Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời tại các thiết chế văn hóa

Thứ Sáu 17/06/2022 | 15:27 GMT+7

VHO- Vừa qua tại Hà Giang, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo phục vụ xây dựng Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Quốc Hùng (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020”; tiếp đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 3592/BVHTTDL-TV gửi Sở VHTTDL các tỉnh/thành hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo ngành VHTTDL và các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với các mục tiêu, giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương; ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp công tác với Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Hội người mù Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam...

Ông Phạm Quốc Hùng (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL) trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo

Bộ cũng tổ chức 6 lớp tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ quản lý nhà nước, người làm công tác thư viện cả nước về kỹ năng tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện; triển khai áp dụng mô hình thư viện phục vụ học tập suốt đời (năm 2017, 2018, 2019); phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT thông tổ chức các lớp tập huấn “Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ việc học tập suốt đời trong cộng đồng tại các thiết chế văn hóa và giáo dục” cho 38 tỉnh/thành (năm 2015); hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức thuộc hệ thống bảo tàng Việt Nam như Hội nghị tập huấn ngành Di sản văn hóa; về công tác thuyết minh và chương trình giáo dục; công tác bảo quản trị liệu; công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các DTTS Việt Nam...  

Đối với hoạt động thư viện, cả nước có Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành, 667 thư viện cấp huyện, 3290 thư viện cấp xã, phường, thị trấn, 19.881 phòng đọc, tủ sách cơ sở và 178 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; hệ thống thư viện đa ngành, chuyên ngành với gần 400 thư viện các trường đại học và tương đương, 25.915 thư viện trường phổ thông; trên 100 thư viện thuộc các Bộ ngành, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học; thư viện lực lượng vũ trang nhân dân với 110 thư viện, 529 phòng đọc, 3.027 tủ sách của lực lượng công an và 421 thư viện, khoảng 1.000 phòng đọc sách Hồ Chí Minh trong hệ thống thư viện quân đội phát triển mạnh mẽ góp phần đắc lực vào việc đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời cho người dân. Nhiều địa phương tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và xây dựng thêm các thư viện như: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Bình, Kiên Giang được đầu tư xây mới trụ sở Thư viện tỉnh.

Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo các đại biểu là đại diện của Sở VHTTDL, Sở VHTT, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa...

Văn hóa đọc từng bước được chấn hưng và có sự phát triển mạnh mẽ. Các thư viện đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, chú trọng đến 3 hình thức phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động và thông qua không gian mạng trên tinh thần “lấy người sử dụng làm trung tâm”. Trong đó, nhóm đối tượng phục vụ chủ yếu mà các thư viện hướng tới đó là thanh, thiếu niên. Các thư viện đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, phát huy nguồn lực thông tin tư liệu hiện có, mở rộng các dịch vụ mới. Thư viện công cộng các tỉnh/thành tăng cường hoạt động tuyên tuyền, giới thiệu sách báo, xây dựng và triển khai các mô hình phục vụ đọc sách hiệu quả, phù hợp chủ trương xây dựng thư viện là nơi học tập thường xuyên, học tập suốt đời

Đánh giá về hiệu quả mang lại, ông Phạm Quốc Hùng cho biết thêm những năm qua, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã được quan tâm đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động; phát huy hiệu quả trong công tác duy trì, tổ chức biểu diễn văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từng bước mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí, nâng cao thể lực, sức khỏe, phát triển thể chất của người dân. Qua đó, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đời sống xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho nhân dân; tạo lối sống lành mạnh, có ý thức, có văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo không gian văn hóa lành mạnh vừa thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, giải trí sáng tạo, vừa là nơi truyền dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống góp phần vào việc nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt là đối với người dân nông thôn.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Vụ trưởng Vụ Thư viện nêu rõ, việc triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2014 - 2020 còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Hoạt động đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa chưa thực sự được quan tâm đúng mức nhất là các thiết chế ở cấp huyện và cấp xã. Nhận thức của lãnh đạo một số địa phương/bộ, ngành về vai trò của các thiết chế văn hóa đối với xã hội và đối với việc xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy học tập suốt đời còn hạn chế, dẫn đến việc quan tâm và đầu tư cho hoạt động còn nhiều bất cập. Một số địa phương, Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh chưa được quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng, hoặc bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, không có trụ sở hoạt động đúng chức năng

Nhiều chuyên gia mong muốn các hoạt động học tập suốt đời trong thiết chế văn hóa sẽ được quan tâm đúng mức thời gian tới. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đối với cấp huyện, xã, thôn đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới và hải đảo còn thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Nhiều địa phương, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh hoặc đã quá lâu, không đúng quy định về quy mô và kiến trúc hoặc xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, trang thiết bị và phương tiện chuyên dùng để tổ chức hoạt động văn hóa còn thiếu và không đồng bộ, đều trong tình trạng hỏng hóc hoặc hết khấu hao.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ tại các địa phương còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ vẫn còn chưa đảm bảo về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, mới đáp ứng được một phần yêu cầu công việc. Nhiều nơi vẫn sử dụng cán bộ trái ngành, trái nghề hoặc chỉ có năng khiếu mà chưa được đào tạo.

Sau khi thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, các đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực tại hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp, kinh nghiệm về những cách làm hay, sáng tạo trong việc học tập suốt đời tại địa phương. Thông qua hội thảo, các đại biểu mong muốn chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ hoạt động suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá, các câu lạc bộ tiếp tục được nâng cao; tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp cơ hội cho người dân, đặc biệt là người dân khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS , vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, được học tập thường xuyên. Từ đó, khuyến khích nhu cầu thói quen trong học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 – 2030.

NAM ANH – TÙNG LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top