Sống thấp thỏm bên “hố tử thần

VHO- Cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đang bị đảo lộn, phải sống trong cảnh thấp thỏm, sợ hãi trước việc giếng nước khô cạn, rồi xuất hiện nhiều “hố tử thần” làm nứt nẻ nhà ở, đất nông nghiệp.

Sống thấp thỏm bên “hố tử thần - Anh 1

 Nhà chị Lê Thị Nga bị sụt lún dưới móng nhà

Sau khi xảy ra sự việc hố sụt lún chực đe dọa tính mạng, gia đình chị Lê Thị Nga, 49 tuổi, trú bản Na Hiêng, xã Châu Hồng, Quỳ Hợp vẫn phải gửi con đến nhà người thân sống tạm, còn vợ chồng chị ở lại trông coi tài sản và căn nhà chờ sập cạnh hố sụt lún sâu hơn 6m.

Sụt lún ngày càng nghiêm trọng

Đến nay chị Nga vẫn chưa hết hoảng hốt khi kể lại: Khoảng 4h sáng ngày 27.5, gia đình đang trong giấc ngủ say bỗng nhiên nghe một tiếng động rất mạnh. Sau một lúc tiếng động lại tiếp tục to hơn rồi xuất hiện một hố sụt lún rất lớn ngay móng nhà. Hố sụt lún có đường kính khoảng 10m, sâu hơn 6m. Mọi người hò hét nhau, không cầm đồ đạc, tháo chạy thật nhanh, càng xa hố lún càng tốt. Nghĩ đến việc thoát khỏi bị vùi lấp dưới hố sâu trong lòng đất, đến bây giờ vẫn khiến ai nấy trong gia đình sợ hãi. “Từ khi các mỏ quặng gần khu vực đi vào khai thác là nước ngầm bị tụt, giếng cạn khô rồi xuất hiện các hố sụt lún. Giờ có nhà nhưng không dám ở bên trong vì sợ nó đổ sập bất cứ lúc nào”, chị Nga cho biết thêm.

Cách nhà chị Nga không xa là gia đình anh Vi Văn Hòa, SN 1988, trú bản Na Hiêng. Anh Hòa chia sẻ, “nhà tôi bây giờ không an toàn nữa, việc đi lại trong nhà cũng phải ngó nghiêng, cẩn thận, hố có thể sụt lún bất cứ lúc nào. Ở trong nhà của mình mà cũng phải lo sợ. Tôi đã đưa các con đến nhà anh em ở nhờ. Bây giờ ở không được mà đi thì cũng không biết đi đâu. Giấc ngủ chập chờn, tôi không lúc nào có được một giấc ngủ yên”. Tình cảnh của gia đình chị Nga, anh Hòa là hiện trạng chung của hàng trăm hộ dân xã Châu Hồng.

Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp cho biết nhà chị Nga, anh Hòa là một trong số 232 căn nhà ở xã Châu Hồng bị ảnh hưởng do sụt lún. Sống ở đây hàng chục năm nhưng 2 năm trở lại đây mới có hiện tượng này. Nhiều nhà không chỉ sụt lún ngoài vườn, nứt nẻ ở sân mà sụt ngay chân móng nhà, uy hiếp đến tài sản, tính mạng nên người dân nơi đây rất lo lắng.

Sống thấp thỏm bên “hố tử thần - Anh 2

 Hố sụt lún tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An

Những câu hỏi day dứt của dân

Xã Châu Hồng có 8 mỏ đá và quặng thiếc, một công ty khai thác khoáng sản hầm lò, bơm hút nước ngầm dưới lòng đất. Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, toàn xã có gần 232 nhà dân ở 6 bản bị sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở; 299 giếng nước của các hộ dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn.

Thực trạng trên đã khiến người dân mất đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn. Để có nước sinh hoạt, một số hộ dân phải chung tiền lắp đường ống nước với chi phí hàng chục triệu đồng để dẫn nước từ suối về nhà. Không có nước sinh hoạt nay nhà cũng bị sụt lún, chực chờ đổ sập. Ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Huyện đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động bơm hút nước ngầm, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng và phối hợp với Sở, ngành liên quan đánh giá nguyên nhân, xử lý hiện tượng. “Trước mắt phải di dời và đảm bảo cuộc sống của người dân nơi xảy ra sụt lún ở mức nguy hiểm cao”, ông Lợi nói.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng đã kiểm tra hiện trường tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng và một số nhà máy khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong cuộc đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, người dân xã Châu Hồng đã đặt câu hỏi: Vì sao tình trạng giếng nước khô cạn, sụt lún đã xảy ra hơn 2 năm nay, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, và mặc dù chính quyền và các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm, trái lại tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng hơn? Vì sao người dân đã phản ánh nhiều năm, nhưng các công ty khai thác quặng vẫn tiếp tục bơm hút nước ngầm khiến cho tình trạng sụt lún ngày càng diễn ra nặng nề hơn. Cuộc sống của nhân dân bị đảo lộn, tính mạng của nhân dân luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các công ty khai thác tài nguyên như thế nào? Trả lời các vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp.

Ông Trung cũng phê bình Sở NN&PTNT, UBND huyện Quỳ Hợp và lãnh đạo UBND xã Châu Hồng vì chậm trễ kiểm tra, giải quyết kiến nghị của người dân. Tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của những người liên quan. Ngoài ra, Công an tỉnh Nghệ An sớm vào cuộc điều tra làm rõ phản ánh của người dân về việc một đơn vị tự ý san lấp “hố tử thần” khi cơ quan chuyên môn đang khảo sát. Nếu xác định cơ sở khai thác khoáng sản nào trên địa bàn có liên quan đến tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình sẽ yêu cầu bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho người dân chịu ảnh hưởng.

Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cũng khẳng định, nguyên tắc xử lý chung là đặt sự an toàn, cuộc sống ổn định của người dân lên trên hết, trước hết. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tối đa về tính mạng và tài sản cho người dân.

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc