Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Phát huy giá trị ẩm thực Huế để thúc đẩy du lịch

Thứ Sáu 27/05/2022 | 10:12 GMT+7

VHO- Ẩm thực là di sản có giá trị của cả nước nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng, khi địa phương này được nhận định là “sở hữu” gần 2/3 món ăn, thức uống của cả nước. Phát huy di sản ẩm thực Huế cần được quan tâm và thực hiện bài bản để khai thác giá trị, mang lại hiệu quả cho ngành du lịch và kinh tế của tỉnh nhà.

 Du khách thưởng thức, trải nghiệm ẩm thực Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh các hoạt động, chương trình trong kế hoạch xây dựng đề án và phát triển thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Vấn đề về định vị thương hiệu cho ẩm thực Huế đã được quan tâm từ lâu, song vẫn chưa thể biến “mỏ vàng” này thành nguồn đóng góp lớn cho ngành du lịch cũng như kinh tế địa phương.

Cuối tháng 4 vừa qua, hãng truyền thông Nhật Bản đưa thông tin về việc chính quyền thành phố Saijo đã đưa món bún bò Huế vào thực đơn ăn trưa dành cho học sinh của 35 trường học trên địa bàn. Câu chuyện này đã làm cho nhiều người dân Huế và những người yêu Huế tiếp tục quan tâm đến việc khai thác kho tàng ẩm thực của ông cha. Thời gian gần đây, du khách đến Huế để tìm hiểu và trải nghiệm ẩm thực có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên ẩm thực Huế vẫn chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng vốn có. Hiện trên địa bàn Thừa Thiên Huế có hệ thống các khách sạn lưu trú khá lớn, song thực tế cho thấy nhà hàng tại các khách sạn này chưa làm nổi bật lên được giá trị ẩm thực Huế trong thực đơn của mình.

Huế cũng có nhiều nhà hàng độc lập, nhưng số lượng nhà hàng phục vụ món ăn truyền thống và đặc trưng Huế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều quán ăn, cơ sở kinh doanh ẩm thực nhỏ lẻ tại Huế cũng thu hút đông du khách với một số món ăn đặc trưng, song quy mô đón khách và cách thức phục vụ, hệ thống cơ sở vật chất chưa thể khai thác nguồn khách du lịch số lượng lớn và dòng khách có mức chi tiêu cao… Chưa kể, một số du khách còn “ngần ngại” trong chọn lựa nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực để thưởng thức vì sợ không chuẩn “vị Huế”. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, mục tiêu khi thực hiện đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” là phải kiểm kê, tổng hợp một cách khoa học và bài bản các món ăn, thức uống của Huế; đồng thời phải tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” nhằm thuận lợi phát triển, quảng bá giá trị ẩm thực Huế. Hiện nay, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở KHCN tỉnh thực hiện đề tài xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu, trong đó đã có hình ảnh biểu trưng (logo), sologan đăng ký bảo hộ.

 Món chè sen Huế được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận để phát triển ẩm thực Huế

Việc cho phép sử dụng nhãn hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” sẽ giúp cho du khách yên tâm chọn lựa nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực có món ăn, thức uống đặc trưng của Huế. “Trước mắt, Sở Du lịch đã chọn lựa 22 món ăn, thức uống đặc trưng của Huế để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, và tiếp tục kiểm kê, xây dựng hồ sơ khoa học các món ăn khác để đăng ký bổ sung trong thời gian tới. Một nhà hàng hay cơ sở kinh doanh ẩm thực muốn sử dụng nhãn hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” thì phải có ít nhất 2-3 món trong danh sách 22 món đã được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, phải đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo các tiêu chí về bài trí không gian kinh doanh, vị trí để giới thiệu món ăn…”, ông Phúc cho biết.

Mới đây, tại buổi ra mắt Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng khẳng định, Thừa Thiên Huế là địa phương “hội tụ” nhiều yếu tố thuận lợi để khai thác và phát huy giá trị của ẩm thực. Không chỉ có nhiều món ngon, vật lạ mà địa phương này hiện có nhiều nghệ nhân ẩm thực có tay nghề cao, nổi tiếng về cả ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian. Cần phải tôn vinh, phát triển, khai thác tốt di sản văn hóa ẩm thực thì nó sẽ trở thành tài sản. Đó là tài sản của địa phương, của xã hội, tài sản của nền kinh tế nước nhà.

Việc phát triển văn hóa ẩm thực cũng chính là thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là kinh tế ban đêm. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng địa phương nâng tầm thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực”, góp phần phát huy và khai thác di sản này. 

THÙY AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top