Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng: Tránh nhầm lẫn với các dấu hiệu bệnh khác

Thứ Tư 25/05/2022 | 09:57 GMT+7

VHO- Quay lại đi học sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19 cùng với thời tiết diễn biến bất thường khiến nhiều cháu bị mắc bệnh tay chân miệng tăng cao. Đến nay cả nước đã ghi nhận 5.545 ca mắc tay chân miệng, 1 trường hợp tử vong, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

 Người dân đưa trẻ đến khám bệnh tại cơ sở y tế

Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng…

Bé B.Q.A (18 tháng, TP.HCM) sốt đến ngày thứ 3 thì chuyển sang tình trạng giật mình, quấy khóc, sốt cao không hạ. Bé được gia đình đưa đi bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2, phải theo dõi đặc biệt tại phòng cấp cứu. Theo chị Liên, mẹ bé, 4 ngày trước con chị bỏ ăn, tối ngủ lên cơn sốt 39oC, gia đình cho trẻ uống thuốc thì cắt được cơn sốt. Sáng hôm sau chị cho con đi khám tại phòng khám gần nhà, nhân viên y tế tại đây cho biết bé Liên đang sốt mọc răng. “Do tay chân bé cũng không có nốt đỏ nên tôi chỉ nghĩ con bị sốt mọc răng, không biết cháu bị tay chân miệng. Hôm qua con uống hạ sốt nhưng vẫn sốt cao trên 40oC, giật mình liên tục. Gia đình sợ quá nên cho con đi cấp cứu ngay, may mà vẫn kịp”, mẹ bé Q.A nói.

Tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC), trong 4 tháng đầu năm, TP ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% trẻ ở độ tuổi 1-5, riêng trong tháng 4 tăng gấp 4 lần so với trung bình những tháng trước. Trong tuần qua, HCDC ghi nhận 628 ca tay chân miệng, tăng gần gấp ba lần so với trung bình một tháng trước, số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú...

Theo các chuyên gia, khi mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường sau thời gian gián đoạn do Covid-19, trẻ đi học và giao lưu nhiều, những dịch bệnh lưu hành thường niên như tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp. Theo ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), bệnh tay chân miệng là một bệnh do siêu vi trùng đường ruột, thuộc hai nhóm là Coxsackievirus và Enterovirus. Vi trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường tiêu hóa khi tay chân của bé bẩn hoặc người tiếp xúc, người chăm sóc bé không giữ bàn tay sạch. Có giai đoạn 50% trường hợp bệnh nhi nhập viện trong khoa nhi là do bệnh tay chân miệng, đa số là những bé dưới 3 tuổi.

Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng

Tại các tỉnh phía Nam, bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào tháng 2 - 4 và từ tháng 9 - 12 hằng năm. “Trẻ bị tay chân miệng thường có những biểu hiện điển hình như loét miệng, lòng bàn tay bàn chân có những nốt phát ban hoặc bọng nước. Tuy nhiên có những trẻ chỉ nổi nốt ở ngoài da tay chân mà miệng không có biểu hiện và ngược lại. Một số trường hợp tay chân miệng sang thương có thể nổi cả ở trên mông, trên đầu gối hoặc là ở cùi chỏ. Đáng lưu ý, trẻ mắc tay chân miệng đa số dưới 5 tuổi, trùng vào thời điểm trẻ mọc răng và đôi khi trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng làm cho trẻ chảy nước miếng hay biếng ăn nên nhiều cha mẹ nhầm lẫn trẻ bị mọc răng, không phát hiện bệnh kịp thời.

Ngoài nhầm lẫn với sốt mọc răng, nhiệt miệng, tay chân miệng còn hay bị chẩn đoán nhầm với sốt phát ban, thậm chí là thủy đậu do các nốt bóng nước trên cơ thể. Với một số trường hợp, đôi khi bác sĩ cần phải có kinh nghiệm về bệnh tay chân miệng mới có thể chẩn đoán bệnh. Do đó, việc phụ huynh nhầm lẫn giữa tay chân miệng và các bệnh khác là điều dễ hiểu”, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu và đến nay cũng chưa có vắc xin phòng ngừa nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng. Khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để có chẩn đoán sớm. Nếu mắc bệnh, trẻ phải được tái khám thường xuyên, thường là cách khoảng 1- 2 ngày để phát hiện kịp thời biến chứng nếu có. Mặc dù 70% ca tay chân miệng ở thể nhẹ, đa số tự khỏi nhưng cũng có một số trẻ gặp phải biến chứng nặng. Trường hợp biến chứng nặng có thể tấn công vào não gây tổn thương trung tâm hô hấp, tuần hoàn làm cho trẻ dễ diễn tiến tới suy hô hấp và tuần hoàn, có thể tử vong.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới và nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch... Chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Thực hiện tốt việc phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác... 

Các bậc cha mẹ lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, không cho trẻ ăn thức ăn chua, quá nóng hay cay. Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến vệ sinh răng miệng cho trẻ vì những trẻ bị tay chân miệng rất ngại đánh răng và dễ ứ đọng nước miếng do trẻ bị đau miệng, không dám nuốt.

Đối với vấn đề chăm sóc da phải thường xuyên tắm rửa cho trẻ, để trẻ ăn mặc thoáng mát, không ủ trẻ quá kín, tránh bôi hoặc đắp các loại lá cây hay thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

(ThS.BS LÊ PHAN KIM THOA)

 

 Phòng chống các bệnh dịch mùa hè

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cho biết, TP đang ghi nhận hàng nghìn ca mắc sốt xuất huyết (SXH), cao hơn gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cơ quan y tế khuyến cáo cần chủ động đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch để giảm thiểu tối đa số ca mắc SXH mỗi ngày. Số lượng bệnh nhân mắc SXH vẫn có chiều hướng gia tăng, phát hiện khoảng hơn 100 ổ bệnh sốt xuất huyết nhỏ. Cụ thể, tính từ đầu năm 2022, TP Đà Nẵng đã ghi nhận khoảng 1.326 ca mắc SXH. Các ca bệnh xuất hiện tại 7 quận huyện, trong đó các địa phương có số ca mắc tăng cao là quận Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Quận Liên Chiểu là nơi ghi nhận số ca mắc SXH tăng cao nhất thời gian qua, trung bình mỗi ngày Trung tâm y tế quận Liên Chiểu đón nhận từ 40 - 50 bệnh nhân mắc bệnh SXH đến khám và điều trị, trong đó có khoảng 20 ca bệnh ở lại nhập viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt, Phó Trưởng khoa bệnh Nhi (Trung tâm y tế quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), do thời tiết thay đổi kèm theo mưa nên tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển, tỷ lệ lây nhiễm SXH do đó mà tăng nhanh. Trên địa bàn quận Sơn Trà, số ca mắc chủ yếu là trẻ em ở độ tuổi 10 -12 tuổi. Qua đó bác sĩ Việt cũng khuyến cáo: “Nếu thấy trẻ xuất hiện một số triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết chân răng..., người lớn phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng dẫn đến biến chứng, ngoài ra các gia đình phải đề phòng và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh dịch trong mùa hè”. Bên cạnh dịch SHX, bệnh tay chân miệng cũng bước vào thời gian cao điểm trong năm, tính đến giữa tháng 5.2022, Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. MINH CHÂU

MAI TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top