Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Văn học làm gì để góp phần chấn hưng văn hóa? (Bài 1): Mỗi nhà văn phải là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Thứ Sáu 17/06/2022 | 09:22 GMT+7

VHO- Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những mặt hạn chế như “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”. 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các văn nghệ sĩ và đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: TR.HUẤN

Là một trong những thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà, văn học phải làm gì để góp phần “chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới” như yêu cầu của Tổng Bí thư chỉ ra? Đây cũng là nội dung của loạt bài “Văn học làm gì để góp phần chấn hưng văn hóa?” bắt đầu từ số này trên Văn Hóa. 
 Hội nghị Văn hóa toàn quốc một lần nữa khẳng định, văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội. Xác định được nhiệm vụ phải tham gia công cuộc chấn hưng văn hóa Việt Nam, nền văn học nước nhà thời gian qua đã có nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. 
Tuy nhiên, để tác động tích cực hơn nữa đến sự phát triển văn hóa, nhiều chuyên gia trong giới nghề nhận định, văn học phải tiếp tục vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu hơn. Nói cách khác, văn học có “mùa màng bội thu” thì văn hóa mới bứt tốc phát triển. 

Phải có chiến lược phát triển dài hạn 

Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, văn học Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để nâng cao chất lượng. Ngay bản thân đội ngũ quản lý Hội Nhà văn Việt Nam cùng các chi hội cũng đã có những thay đổi để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giúp văn học Việt Nam vươn mình. “Nỗ lực kiện toàn đội ngũ quản lý đã cho thấy quyết tâm của những nhà văn, nhà thơ trong phát triển văn học. Tôi đánh giá chúng ta đang có những trụ cột không ngại vất vả, dám dấn thân, luôn trăn trở làm sao để văn học Việt Nam phát triển vượt bậc, trực tiếp tham gia vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam. Đội ngũ quản lý tốt cũng chính là động lực thúc đẩy văn học đi lên. Không chỉ về mặt nhân sự, các bộ phận chuyên môn cũng thay đổi theo hướng chuyên nghiệp. Hội đồng giờ đã trở thành ban. So với hội đồng, ban có tính chuyên môn sâu hơn. Tôi lấy ví dụ Hội đồng Văn học thiếu nhi giờ đã đổi thành Ban Sáng tác thiếu nhi. Kể từ sau thay đổi, văn học thiếu nhi được quan tâm hơn, dẫn đến nhiều “phát lộ” mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm chất lượng cho thiếu nhi được xuất bản và đón nhận. Đó chỉ là số ít ví dụ chứng minh việc kiện toàn bộ máy quản lý, ban chuyên môn đã giúp văn học phát triển”, PGS.TS Ngô Văn Giá nêu. 
Không chỉ trong công tác quản lý, các hoạt động khích lệ, động viên cây viết sáng tác, giúp đời sống văn học nước nhà sôi động hơn cũng đặc biệt được chú trọng. Giải thưởng Tác giả trẻ cùng hàng loạt giải thưởng khác về văn học được trao một cách công tâm. Trại sáng tác văn học được tổ chức dài ngày đã tạo ra sự khích lệ để các tác giả chuyên tâm sáng tác. Có được sân chơi, các nhà văn cũng vì thế hăng hái hơn trong hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng, đây chỉ mới là thành công bước đầu. Văn học Việt Nam muốn phát triển lâu dài, trực tiếp thì phải “nuôi” bằng các chiến lược phát triển dài hạn: “Chúng ta chỉ nên coi những thành công trong thời gian qua là bước khởi động cho cả một quá trình phát triển của văn học nước nhà. Muốn thành công lâu dài thì bắt buộc phải có chiến lược đầu tư dài hạn, thường xuyên, kiên nhẫn mới có “trái ngọt”. Quan trọng là phải đầu tư có trọng tâm. Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam đang đặc biệt đầu tư phát triển cho văn học thiếu nhi, văn học trẻ. Vừa qua, Trại sáng tác Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức, kéo dài 15 ngày tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã truyền cảm hứng cho sự ra đời các sáng tác về thiếu nhi. Thiếu nhi, thế hệ trẻ là nguồn lực tương lai của đất nước. Phát triển văn học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đối tượng này cũng chính là phát triển cho văn hóa quốc gia. 

 Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, một trong những nguồn lực to lớn, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, 
đậm đà bản sắc dân tộc

Mỗi nhà văn phải là một nhà văn hóa 

PGS.TS, nhà văn Trần Thị Trâm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, văn học được coi là hạt nhân quan trọng trong phát triển văn hóa của dân tộc. “Văn học luôn hướng đến những yếu tố chân – thiện – mỹ. Không chỉ cung cấp cho bạn đọc tri thức, văn học còn giúp văn hóa ứng xử giữa con người trở nên tốt đẹp hơn qua những thông điệp được thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ. Chưa kể, một tác phẩm văn học khi ra đời cũng là cách kích thích sự phát triển của văn hóa đọc. Bởi khi đến được với bạn đọc, một tác phẩm văn chương mới hoàn thành sứ mệnh của mình. Vì vậy, phát triển văn học cũng chính là chấn hưng văn hóa, làm giàu cho bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng ta cần coi trọng hơn sự phát triển của văn học Việt Nam”, PGS.TS Trần Thị Trâm nhấn mạnh. 
PGS.TS Trần Thị Trâm cũng cho hay, muốn văn học Việt Nam phát triển, mỗi nhà văn phải tự coi mình là một nhà văn hóa, công dân toàn cầu; liên tục trau dồi kiến thức về văn hóa để ngòi bút sắc, tác phẩm hay hơn: “Muốn viết văn hay thì phải hiểu rõ, hiểu sâu về văn hóa dân tộc mình. Mỗi tác phẩm được viết ra, công bố phải mang trong mình sứ mệnh lan toả tri thức, vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, nhà văn có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với văn hóa quốc tế. Song song với tiếp thu văn hóa từ các dân tộc anh em, các nhà văn vẫn cần phải lưu ý để những tác phẩm của mình mang yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc. Từ đó, đảm bảo văn học Việt Nam có sự hiện đại nhưng vẫn mang đậm tính truyền thống, đúng với xu thế phát triển của văn hóa Việt Nam”. 

Muốn có tác phẩm để đời, một trong những điều kiện tiên quyết là nhà văn phải dấn thân. Trong ảnh: Đoàn văn nghệ sĩ tác nghiệp thực tế khai thác hầm lò ở độ sâu âm 300 mét tại Cty cổ phần than Hà Lầm, Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: VINACOMIN

Trăn trở làm sao để thúc đẩy sức mạnh của lực lượng nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ trong công cuộc chấn hưng văn hóa, PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ: “Hiện tôi nhận thấy rất nhiều nhà văn trẻ đi vào đời sống văn chương hết sức nghiêm túc. Họ luôn đắn đo làm sao để văn học trở thành “mảng kiến tạo lớn” trong văn hóa Việt Nam. Đây là lực lượng rất đáng quý. Thế nhưng, điều tôi lo ở đây là có thực trạng một bộ phận cây viết sáng tác theo kiểu “được chăng, hay chớ”. Khi không có tác phẩm chất lượng, được bạn đọc đón nhận thì lại viện cớ sáng tác cho… khuây khỏa. Suy nghĩ này là rất nguy hiểm vì mỗi nhà văn cần xác định lao động sáng tạo phải thực chất, chuyên nghiệp, thể hiện trách nhiệm của mình với văn học, văn hóa nước nhà”. 
Đồng quan điểm, tác giả Nguyễn Đức Hậu (bút danh Nam Thiên Phú, chuyên ngành thơ), một trong những cái tên xuất hiện trong danh sách tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vào cuối tuần này tại thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Ngoài một số tác giả đã “đóng đinh” chất văn chương cá nhân của mình trên sân chơi chữ nghĩa nhờ những tác phẩm hay, được công chúng mến mộ thì vẫn còn đó những nhà văn trẻ chọn cách ẩn mình. Họ sáng tác để riêng chứ không công bố dẫu rằng rất nhiều tác phẩm trong số đó có thông điệp nhân văn, làm phong phú hơn đời sống văn hóa của người dân. Điều này là rất đáng tiếc. Lực lượng cây viết trẻ là những người rất sung sức, nhiệt huyết, có nhiều tư duy mới trong hoạt động sáng tạo. Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của các phương tiện công nghệ và truyền thông, những cây viết này hoàn toàn không gặp bất kỳ khó khăn gì trong việc phổ biến tác phẩm đến công chúng. Do đó, tôi nghĩ nếu tác phẩm hay, thông điệp tốt thì các nhà văn trẻ hãy mạnh dạn công bố”. 
Nhà thơ Nguyễn Đức Hậu nêu thêm: “Trong bối cảnh văn hóa đọc cùng đời sống văn hóa của người dân đang chịu nhiều tác động bởi các thiết bị thông minh thì việc tăng cường xuất bản những tác phẩm như vậy là rất cần thiết; giúp kéo bạn đọc đến gần hơn với văn chương, phát triển văn hóa tinh thần cho người đọc. Một khi văn hóa đọc, văn chương phát triển thì chắc chắn, văn hóa Việt Nam cũng sẽ phát triển”. 

Bộ VHTTDL luôn đồng hành cùng đội ngũ văn nghệ sĩ

Theo chương trình dự kiến, ngày mai 18.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng sẽ tới dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tổ chức tại TP Đà Nẵng. Đây là một trong nhiều cuộc dự, gặp mặt, làm việc liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn vài năm vừa qua của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ với các nhà văn nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ VHTTDL đối với sự phát triển của văn học – nghệ thuật nước nhà.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các văn nghệ sĩ tại buổi gặp mặt của Bộ VHTTDL với các văn nghệ sĩ tiêu biểu nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022 Ảnh: TRẦN HUẤN

Trong tham luận trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh:

“…Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam.

Tôn trọng quy luật riêng của văn hóa và nghệ thuật để có chính sách phù hợp, nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để những tác phẩm sống mãi với thời gian, bởi “văn học là nhân học”...”.

Tiếp đó, tại Hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý, phát triển văn học, do Bộ VHTTDL tổ chức tháng 12.2021 với sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng vì tất cả các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng Đề án phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ trưởng cũng cho biết, về phần mình, Bộ VHTTDL sẽ cùng các bên liên quan xây dựng đề án trình Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Nếu được thông qua, Chương trình sẽ tạo nên một cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Ở đó sẽ có nguồn lực, giải pháp và cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển.

Tinh thần dấn thân, đồng hành cùng dân tộc của văn nghệ sĩ được Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt của Bộ VHTTDL với các văn nghệ sĩ tiêu biểu nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022. Tại cuộc gặp mặt ấm cúng này, sau khi nhắc lại ý nghĩa Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, được lắng nghe những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư với tất cả tâm huyết, mong chờ, với yêu cầu phải chấn hưng văn hóa, Bộ trưởng khẳng định, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đội ngũ văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa đã được tiếp thêm động lực để thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn các Hội VHNT sẽ cùng Bộ suy nghĩ về mục tiêu đưa các nhà văn, nhạc sĩ... có năng lực về thâm nhập thực tiễn, để có tiếng nói chân thật nhất từ cơ sở. “Từ thực tiễn sẽ có tác phẩm tương xứng, có giá trị, phản ánh hiện thực cuộc sống. Bộ VHTTDL luôn tôn trọng quy luật riêng của văn học nghệ thuật, cố gắng phát hiện, đề xuất và kiến nghị để đội ngũ văn nghệ sĩ có không gian sáng tạo riêng, từ đó có những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian”, Bộ trưởng khẳng định.

 

  Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.151 hội viên. Hội được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và nhân dân. Hội đã hội tụ được những nhà văn có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, sáng tạo nên những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, những khát vọng đẹp đẽ của con người, góp phần xây dựng nên những giá trị, nền tảng tinh thần cho nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ chính trị của đất nước… 
Về khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành, hiện chưa có cơ sở pháp lý quy định để điều chỉnh công tác văn học; Quy định nội dung quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn học; nội dung quản lý đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về văn học nghệ thuật chưa rõ ràng. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn học còn thiếu về số lượng theo biên chế, việc bố trí cán bộ chuyên sâu có trình độ, am hiểu về chuyên môn làm công tác văn học gặp khó khăn về cơ chế và con người. 
Đội ngũ viết văn hiện nay tương đối đông, song chủ yếu là các cây bút nghiệp dư; phần lớn không công tác trong các cơ quan nhà nước do đó ít chịu sự quản lý chặt chẽ bởi luật pháp. Hội Nhà văn cũng chỉ quản một bộ phận không nhiều trên thực tế. Vấn đề sáng tác, lý luận - phê bình văn học còn thiếu công trình nghiên cứu chuyên sâu có chất lượng; qua các hội thảo, nhận thức và quan niệm còn thiếu thống nhất, đội ngũ phê bình còn mỏng, thiếu các tác phẩm phê bình đích thực, một bộ phận chủ yếu là những người phê bình không chuyên… 

ĐÌNH TOÁN - SÔNG THAI 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top