Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Báo chí đồng hành bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa

Thứ Tư 15/06/2022 | 15:39 GMT+7

VHO- Ngày 15.6, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2022), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học- thực tiễn với chủ đề Báo chí với di sản văn hóa. Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng  viên chuyên theo dõi lĩnh vực di sản văn hóa...

Báo chí góp phần quan trọng bảo vệ và phát huy giá trị di sản

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhấn mạnh, trong những năm qua, báo chí Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Với 815 cơ quan báo chí in và điện tử, 138 báo, 677 Tạp chí, 72 cơ quan phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa phương, đã và đang trở thành phương tiện truyền thông chủ lực đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực di sản văn hóa; quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, giới thiệu những việc tốt, người tốt trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

PGS.TS Đỗ Văn Trụ phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng khẳng định, báo chí đã phát hiện, phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hóa xảy ra tại một số địa phương. Chẳng hạn như vụ công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) năm 2018; việc một công trình du lịch mọc lên ngay vùng lõi Khu Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình); pho tượng Bà Chúa Xứ thứ hai được doanh nghiệp thi công “chui” trên núi Sam (An Giang); Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị xâm hại nghiêm trọng do sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… “Từ những phản ánh này đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở xử lý giải quyết kịp thời các vi phạm theo quy định Luật Di sản văn hóa...”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết.

Nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phát biểu tham luận

TS. Phạm Quốc Quân phát biểu tham luận

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, hoạt động báo chí và công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa ở không ít cơ quan báo chí còn khiêm tốn; không ít tờ báo chưa thực sự quan tâm hoặc mạnh tay trong việc bảo vệ di sản của dân tộc; một số tờ báo bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, theo thị hiếu, câu khách làm mờ đi bản sắc văn hóa dân tộc… Nhận thức, kiến thức của một số ít nhà báo về lĩnh vực này còn hạn chế, phiến diện nên việc biểu dương hay phê phán còn hời hợt, công thức, ít hiệu quả, tính chiến đấu chưa cao.

Khẳng định “Báo chí với Di sản văn hóa” là một chủ đề rất lớn, nội hàm rất rộng, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, nói đến vấn đề này không chỉ nói một chiều từ phía báo chí, mà còn cần phải nói đến chiều ngược lại là các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa trong mối quan hệ hữu cơ, trong sự tương tác lẫn nhau vì sự nghiệp chung. Ông Trụ cho biết, Hội thảo Báo chí với Di sản văn hóa chỉ là cuộc hội thảo đầu tiên, mang tính gợi mở để chúng ta tiếp tục cho những hội thảo sâu rộng hơn về sau.

TS. Chu Đức Tính với tham luận Cần đảm bảo tính chân thật, khoa học trong việc tuyên truyền, giới thiệu di sản tư tưởng Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Thị Tình và tham luận Báo chí với việc quảng bá, tuyên truyền  di sản văn hóa Hồ Chí Minh

Nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hoá Việt Nam khẳng định, đối với di sản văn hoá,  báo chí có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo tồn di sản và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Báo chí đã đưa di sản văn hóa trong nước thế giới đến với công chúng, người dân dù không có điều kiện đến tận nơi các di sản văn hóa  nhưng vẫn chiêm ngưỡng, hiểu rõ giá trị của các di sản văn hóa thông qua báo chí.

Góp phần bảo tồn di sản văn hóa, theo ông Lượng,  các tờ báo, đài PTTH  đều có chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, trong đó di sản văn hóa chiếm tỉ lệ, vị trí quan trọng. “Báo chí luôn ý thức việc quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hoá Việt Nam đến nhân dân các nước. Nhiều người thông quá đó đã hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Nhiều người đến với Việt Nam thông qua việc quảng bá, giới thiệu di sản văn hoá của báo chí. Khách du lịch đến Việt Nam không chỉ là đến di sản thiên nhiên như Hạ Long, Nha Trang… mà còn đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Kinh thành Huế, Hoàng thành Thăng Long, Hội An, các lễ hội, sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi.

TS. Trương Minh Tiến phát biểu tại hội thảo

Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Hà Nội, nơi ông lựa chọn là Văn Miếu - Quốc Tử Giám để hiểu hơn về văn hoá và con người Việt Nam. Trước đây, Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger cũng đã đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để hiểu hơn về truyền thống ngoại xâm, lòng yêu nước của người Việt Nam”, ông Hoàng Hữu Lượng nhấn mạnh.

Chuyển tải thông điệp ứng xử đúng mực với di sản

 Nhiều tham luận chất lượng tham gia hội thảo, tiếp cận mối quan hệ  đồng hành, tương hỗ giữa báo chí và di sản từ nhiều góc độ như: Báo chí Việt Nam là phương tiện truyền thông chủ lực trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Báo chí với di sản  văn hóa trong và ngoài nước; Bảo vật quốc gia với báo chí; Báo chí với việc quảng bá, tuyên truyền  di sản văn hóa Hồ Chí Minh; Tạp chí Thế giới di sản với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Báo Văn hóa với việc phát huy giá trị di sản văn hóa; Báo Kinh tế và đô thị với việc quảng bá di sản văn hóa Hà Nội bằng hình ảnh...

Nhà báo Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa

Với tham luận Báo Văn hóa với việc phát huy giá trị di sản văn hóa, nhà báo Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa cho biết, trong nhiều năm qua, Báo Văn hóa - Cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL luôn là một trong những tờ báo uy tín, tích cực trong việc lên tiếng và tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên mọi vùng miền đất nước.

Với tiếng nói trách nhiệm, trung thực và khoa học, Báo Văn hóa không chỉ là tờ báo tiên phong trong nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, lan tỏa và phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mà còn là kênh truyền thông luôn mạnh mẽ, kịp thời lên tiếng trong các vụ việc bảo vệ nhiều di tích bị xâm phạm, những di sản văn hóa phi vật thể bị trục lợi, biến tướng.

Nhà báo Lại Bá Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị

Khẳng định báo chí truyền thông có vai trò và đóng góp quan trọng trong việc phản ánh các hiện tượng xâm hại di sản văn hóa xảy ra tại một số địa phương, nhà báo Phan Thanh Nam nêu, nhiều vụ việc nóng, nổi cộm, thu hút sự chú ý của dư luận đều đã được Báo Văn hóa khai thác, bám sát, như công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ (Hoa Lư, Ninh Bình) với 2.000 bậc thang đá xây dựng trái phép, vi phạm vùng lõi di sản Tràng An; di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm phạm do quy hoạch; xây dựng xâm phạm di tích quốc gia chùa Bối Khê; di tích quốc gia Chùa Đậu bị cấy thêm những công trình trái phép trong khu vực bảo vệ... Trong năm 2021, liên tiếp các  vụ việc xâm phạm nghiêm trọng, làm biến dạng, thậm chí mất đi vĩnh viễn vóc dáng của những di sản ngàn năm để lại cũng đã được Báo Văn hóa vào cuộc, lên tiếng mạnh mẽ, điển hình như vụ di tích chùa Thiên Phúc và đình Đại Lâm, thuộc Cụm Di tích quốc gia đình, đền, nghè, chùa Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) bị xâm phạm nghiêm trọng; vụ xâm phạm khu vực bảo vệ II di tích Chùa Vàng (Gia Lâm, Hà Nội); hay gần đây là sự quản lý lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng tu bổ trái phép, tùy tiện ở đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)...

TS.Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa họcVăn Miếu- Quốc Tử Giám

TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò

“Trong bối cảnh đời sống kinh tế thị trường, những tác động mặt trái đã tạo sức ép, thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị nguyên gốc của các di tích, di sản. Các bài viết đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay gìn giữ di sản. Nhờ sự phát hiện kịp thời của báo chí truyền thông và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, những vi phạm trong quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xử lý nhanh và hiệu quả…”, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa nhấn mạnh.

Ông Phan Thanh Nam cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng, dung lượng cũng như hiệu quả tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Báo Văn hóa sẽ chú trọng nội dung bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về di sản cho đội ngũ các phóng viên chuyên trách lĩnh vực di sản ở các vùng miền. Đồng thời chú trọng đổi mới nội dung, đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch, nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với các di sản, khơi dậy ý thức ở mỗi người để cùng chung tay bảo vệ, phát huy di sản…

HÀ PHƯƠNG, ảnh: TRẦN HUẤN

 

Print
Tags: Di sản

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top