Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Doanh nghiệp du lịch vẫn còn loay hoay

Thứ Sáu 03/06/2022 | 10:39 GMT+7

VHO- Sau một thời gian đón khách trở lại kể từ khi Việt Nam mở cửa toàn bộ cả du lịch quốc tế và nội địa (ngày 15.3), các công ty du lịch gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn nhờ những bài học về văn hóa doanh nghiệp

 Kích cầu phải thực chất

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà chia sẻ: “Chúng tôi vui phát khóc vì đón được những đoàn khách đầu tiên ngay trong tháng 3, khi Việt Nam công bố mở cửa du lịch hoàn toàn và giao thương với các nước. Đi cùng niềm vui là bộn bề những khó khăn. Chúng tôi thiếu tài chính, nhân sự, làm mới sản phẩm, xúc tiến, kết nối lại khách hàng. Các thị trường mục tiêu của chúng tôi nói 5 thứ tiếng châu Âu, đang vào đúng mùa du lịch của họ tới Việt Nam và Đông Nam Á nên đang quá tải các yêu cầu, đặt tour lại và theo yêu cầu trải nghiệm du lịch mới. Chúng tôi mở cửa để chào đón lại nhân viên cũ, tạo nguồn mới bằng thực tập sinh và đào tạo mới để có thể làm việc được ngay bằng cầm tay chỉ việc”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam cho biết: “Hiện nay, các khách hàng lớn và là khách hàng thường xuyên đã chủ động liên hệ lại và gửi sẵn những kế hoạch tổ chức đã được lên chi tiết”. Tuy nhiên, theo ông Đức Anh khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân sự do lượng khách tăng đột biến ngay trong giữa tháng 3. Mặc dù việc này cũng dần được khắc phục nhưng tình trạng “khát” nhân lực vẫn còn và các công ty vẫn liên tục phải tuyển nhân sự mới. Ông Nguyễn Đức Anh chia sẻ, để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp đã phải trả thu nhập cao để thu hút nhân sự du lịch đã chuyển ngành về lại làm việc. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo gấp sinh viên các trường du lịch để bổ sung lực lượng nhân sự mới.

Việc thiếu nguồn vốn lưu động lớn cũng xảy ra đối với những đoàn MICE có quy mô lớn và đòi hỏi bảo lãnh tạm ứng nguồn tiền. Các doanh nghiệp cũng đang tiếp cận các nguồn vay ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ tài chính doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, việc này vẫn hết sức khó khăn. Hiện nay, khi khách trở lại đông, doanh nghiệp đang tập trung bán những sản phẩm chủ lực, những sản phẩm đặc thù của công ty từ trước tới nay. Ví dụ như du lịch kết hợp team building gắn với lịch sử, văn hóa, những tour thể thao mới, những tour trải nghiệm thiên nhiên, du lịch chăm sóc sức khoẻ...

Nhưng trên hết ông Phạm Hà cho rằng, doanh nghiệp rất cần biết chiến lược tổng thể phục hồi của ngành Du lịch trong ngắn hạn, trung và dài hạn thay vì kích hoạt một cách hình thức, nhỏ lẻ. Không ít nơi, các hội thảo, tọa đàm, đại biểu đến vỗ tay rồi về; các sự kiện chủ yếu phục vụ du lịch nội địa mà chưa đủ sức thu hút khách quốc tế. Để sớm có thêm khách quốc tế, doanh nghiệp du lịch cần cấp thiết kết nối hàng không, hãng nước ngoài, có trọng tâm theo thị trường để phục hồi nhanh. Doanh nghiệp thiếu thông tin về chiến lược của ngành Du lịch nói chung, thiếu thông tin thị trường, thiếu vốn và thiếu nhân sự. Các gói ưu đãi mà chính phủ quyết cho phục hồi du lịch cần hỗ trợ sớm, khoản vay lãi suất thấp 2% do doanh nghiệp du lịch cần đúng và trúng để những doanh nghiệp đang thực sự cần cứu có thể phục hồi nhanh chóng. “Nhìn chung, du lịch nội địa đang có đà phục hồi tốt, khách quốc tế đến đang chậm, nhiều rào cản như visa, truyền thông chưa tốt, thông điệp không rõ ràng, nên lượng khách đến chưa như kỳ vọng”, ông Phạm Hà nhận định.

Văn hóa doanh nghiệp quan trọng hơn bao giờ hết

“Trong quá trình vượt qua dịch bệnh để tồn tại và phục hồi của doanh nghiệp, chúng tôi đã mất rất nhiều nhưng bù lại đã phát triển được nền tảng công nghệ tổ chức sự kiện và tiếp thị điểm đến trực tuyến. Trong đó, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm du lịch thể thao lan tỏa và tạo cảm hứng mới trong cộng đồng người làm du lịch và khách hàng”, ông Đức Anh cho hay.

Mặc dù thị trường nội địa không thay thế được quốc tế, nhưng có thể tạo ra dòng tiền tốt. “Chúng tôi cũng rút ra là thị trường nội địa rất tiềm năng. Doanh nghiệp du lịch chắc chắn sẽ cất cánh và bay lên lên bằng đôi cánh nội địa và quốc tế từ nay về sau. Những gì cần làm đã làm, nên không có gì phải tiếc mà chỉ có những bài học về văn hóa doanh nghiệp, đoàn kết sẽ vượt qua mọi khó khăn”, ông Phạm Hà nói.

Muốn thành công, việc quảng bá, xúc tiến rất quan trọng, các doanh nghiệp cho rằng, công tác này của du lịch Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều thay đổi, có các chủ đề quảng bá hấp dẫn. Thế nhưng, để việc quảng bá, xúc tiến hiệu quả, từ trung ương, các địa phương, doanh nghiệp cần phải thay đổi để tiếp cận thị trường và trúng vào các thị trường tiềm năng, trọng điểm của Việt Nam. Trong đó, cần phân khúc thị trường rõ ràng và cần có sản phẩm chuyên biệt cho từng thị trường. Phải có nhân sự, công nghệ để khai thác khách tại các cộng đồng khác nhau trên mạng xã hội chứ nếu chỉ quảng bá chung chung thì sẽ khó hiệu quả.

Việc nữa là, trước khi xúc tiến phải biết du lịch Việt Nam mạnh ở điểm gì, thị trường nguồn nào, định vị thương hiệu quốc gia ra sao? Từ đó lý giải và đưa ra giải pháp để đổi mới, đưa ra sản phẩm du lịch trải nghiệm mới; xác định rõ khách quốc tế quan tâm sau dịch là gì và lý do tại sao phải chọn Việt Nam thay vì nước khác trong khu vực? Ông Phạm Hà cho biết: “Chưa thấy rõ nét các vấn đề trên. Hiện nay, thông điệp truyền thông của nước ta chưa rõ ràng và chưa đúng đối tượng khách. Khi đã có định vị và có các cập nhật mới thì cần xác định kênh nào hiệu quả và khách hàng đang ở đâu thì marketing ở đó”. 

THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top