Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Làm trong 6 năm, đổi trong 1 tháng

Thứ Sáu 03/06/2022 | 10:24 GMT+7

VHO- Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 được xây dựng trong 6 năm, gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học. Bước sang năm thứ 3 thực hiện, lần đầu tiên chuẩn bị triển khai ở bậc THPT thì nguy cơ phải thay đổi.

 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa bắt đầu đã có nguy cơ phải sửa (ảnh minh họa)

Được triển khai sau khi Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo ban hành vào năm 2013 và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình - SGK phổ thông ban hành năm 2014, CTGDPT 2018 chỉ tính riêng thời gian xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt là 6 năm. Trong 2 năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT vừa thực hiện cuốn chiếu ở lớp 1 (năm đầu tiên), lớp 2 và 6 (năm thứ 2) vừa triển khai tập huấn giáo viên, áp dụng những phương pháp, mô hình dạy học tiệm cận với chương trình mới vào các nhà trường, điều chỉnh các quy định liên quan tới quản trị nhà trường, dạy học, đánh giá học sinh…

Gần một thập kỷ

Việc thiết kế một chương trình GD phải dựa trên nghiên cứu, thực nghiệm, cơ sở lý luận và thực tiễn, trải qua các vòng phản biện, thẩm định, trưng cầu ý kiến. Theo GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định CTGDPT tổng thể thì Hội đồng đã làm việc qua 3 vòng, trao đổi từng nội dung cụ thể và biểu quyết. Các nội dung trong chương trình chỉ được thông qua khi có sự đồng thuận cao. Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình cũng từng được lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, hội nghề nghiệp thông qua hàng chục hội thảo, tọa đàm và trên nhiều kênh khác nhau.

Theo thiết kế chương trình, Hệ thống GD quốc dân sẽ chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn GD cơ bản trong 9 năm (đến hết lớp 9) sẽ trang bị đủ kiến thức cơ bản ở tất cả các lĩnh vực (môn học/hoạt động) đủ cho học sinh có nền tảng kiến thức, kỹ năng phổ thông để tiếp tục học lên cao hoặc phân luồng học nghề, tham gia thị trường lao động. Bậc THPT là giai đoạn GD phân hóa, định hướng nghề nghiệp… Trên cả tiến trình đổi mới GD phổ thông, bậc THPT có những đổi mới rõ rệt nhất. Điều này cũng phù hợp với cách làm của nhiều quốc gia, thay GD “dàn hàng ngang” bằng GD hướng đến cá nhân hóa.

So với các lần cải cách, đổi mới GD trước, lần đầu tiên có một chương trình GD là pháp lệnh, căn cứ vào đó có nhiều bộ SGK được biên soạn theo hướng xã hội hóa (trước đây SGK được biên soạn trước, chương trình làm sau). Theo đó, việc dạy học không dựa trên SGK thống nhất toàn quốc mà dựa vào chương trình. SGK chỉ là tài liệu dạy học và có thể sử dụng các bộ sách khác nhau, không ảnh hưởng đến đánh giá đầu ra.

… và thay đổi trong một tháng?

CTGDPT 2018 mới chuẩn bị thực hiện ở bậc THPT trong năm học tới thì gặp phản ứng. Từ một số ý kiến trên báo chí và mạng xã hội cho rằng môn Lịch sử sẽ có nguy cơ bị “xoá sổ” ở bậc THPT khi nó nằm trong nhóm môn học lựa chọn, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức 2 phiên họp trong tháng 5.2022. Bộ GD&ĐT lập tức có một cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên gia. Môn Lịch sử cũng được trao đổi trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Tại cuộc họp của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội vào ngày 25.5, với đa số ý kiến đồng ý, đại diện Ủy ban này cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính toán phương án để đưa môn Lịch sử trở về môn học bắt buộc. Không bảo vệ được thành quả đã xây dựng trong 6 năm, Bộ GD&ĐT đang trong tình trạng bối rối. Theo nguồn tin của Văn hóa, Bộ GD&ĐT đang tính toán một giải pháp mang tính dung hòa, có nghĩa vẫn tiếp thu yêu cầu của Ủy ban, nhưng cố gắng không phá vỡ cấu trúc chương trình phân hóa ở THPT. Nhưng việc này không hề dễ dàng. Điều đáng ngạc nhiên là một chương trình trải qua 6 năm xây dựng, góp ý, phản biện và thẩm định nhưng chỉ một số ý kiến phản đối khi nó chuẩn bị triển khai, khả năng cao nó phải thay đổi.

Theo thiết kế chương trình, nội dung kiến thức Lịch sử Việt Nam và thế giới cần trang bị cho học sinh phổ thông đã được đưa vào các lớp ở bậc tiểu học, THCS. Còn ở bậc THPT, chương trình thiết kế theo các chuyên đề chuyên sâu, thích hợp cho học sinh yêu thích và có hướng nghề nghiệp liên quan. Vì thế, nếu chỉ vì lo “không giáo dục lòng yêu nước” mà dạy môn Lịch sử bắt buộc ở bậc THPT, chương trình sẽ phải làm lại.

CTGDPT 2018 được triển khai với kinh phí 80 triệu đô la Mỹ, trong đó bao gồm 77 triệu đô la từ vốn vay ODA ưu đãi và 3 triệu đô la vốn đối ứng. Trong 6 năm, chương trình tiêu tốn sức người, sức của, nó là yếu tố quan trọng mang tính quyết định thành công của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, như tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW. Nhưng nếu chương trình có thể bị “thiêu rụi” vì những ý kiến phản ứng trong 1 tháng, thì phải có ai đó chịu trách nhiệm. Nếu những ý kiến phản đối, xoay ngược tình thế là đúng, thì những người xây dựng chương trình, phản biện, góp ý và thẩm định, phê duyệt phải chịu trách nhiệm. Ngược lại, những ý kiến phản đối không hợp lý, nhưng Bộ GD&ĐT không thể mạnh mẽ bảo vệ thì Bộ cũng phải nhận trách nhiệm về năng lực của mình.

Theo ông Trần Kiều, CTGDPT 2018 là chương trình mới. Nó được triển khai linh hoạt và tiếp tục hoàn thiện trong quá trình thực hiện. Có nghĩa so với trước đây, chương trình không đóng khung cứng mà có thể điều chỉnh, bổ sung để không lạc hậu và phù hợp với thực tiễn. Nhưng điều đó chỉ bình thường nếu nó đã triển khai và có thực tiễn. Còn hiện tại chương trình chưa bắt đầu đã có nguy cơ phải sửa. 

 KỲ THANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top