Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trở lại bài "xung quanh vụ việc xử lý di tích số 7 Lý Chính Thắng, TP.HCM: Các phương án đều... tắc: ​​​​​​​Chủ nhà chính thức nộp đơn cứu xét

Thứ Tư 01/06/2022 | 10:42 GMT+7

VHO- Ông Ngô Văn Lập, con trai ông Ngô Toại, đại diện gia đình trực tiếp quản lý căn nhà số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM (di tích lịch sử quốc gia) đã chính thức gửi đơn xin cứu xét đến các cơ quan chức năng, đề đạt nguyện vọng gia đình liên quan đến hướng giải quyết di tích này.

 Di tích số 7 Lý Chính Thắng, TP.HCM

Trong đơn, ông Ngô Văn Lập đại diện cho gia đình bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo các cấp đã quan tâm và chỉ đạo giải quyết trường hợp của gia đình trong thời gian qua. Theo đó, trong những lá đơn gần đây, nguyện vọng của gia đình là kiến nghị được hoán đổi nhà đất số 7 Lý Chính Thắng (nhà di tích) với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng, quận 3 (thuộc sở hữu Nhà nước, đang để trống); đồng thời, Nhà nước hỗ trợ thêm cho gia đình 5 tỉ đồng để sửa chữa lại nhà số 9 và ổn định cuộc sống.

Để giải quyết theo nguyện vọng của gia đình và thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy, Thường trực Ban chỉ đạo 167 đề xuất phương án: Đại diện thừa kế hợp pháp của gia đình sẽ có đơn hiến tặng nhà đất số 7 Lý Chính Thắng cho Nhà nước để quản lý, sử dụng theo diện Nhà di tích lịch sử cấp quốc gia, đồng thời, đề nghị được hỗ trợ 5 tỉ đồng cho gia đình để cải tạo, sửa chữa nhà và ổn định cuộc sống. Đối với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng, lập thủ tục bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình sử dụng để ở, với giá trị 0 đồng…

Theo văn bản khẩn số 1873 của Văn phòng UBND TP.HCM gửi Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) mới đây có nội dung, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, giao đơn vị này trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính về phương án đề xuất của Thường trực Ban chỉ đạo 167 như trên. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin chúng tôi tìm hiểu, phương án kiến nghị này cũng đang vướng phải quy định hiện hành, nên buộc TP.HCM phải làm lại hồ sơ từ đầu và tìm phương án khác khả thi hơn. Trước tình hình này, ông Ngô Văn Lập cho biết gia đình đã gửi lá đơn thứ 11 đề nghị cứu xét. Ông cho biết: “Căn nhà số 7 Lý Chính Thắng của chúng tôi là một trong những địa chỉ gắn liền với các sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nơi đây là Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6, nơi phát Lệnh tổng tiến công; tổ chức trú ém hơn 100 cán bộ, chiến sĩ trong đợt Tổng tiến công. Địa chỉ này đã góp phần tạo nên những dấu ấn lịch sử vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là ký ức oai hùng của gia đình tôi”.

“Nơi đây, vào sáng mùng 3 Tết Mậu Thân 1968, sau khi cơ sở bị lộ, cha mẹ và anh chị em chúng tôi cùng 13 đồng chí đã bị địch bắt (có 2 đồng chí hy sinh tại đây). Chúng tôi bị bắt đưa về Tổng nha cảnh sát và chúng tra tấn dã man để tìm cho ra các cơ sở khác, tất cả đều bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, tài sản, tiền bạc của gia đình bị chúng cướp đi, nhà thì chúng đập phá để tìm tài liệu. Sau đó Tòa án xét xử buộc tịch thu căn nhỏ. Cha tôi bị xử án 20 năm tù khổ sai ngoài Côn Đảo, mẹ và anh chị em chúng tôi bị chúng tiếp tục giam cầm, vài năm sau do bị bệnh nên được chúng tha về. Sau khi ký kết hiệp định Pari năm 1973, năm 1974 cha tôi được trao trả tại Lộc Ninh, cha tôi đã đưa mấy anh em tôi vào chiến khu và nhập ngũ tham gia cách mạng”, ông Lập kể.

Đại diện gia đình cũng cho biết, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4.1975, gia đình mới nhận lại được căn nhà số 7 Lý Chính Thắng. Năm 1988, Bộ Văn hóa công nhận căn nhà số 7 Lý Chính Thắng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Thể theo nguyện vọng gia đình, Nhà nước đã có chủ trương hoán đổi căn nhà Di tích này với căn nhà khác và hỗ trợ cho gia đình 5 tỉ đồng để di dời đi, nhưng các phương án đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Gia đình hiện đang rất khó khăn túng quẫn, để chữa trị bệnh và trang trải cuộc sống, nên phải đi vay mượn khắp nơi, hiện không có khả năng trả nợ và đóng tiền lãi, căn nhà thì không giao dịch Ngân hàng được. “Bản thân tôi hiện đang bị bệnh tim nặng (hiện đặt 3 stent); anh tôi là thương binh trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, về nhà ít lâu sau thì mất; chị tôi cũng mất vì bệnh cột sống nặng do di chứng từ những trận đòn tra tấn của địch; em tôi mới bị mất do đại dịch Covid-19; 2 người em hiện cùng sinh sống với tôi tại căn nhà số 7 Lý Chính Thắng này cũng là bộ đội chiến trường Tây Nam năm 1978”, ông Lập nói thêm. Gia đình cũng cho biết, ngày 10.5.2020, có người đồng ý mua căn nhà số 7 Lý Chính Thắng với giá 40 tỉ đồng và đặt cọc trước 2 tỉ đồng cho gia đình, nhưng rồi không thể giao dịch được vì căn nhà này được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

“Nay tôi đại diện gia đình làm đơn cứu xét này kính mong các cấp lãnh đạo xem xét cho gia đình tôi được ứng trước 2 tỉ trong số tiền 5 tỉ đồng nói trên trang trải cuộc sống và trả bớt số tiền hiện đang vay mượn để tránh phát sinh thêm tiền lãi. Nếu không được chấp thuận thì tạm thời gia đình tôi xin gỡ bằng công nhận di tích xuống và cho thuê mặt bằng tầng trệt để có tiền trang trải cuộc sống”.

Trước đó, Văn Hóa đã đăng tải loạt bài nêu lên vấn đề này, và gần đây nhất số 3726 (ra ngày 23.5.2022) có bài: Trở lại vụ việc xử lý di tích số 7 Lý Chính Thắng, TP.HCM: Các phương án đều… tắc”

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top