Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống: Đẩy lùi mặt trái từ cơ chế thị trường

Thứ Sáu 17/06/2022 | 09:26 GMT+7

VHO- Bàn về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, tại Hội thảo do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức, nhiều chuyên gia văn hóa nhấn mạnh, bối cảnh đời sống kinh tế thị trường không chỉ tác động mà còn làm chao đảo nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Nếu không có giải pháp đẩy lùi biến tướng, tiêu cực thì hệ quả là nhiều nét đẹp trong các lễ hội truyền thống sẽ có nguy cơ mai một, trở thành yếu tố độc hại đối với cộng đồng.

 Lễ hội Chùa Hương

 Những khía cạnh tác động tiêu cực làm cho không gian văn hóa lễ hội mất đi tính thiêng. Không gian lễ hội truyền thống tại các cơ sở tín ngưỡng được đầu tư, trùng tu, tôn tạo và làm mới để thu hút du khách nhưng cũng gây ra nhiều mâu thuẫn.

Báo động hành vi ứng xử trong lễ hội

Bối cảnh đời sống kinh tế thị trường đang tạo nên sự chao đảo, tác động và mài mòn những giá trị trong lễ hội truyền thống. PGS.TS Lê Ngọc Thắng cho rằng, hiện có không ít hoạt động dịch vụ tại các lễ hội bộc lộ hành vi ứng xử chưa tốt, khiến du khách trong nước và quốc tế thiếu thiện cảm. Ứng xử văn hóa của du khách tham gia lễ hội cũng có nhiều biểu hiện tiêu cực như chưa có thái độ thành kính đối với các nhân vật lịch sử, tôn trọng phong tục tập quán, tâm linh, tín ngưỡng, những điều kiêng kỵ của lễ hội; thiếu tôn trọng và thực hiện nghiêm các quy định; thiếu tôn trọng cộng đồng, chủ thể lễ hội; ăn mặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục; phát ngôn tục tĩu, chửi thề, xả rác bừa bãi, chen lấn xô đẩy, đốt vàng mã tràn lan, “hối lộ” thánh thần, tranh cướp lộc… “Đây là vấn đề cơ bản tác động đến môi trường văn hóa lễ hội, cần được nhận thức, quan tâm, có giải pháp đầu tư phù hợp”, ông Thắng nêu.

TS Nguyễn Anh Cường, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đề cập, “Lễ hội là tấm gương phản ánh xã hội đương thời. Hiện không ít người đi dự lễ hội nặng về cầu xin danh lợi cho cá nhân, gia đình mình. Chính vì kém hiểu biết lại ham muốn lợi lộc nên nhiều người đã làm ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt chung của cộng đồng, làm giảm giá trị văn hóa của lễ hội...”.

Theo ThS Ninh Thị Thương, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, du lịch đã góp phần phát triển lễ hội truyền thống và môi trường văn hóa lễ hội truyền thống theo chiều hướng tích cực, nhưng bên cạnh đó, du lịch cũng có nhiều tác động tiêu cực với các hoạt động, các biểu hiện lệch chuẩn, biến tướng phản cảm, thậm chí làm ô nhiễm môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo này.

Việc trùng tu nhiều nơi thực hiện tuỳ tiện, làm mất đi giá trị vốn có của không gian tâm linh, tượng được sơn mới bóng lộn, thay cột gỗ bằng cột xi măng… khiến các di tích cứ na ná giống nhau. Đáng chú ý, để quảng bá du lịch, nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, làm mới dẫn đến tình trạng không còn giữ được yếu tố đặc trưng, đặc sắc vốn có; yếu tố tâm linh suy giảm, giá trị kinh tế lấn át giá trị thực hành văn hóa, coi lễ hội truyền thống là nguồn lợi riêng của địa phương... Điều này làm cho môi trường lễ hội truyền thống không còn hấp dẫn du khách.

 Những hiện tượng tiêu cực trong lễ hội cần phải được chấn chỉnh (ảnh minh họa)

Ngăn chặn, xử lý những biến tướng, tiêu cực

Theo ThS Ninh Thị Thương, thực trạng tác động của du lịch đến môi trường văn hóa lễ hội truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề. Việc gắn kết giữa du lịch và lễ hội chưa chặt chẽ, đặt nặng vấn đề thu hút đông du khách nhằm thu lợi nhuận mà chưa chú trọng việc tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa. Nhiều lễ hội còn nặng hình thức, phô trương. “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa lễ hội truyền thống là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong đó bao gồm xây dựng cảnh quan văn hóa, xây dựng các sản phẩm văn hóa, xây dựng các giá trị, chuẩn mực, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng tiêu chí đánh giá về môi trường văn hóa lễ hội truyền thống. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong chiến lược phát triển bền vững đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cộng đồng...”, theo bà Thương.

Các chuyên gia văn hóa cũng nhận định, số đông người dân đều mong muốn biết được ý nghĩa thực sự của nguyên bản lễ hội. Vì thế, cần chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ những người thực hiện các nghi thức lễ hội. Hiện nay, nhiều người thực hành nghi lễ nhưng lại không hiểu bản chất của lễ hội. Thực tế, không phải lễ hội bị phục dựng quá đà mà chính là việc thực hành nghi thức bị làm quá đà. Điều này cần đến sự quản lý của các cơ quan nhà nước cao nhất.

TS Vũ Thị Uyên, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh lợi ích thì mặt trái của nền kinh tế thị trường đang làm chao đảo nhiều giá trị văn hóa. Thực tế cho thấy, cả người tổ chức lẫn người tham gia lễ hội cũng đã có những biểu hiện xem nhẹ các ứng xử chuẩn mực xã hội, chạy theo những thị hiếu không lành mạnh. “Lễ hội bị thương mại hóa gây lãng phí, tốn kém, làm mất trật tự trị an, gây nguy hiểm cho xã hội và nguy hại đến cá nhân con người. Không ít người trước nguồn lợi thu được từ lễ hội đã không ngần ngại biến hoạt động tinh thần này trở thành dịch vụ kinh doanh kiếm lời béo bở...”, theo TS Vũ Thị Uyên.

Đề cập giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường đến lễ hội truyền thống, TS Vũ Thị Uyên nêu, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành tại địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, liên tục và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lễ hội truyền thống cần chú trọng việc bảo tồn những nét đặc trưng, tránh sao chép, bắt chước các lễ hội khác mà địa phương không có; tránh tình trạng nâng cấp quy mô của các lễ hội tràn lan để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Các chuyên gia cũng lưu ý, việc đưa lễ hội truyền thống trở thành sản phẩm du lịch cần phải thận trọng để hạn chế những tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách, tránh hiện tượng mê tín dị đoan, sùng bái thái quá... Về giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của phát triển du lịch đến các giá trị truyền thống trong lễ hội, ThS Ninh Thị Thương nhấn mạnh, cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong lễ hội đối với du khách, BQL và người dân bản địa.

TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của yếu tố truyền thông: “Truyền thông góp phần quan trọng vào việc quảng bá các giá trị tích cực của lễ hội trong đời sống. Tuy nhiên, một bộ phận truyền thông chính thống do tiếp cận chưa đầy đủ với các giá trị nhân văn của lễ hội đã khiến cho quá trình phản ánh các giá trị của lễ hội bị méo mó, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường văn hóa nhân văn như nó từng vốn có. Do đó, khuyến nghị các cơ quan báo chí khi phản ánh về lễ hội cần tiếp cận từ góc nhìn của chủ thể sáng tạo. Có như vậy mới tìm ra giá trị nhân văn tích cực để xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh cho từng lễ hội cụ thể”. 

 Thực trạng tác động của du lịch đến môi trường văn hóa lễ hội truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề. Việc gắn kết giữa du lịch và lễ hội chưa chặt chẽ, đặt nặng vấn đề thu hút đông du khách nhằm thu lợi nhuận mà chưa chú trọng việc tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa. Nhiều lễ hội còn nặng về hình thức, phô trương.

Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa lễ hội truyền thống là vấn đề cấp thiết hiện nay, trong đó bao gồm xây dựng cảnh quan văn hóa, xây dựng các sản phẩm văn hóa, xây dựng các giá trị, chuẩn mực, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, xây dựng tiêu chí đánh giá về môi trường văn hóa lễ hội truyền thống. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong chiến lược phát triển bền vững đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cộng đồng...

(ThS NINH THỊ THƯƠNG, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội)

 HOÀNG NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top