Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trẻ em làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm vẫn đang là thách thức

Thứ Hai 20/06/2022 | 09:54 GMT+7

VHO- Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tỉ lệ lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, chuỗi cung ứng vẫn đang là thách thức của Việt Nam Ảnh: ANH LINH

Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2022 là “Bảo trợ xã hội toàn dân nhằm chấm dứt lao động trẻ em”. Theo đó, tại Việt Nam vẫn còn một bộ phận trẻ em lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc chủ yếu là tại các chuỗi cung ứng hoặc khu vực kinh tế phi chính thức, nông nghiệp, xây dựng… khi phải làm việc tới hơn 40 giờ/tuần, nhiệt độ khắc nghiệt, tiếp xúc với hóa chất…

Hội nghị về cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam là các em sinh ra ở hộ gia đình nghèo (thu nhập thấp và không ổn định) và gia đình dễ bị tổn thương (như khuyết tật, di cư…) khiến trẻ em phải bỏ học, tham gia lao động. Đồng thời, nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập nên dễ dàng từ bỏ việc học để trở thành lao động trẻ em vì lợi ích kinh tế trước mắt. Thứ ba là những tác động của đại dịch Covid-19 làm hạn chế sự tiếp cận hiệu quả của trẻ em đối với giáo dục trong gần hai năm qua, vì còn có những trẻ em trong các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn trong việc kết nối internet để học trực tuyến.

Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nói chung và giảm thu nhập của các hộ gia đình có thể dẫn đến nhiều trẻ em sẽ phải tham gia các hoạt động kinh tế để phụ giúp gia đình. Dự báo trước điều này, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ kinh tế đối với người có công với các mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo; người lao động bị hoãn, tạm ngừng, nghỉ việc. Năm 2021, Chính phủ hỗ trợ trẻ em bị F0, F1 tiền ăn; hỗ trợ khẩn cấp trẻ em mồ côi bởi đại dịch, tìm cá nhân, gia đình, tổ chức chăm sóc thay thế đối với trẻ mồ côi; tiếp tục hỗ trợ người lao động tạm hoãn, ngừng, nghỉ việc không lương, hỗ trợ vay vốn với hộ kinh doanh, người sử dụng lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh…

“Sau đại dịch Covid-19, có tình trạng một số trẻ em phải tham gia lao động như một phương án để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình. Do đó, những chính sách an sinh xã hội của Chính phủ có vai trò rất lớn trong việc giảm tỉ lệ lao động trẻ em. Trong thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH sẽ triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật thông qua các chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp theo quy định của pháp luật…”, bà Hoa nhấn mạnh.

Nói về công tác thanh kiểm tra vấn đề liên quan đến lao động trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng còn nhiều khó khăn vì chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, ở hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức. Đây là những khu vực khó can thiệp nếu không có sự tố giác của những người xung quanh. Do đó, cần tuyên truyền nhận thức, hiểu biết về lao động trẻ em cho người dân, kịp thời phát hiện, báo cơ quan chức năng khi có vi phạm. Việt Nam là số ít quốc gia đang phát triển thực hiện điều tra quốc gia về lao động trẻ em (vào năm 2012 và 1918), tuân thủ các khái niệm về lao động trẻ em. Kết quả cho thấy, tỉ lệ lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục đã tăng lên nhưng tỉ lệ trẻ em làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm chủ yếu ở trong khu vực kinh tế phi chính thức và trong các chuỗi cung ứng vẫn đang là thách thức mà Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn. Điều này đòi hỏi giới chủ sử dụng lao động cũng như đại diện các hiệp hội làng nghề và các hiệp hội khác liên quan phải nỗ lực hơn nữa tham gia cùng với Chính phủ để có giải pháp cụ thể tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em.

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về phòng ngừa lao động trẻ em đến năm 2025 -2030. Tôi tin với sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của các tổ chức quốc tế và cơ quan chức năng có thể Việt Nam không chỉ phòng ngừa, giảm số lao động trẻ em mà còn chia sẻ với quốc tế về mô hình, giải pháp hay của chúng ta. Tại hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về lao động trẻ em vừa được tổ chức tại Nam Phi vào tháng 5, đoàn Việt Nam tham dự với chủ đề tăng cường giáo dục nhằm xóa bỏ lao động trẻ em. Thông điệp mà Việt Nam gửi tới là mong muốn hợp tác, nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và liên thông kết nối giáo dục nghề nghiệp cho trẻ vị thành niên làm sao đảm bảo những người trẻ tuổi được phát huy hết khả năng, có cơ hội có việc làm sẽ góp phần xóa bỏ gốc rễ lao động trẻ em. Góp ý của Việt Nam được ghi nhận và đánh giá cao”, ông Đặng Hoa Nam cho hay. 

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top