trẻ em của quốc gia; từ đó thực hiện được mục tiêu giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030, theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

 Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống TNTT ở trẻ em, điều này đã được quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên đến nay chưa có các chế tài để triển khai, chưa làm rõ được trách nhiệm đến đâu, như thế nào.

(Bà VŨ THỊ KIM HOA, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em)

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top