Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phim Hàn Quốc gia tăng cảnh báo bạo lực học đường

Thứ Tư 01/06/2022 | 10:23 GMT+7

VHO- Ngày càng nhiều nhà làm phim Hàn Quốc khai thác trực diện đề tài bạo lực học đường, nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ phổ biến và những hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn này.

 Phim Hàn Quốc phản ánh trực diện vấn nạn bạo lực học đường Ảnh: NETFLIX

Những năm gần đây, các bộ phim Hàn Quốc đã không còn “nương tay” với vấn nạn bạo lực học đường. Nhiều đạo diễn đã khai thác chủ đề này một cách trực diện và khẳng định mọi hình thức bạo lực, bắt nạt tại trường học đều không thể chấp nhận được. Nhà phê bình Kong Hee-jung đánh giá, phim Hàn Quốc trước đây thường mô tả các thanh thiếu niên phạm pháp có thể thay đổi đáng kể sau khi được người giáo viên tốt cảm hóa, còn bây giờ các bộ phim đã chỉ trích các hành vi bạo lực học đường một cách mạnh mẽ, thẳng thắn hơn. Nhất là khi các bê bối bạo lực trong quá khứ của không ít nghệ sĩ và diễn viên K-pop nổi tiếng bị phanh phui, khiến họ buộc phải rút lui khỏi showbiz. 
Đầu tháng 4, bộ phim truyền hình giả tưởng Hàn Quốc Tomorrow lên sóng đã tái hiện nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực học đường. Trong phim, nữ biên kịch truyền hình Noh Eun-bi đã cố gắng tự tử sau khi gặp Kim Hye-won, một nghệ sĩ truyện tranh nổi tiếng, cũng là người từng bắt nạt cô thời học sinh. Trước đó, loạt phim All of Us Are Dead đã mô tả nạn bạo lực học đường làm bùng phát virus và xác sống (zombie), để chỉ ra nguy cơ ngay cả trẻ vị thành niên cũng có thể gây ra những tội ác khủng khiếp. Rồi các bộ phim Juvenile Justice, Taxi Driver hoặc I Want to See Your Parent’s Face cũng đã khai thác trực diện chủ đề tội phạm vị thành niên và quấy rối trong trường học. Tất cả đã cho thấy mức độ nghiêm trọng và phổ biến của tình trạng bạo lực trong trường học, từ đó đưa ra những cảnh báo cần thiết cho xã hội về vấn nạn này. 
Thực tế, việc những nội dung bạo lực học đường xuất hiện ngày càng nhiều trong các bộ phim khiến một số người xem lo ngại sẽ tác động đến tâm lý cũng như hành vi của giới trẻ. Tuy nhiên, phần đông khán giả lại đồng tình với việc phản ánh trực diện vấn nạn này, nhằm hối thúc các bậc phụ huynh và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo môi trường học đường lành mạnh. Theo nhà phê bình Jung Duk-hyun, thay vì chỉ nói về những ước mơ và lãng mạn của thanh thiếu niên, các bộ phim có thể phản ánh sâu hơn vào những vấn đề thực tế xung quanh học sinh như bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng, tội phạm vị thành niên hay việc sử dụng chất kích thích. 
Trong khi vấn nạn bạo lực học đường vẫn còn bị “phớt” lờ ngay tại nhiều trường học ở Hàn Quốc, luật sư Noh Yoon-ho, người chuyên về các vụ việc bắt nạt học đường cho rằng, nếu các bộ phim có cách tiếp cận vấn đề này một cách nghiêm túc, có thể sẽ thúc đẩy sự quan tâm của công chúng mạnh mẽ hơn. Luật sư Noh Yoon-ho chỉ ra thực tế, “nhiều học sinh đôi khi phớt lờ sự tồn tại của bạo lực học đường, vì lo sợ mình có thể trở thành nạn nhân hoặc vô tình liên quan đến một vụ việc bắt nạt. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ cũng đang tách con cái của họ ra khỏi những vấn đề này, khi cho rằng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ”. Cũng theo luật sư Noh Yoon-ho, hành vi bắt nạt, phạm pháp ở trẻ vị thành niên chỉ có thể được ngăn chặn khi được người lớn đồng cảm và khi học sinh không còn chỉ là người đứng ngoài quan sát.
Hiện các nền tảng trực tuyến như Netflix đang đóng vai trò tích cực cho việc đưa một số chủ đề “nóng” như bạo lực học đường, vốn được coi là “tế nhị” với những kênh truyền hình chính thống tại Hàn Quốc. Mục đích hướng đến của các bộ phim là nâng cao cảnh giác về mức độ nghiêm trọng và phổ biến của tình trạng bắt nạt tại trường học, để từ đó hối thúc toàn xã hội quan tâm, tìm ra lời giải thỏa đáng cho bài toán tạo ra môi trường học tập tích cực, lành mạnh cho trẻ em. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top