Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để sĩ tử không bị rối loạn tâm lý trước kỳ thi

Thứ Sáu 10/06/2022 | 10:40 GMT+7

VHO- Thay vì dồn lực cho những ngày ôn thi nước rút thì nhiều học sinh lại phải vào bệnh viện để điều trị các rối loạn tâm lý, stress... Những dấu hiệu của bệnh đã có từ lâu nhưng nhiều bậc phụ huynh không nhận ra.

Bác sĩ Dương Minh Tâm khám bệnh cho nam sinh điều trị stress trước kỳ thi Ảnh: THẾ ANH

 Bệnh nhân nam 18 tuổi (huyện Xuân Trường, Nam Định) đến Viện Sức khỏe tâm thần khám vì các biểu hiện mệt mỏi, học tập khó khăn, trong khi trước đây em có học lực khá, giỏi.

Stress gặp nhiều ở trẻ ngoan và học khá

Theo người nhà bệnh nhân, nam sinh cho rằng não của mình có vấn đề nên đòi bố mẹ đưa đi khám. Qua tìm hiểu, bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn stress và tình dục, Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) phát hiện: Từ lớp 11 bệnh nhân đã có biểu hiện khó kiềm chế cảm xúc, cãi lời bố mẹ sau đó lại xin lỗi vì nhận ra mình sai, trên tay chân có nhiều vết bầm tím do tự làm đau…

Bệnh nhân luôn cảm thấy mình áp lực vì không biết học nhiều để làm gì. Gần đây bệnh nhân thấy người mệt mỏi, giảm hứng thú nhiều hơn do vậy học tập không theo được guồng ôn thi của nhà trường, nên lo lắng, căng thẳng… Càng như vậy, bệnh nhân lại càng cố gắng học dù vẫn không tìm thấy ý nghĩa của việc học, nhưng càng học lại càng không vào.

“Các biểu hiện của bệnh nhân có thể thấy, trẻ có dấu hiệu stress từ 2 - 3 năm trước chứ không phải gần đây. Chính vì trẻ giảm hứng thú trong học tập, luôn phải đấu tranh giữa việc cố gắng học tốt và học để làm gì; kết hợp với sự giáo huấn, kỳ vọng của bố mẹ làm bệnh nhân xuất hiện những ý tưởng và hành vi chống đối, nhiều khi làm ngược lại. Thậm chí, bệnh nhân này còn có những trò nghịch và trêu bạn bè hơi quá để giảm sự bức bối trong người. Nếu không trêu bạn thì tự mình cấu véo, làm đau bản thân để thấy dễ chịu hơn”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Tương tự, ThS.BS Đỗ Thùy Dung (Bệnh viện Bạch Mai) cũng chia sẻ về một bệnh nhân nam khác (18 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng luôn có cảm giác lo lắng, chóng mặt. Bản thân bệnh nhân có tính nhút nhát, ngại không tham gia các hoạt động nhóm, dần dần ko chơi với ai, ra chơi thì xuống thư viện đọc sách, rồi về nhà không tham gia hoạt động cùng bạn bè, được điều trị rối loạn lo âu từ năm lớp 7. Gần đây, bệnh nhân sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và dự định xét tuyển vào trường Học viện Ngân hàng. Khoảng một tháng nay bệnh nhân thường xuyên cảm thấy lo lắng về kỳ thi sắp tới, ngủ không sâu giấc, ăn uống kém hơn; dễ căng thẳng, khó thư giãn, bệnh nhân học khó nhớ hơn, nhanh quên, thỉnh thoảng có cảm giác hồi hộp trống ngực, run tay chân, vã mồ hôi, choáng đầu. Một lần, khi đang học trên lớp hiện tượng này xuất hiện, gia đình đến trường đón và cho nhập viện.

Bác sĩ Dương Minh Tâm cho biết, đã tiến hành một nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Nhi TƯ với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi, kết quả cho thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%). Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17 phù hợp với tuổi ôn thi chuyển cấp. Stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá, các bạn này nhận thức về áp lực nhiều hơn các bạn mải chơi, nhất là những áp lực vô hình khó giải thích.

 Sắp bước vào một kỳ thi quan trọng vì thế các sĩ tử cần có một tâm lý thật thoải mái, tránh những áp lực gây căng thẳng Ảnh: INTERNET

Xây dựng môi trường thi đua, cùng tiến

Stress ở học sinh không chỉ biểu hiện ở các biểu hiện trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn tâm lý mà còn ở các dấu hiệu đau đầu, đau bụng.

Một bệnh nhân nữ 15 tuổi được đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần khám vì những cơn đau bụng. Trước đó, từ năm 8 tuổi, trẻ thường kêu đau bụng vùng thượng vị, đau dữ dội từng cơn… Gia đình đã cho đi khám và chữa nhiều nơi, làm các siêu âm, xét nghiệm, chụp chiếu nhưng không phát hiện tổn thương liên quan đến bệnh đường tiêu hóa. Do đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán là “động kinh thể tạng”, lúc đầu uống thuốc thì có đỡ, sau đó các cơn đau bụng lại xuất hiện. Qua quan sát gia đình thấy các cơn đau bụng thường xuất hiện trước các kỳ thi, khi bệnh nhân đi viện về và các bạn đã thi xong thì bệnh đỡ không đau bụng nữa hoặc chỉ âm ỉ. Năm nay là năm cuối cấp THCS, các bạn đang thi đua cố gắng nhiều còn bệnh nhân lại xuất hiện các cơn đau bụng nhiều hơn, người luôn kêu mệt mỏi, yếu đuối nên thường xuyên xin nghỉ học đi điều trị.

Bác sĩ Dương Minh Tâm cho biết, các cơn đau này có thể là đau đầu, đau bụng đều là thật, không phải trẻ giả vờ, bởi vì stress là một trong các yếu tố gây đau dạ dày, viêm dạ dày. Do đó, tỉ lệ học sinh mắc bệnh đau dạ dày là khá nhiều, còn gọi là hiện tượng cơ thể tâm sinh (cơ thể sinh ra bệnh tâm lý). Áp lực của trẻ có thể đến từ chương trình học, kết quả thi, bạn bè hay sự quan tâm thái quá hoặc kỳ vọng quá của cha mẹ… Do đó, thay vì né tránh các stress của trẻ thì phụ huynh cần tìm hiểu các dấu hiệu cũng như kỹ năng cần thiết để rèn luyện trẻ đối mặt với những thách thức hằng ngày trong cuộc sống. Giấc ngủ là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Các chuyên gia khuyên trẻ từ 6 - 12 tuổi nên ngủ từ 9 - 12 tiếng mỗi đêm, thanh thiếu niên cần 8 - 10 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

“Stress gây bệnh và thể bệnh phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách. Với những trẻ có nhân cách yếu, lãng mạn, văn nghệ sĩ, nhân cách khép kín hoặc thiếu ý chí, thiếu nghị lực, nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thiếu kìm chế, dễ bùng nổ, xung đột thường dễ bị stress hơn trẻ có nhân cách mạnh. Vì vậy, gia đình nên xây dựng cho các cháu một môi trường thi đua, phấn đấu, tương trợ và cùng tiến. Điều này giúp trẻ chống đỡ với stress tốt hơn”, bác sĩ Dương Minh Tâm nhấn mạnh. 

 Các chuyên gia khuyên trẻ từ 6 - 12 tuổi nên ngủ từ 9 - 12 tiếng mỗi đêm, thanh thiếu niên cần 8 - 10 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

THẢO LAM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top